Giải pháp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019

14/09/2018 07:20

Những giải pháp cơ bản để tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Đổi mới thi cử - thực tiễn và những vấn đề đặt ra” do báo Đại biểu nhân dân tổ chức sáng nay (13/9).


ngay3-1-WTRU

Rào cản kĩ thuật chặt chẽ hơn

Phát huy những ưu điểm và nghiêm túc rút kinh nghiệm sau những tiêu cực và hạn chế, bất cập xảy ra trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018; cầu thị tiếp thu các ý kiến đóng góp, nghiêm túc rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức thi, nhất là khâu coi thi, chấm thi để hoàn thiện quy chế thi; nâng cao chất lượng tập huấn nghiệp vụ thi cho những người tham gia tổ chức thi, Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện phương thức thi THPT quốc gia để tổ chức ổn định trong các năm 2019 và 2020, đảm bảo tinh gọn, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi nghiêm túc và từng bước nâng cao chất lượng chất lượng, hiệu quả.

Khẳng định tổ chức ổn định kỳ thi THPT quốc gia trong các năm 2019 và 2020, tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết:

Để tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của Kỳ thi THPT quốc gia.

Đồng thời, hoàn thiện quy chế, khắc phục nhược điểm về kĩ thuật, rào cản kĩ thuật chặt chẽ, không có sơ hở, có cơ chế kiểm soát, để cho những người có nghề về CNTT, nếu có ý gian lận cũng khó thực hiện.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Đổi mới thi cử - thực tiễn và những vấn đề đặt ra”

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là công tác thanh tra kiểm tra. Phối hợp chặt chẽ giữa trường ĐH, CĐ với các Sở GD&ĐT để có kỳ thi chất lượng.

Nâng cao hiệu quả của công tác tập huấn nghiệp vụ thi cho tất cả các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức thi; đặc biệt chú trọng tập huấn kỹ nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát.

Cải tiến phương thức tổ chức chấm thi để tăng cường tính chính xác, khách quan của kết quả thi. Làm sao để giáo viên không chấm thi học sinh của tỉnh mình, giảng viên đại học địa phương cũng vậy, không coi thi, chấm thi ở địa phương mình, để đảm bảo khách quan.

Trong công tác phối hợp với địa phương, tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban chỉ đạo trung ương và địa phương để chỉ đạo kỳ thi.

Nói về kỳ thi với những hạn chế đã xảy ra tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, với quy chế như hiện nay, nếu mỗi cá nhân thành viên tham gia chính thức của cụm thi, điểm thi và Hội đồng thi làm hết trách nhiệm thì chắc không có chuyện gì xảy ra. Nên cần quán triệt tới từng thành viên hội đồng trong quá trình tổ chức triển khai, các thành viên làm hết trách nhiệm của mình.

“Chúng tôi thấy đề thi ra có sự phân hóa mạnh, một số bài quá khó. Và để giải quyết điều đó, Bộ GD&ĐT phải xây dựng được ngân hàng câu hỏi đảm bảo phong phú chất lượng, chuẩn hóa để đạt được mục đích của kỳ thi. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐTcũng cần xây dựng đội ngũ chuyên gia có năng lực và hiểu biết sâu rộng về phương pháp khảo thí, từ đó đề xuất các phương thức tiệm cận quốc tế trong quá trình thi, kiểm tra đánh giá và đổi mới giáo dục.

Trong thời gian tới, Bộ cũng cần có những điều chỉnh mang tính kỹ thuật, nhằm phát hiện sai phạm, tiêu cực. Như trong kỳ thi vừa qua, phát hiện tiêu cực là do có sự điều chỉnh giấy niêm phong túi đựng bài thi” – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chia sẻ.

 
Tọa đàm trực tuyến “Đổi mới thi cử - thực tiễn và những vấn đề đặt ra” 

Phương án thi THPT quốc gia hiện nay là phù hợp

Công tác thi, kiểm tra đánh giá là khâu quan trọng trong quá trình dạy học, có liên hệ biện chứng, chặt chẽ với các hoạt động dạy học, có tác động tích cực đến chất lượng, hiệu quả giáo dục, nên luôn được xã hội quan tâm. Chính vì lẽ đó, Bộ GD&ĐT đã chọn công tác thi, kiểm tra đánh giá là khâu đột phá trong hoạt động đổi mới và phát triển giáo dục.

Nhấn mạnh điều này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ dẫn Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT: Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Theo đó, Nghị quyết 44/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã khẳng định, đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, tiến tới tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và đào tạo ĐH, CĐ.

Bộ GD&ĐT đã tích cực đổi mới phương thức, cách thức tổ chức thi, với sự điều chỉnh hợp lý trong quá trình triển khai. Từ năm 2015 đến nay, kỳ thi ngày càng được hoàn thiện, được tổ chức gọn nhẹ, giảm áp lực tốn kém cho xã hội, tình trạng ùn tắc giao thông khi bố mẹ và học sinh đi thi, giảm đi lại vất vả cho người học và gia đình, giảm dạy thêm học thêm.

Ý kiến của bạn

Bình luận