Mỹ: Hướng tới phát triển nền kinh tế xanh
Ở Mỹ, kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008 đang có một sự xem xét lại chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng việc làm, áp dụng chiến lược “Tái công nghiệp hóa”. Tháng 11/2009, Tổng thống Obama đưa ra mô hình tăng trưởng của Mỹ phải chuyển sang mô hình tăng trưởng bền vững. Trong chiến lược “Tái công nghiệp hóa” cho giai đoạn 10 năm tới nhằm phát triển công nghệ mới dự kiến đầu tư 15.000.000 USD hỗ trợ cho các nguồn năng lượng mới, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Mỹ muốn trở thành nhà lãnh đạo sạch trong công nghệ. Hướng tiếp cận mới theo cách “Kinh tế các bon thấp”, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Cách tiếp cận ở Mỹ luôn lấy tiêu chí hiệu quả kinh tế để thực thi chính sách, động lực thị trường thúc đẩy đổi mới công nghệ. Thực thi bảo vệ môi trường có khoa học và kế hoạch rõ ràng chia theo giai đoạn, trước hết người dân phải hiểu, thứ đến phải có can thiệp khoa học và cuối cùng thực hiện theo chương trình kế hoạch đã có. Tuy nhiên, tùy theo đặc trưng từng vùng có kế hoạch khác nhau, ví dụ vùng cần bảo vệ nguồn nước có chương trình riêng của lĩnh vực này, bảo vệ đất hay duy trì đa dạng sinh học có chương trình cụ thể thích hợp cho từng loại đất.
Trong nông nghiệp, sản xuất sản phẩm hữu cơ và kết hợp nhiều loại sản phẩm khác nhau trong một trang trại sản xuất được chủ trang trại phát huy cao độ. Cây trồng vật nuôi được kết hợp và phù hợp với đặc điểm sinh thái của nơi sản xuất, duy trì chất lượng đất. Tại trang trại sản xuất nông nghiệp, xu hướng tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng mặt trời khá phổ biến. Việc sử dụng hầm Biogas, trợ cấp cho năng lượng sạch được thực hiện ở các vùng sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi quy mô lớn. Cơ quan dịch vụ sản xuất nông trại – FSA (Farm Service Agency) khuyến khích trang trại không sử dụng hóa chất diệt côn trùng và các dịch vụ hỗ trợ khoa học kỹ thuật khác.
Trong công nghiệp, vấn đề được chú trọng nhất là tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng thay thế nhằm hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Để quyết định lựa chọn theo hướng nào, bài toán kinh tế được tính toán theo vận hành của cơ chế thị trường theo phương án trước mắt và dài hạn. Xu hướng sử dụng năng lượng mặt trời từ việc sản xuất ra nhiều tấm pin đã và đang được triển khai, hiện có khoảng 22 thành phố đã sản xuất và sử dụng, không chỉ giải quyết công ăn việc làm, mà còn tiết kiệm năng lượng, mang lại hiệu quả và tiếp cận theo hướng cac bon thấp.
Từ hướng tiếp cận kinh tế cacbon thấp, đối với phát triển đô thị, những khu đô thị mới, chẳng hạn khu vực sân bay cũ nay không còn sử dụng ở gần thành phố Austin thuộc bang Taxes, được quy hoạch lại chuyển đổi sang phát triển khu dân cư sinh sống, một tổ chức phi lợi nhuận với sự tài trợ của Chính phủ và tham gia của nhiều doanh nghiệp, tiến hành quy hoạch, thiết kế các ngôi nhà và toàn bộ khu dân cư thân thiện môi trường, các ngôi nhà xanh được hình thành (Green houses). Những ngôi nhà đó so với các kiểu nhà trước đây sẽ tiết kiệm năng lượng nhiều hơn, sử dụng năng lượng mặt trời, mang lại lợi ích nhiều hơn cho chủ hộ sử dụng.
Hệ thống hạ tầng đồng bộ từ đường sá, thu gom phân loại và xử lý rác, các công nghệ mới được đưa vào ngôi nhà, không gian xanh phù hợp. Khái niệm “Nhà không dây điện” đã xuất hiện. Xu hướng mới xây dựng nhà công sở cũng đã được thiết kế và xây dựng ở thành phố Austin, một ngôi nhà công sở được thiết kế theo dạng ngôi nhà xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng được nước mưa thiên nhiên, các vật dụng trang trí tận dụng chất thải và nhiều sáng kiến khác được đưa vào là hướng tiếp cận mới đã được thực hiện ở Mỹ. Hệ thống giao thông, nhất là đối với các đường cao tốc quy hoạch giải phân cách xanh là yêu cầu bắt buộc. Mặc dù cách giải quyết ở Mỹ theo kiểu “Kinh tế cacbon thấp”, nhưng với cách tiếp cận đó cũng là nội dung hướng tới phát triển “Nền kinh tế xanh”.
Nhật Bản: Thiết lập khung pháp lý và cơ quan quản lý môi trường
Chính phủ Nhật Bản đã ban hành những quy định pháp luật nghiêm ngặt về tiêu chuẩn phát thải chất thải, KSON nước, không khí và giám sát ô nhiễm chất độc hại; đặc biệt coi trọng chính sách giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT, khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức nỗ lực ngăn chặn, KSON môi trường. Năm 1967, Nhật Bản ban hành Luật cơ bản về KSON môi trường, trong đó đưa ra các quy định về kế hoạch KSON, các tiêu chuẩn môi trường và hệ thống kiểm soát tổng tải lượng ô nhiễm. Đến năm 1971, Bộ Môi trường Nhật Bản được thành lập nhằm thúc đẩy công tác quản lý KSON và bảo tồn thiên nhiên của đất nước. Năm 1972, Luật Bảo tồn thiên nhiên đã chính thức được ban hành nhằm ngăn chặn sự phá hủy môi trường tự nhiên. Những bộ luật trên đã đạt được những thành công nhất định trong việc giải quyết những vấn đề môi trường của Nhật Bản tại thời điểm đó và là cơ sở cho Luật Môi trường cơ bản được ban hành vào năm 1993, trong đó đã đưa ra Hệ thống kiểm soát ô nhiễm (KSON). Hệ thống KSON bao gồm các chính sách và quy định về KSON không khí, KSON nước, các vấn đề ô nhiễm đất, các tiêu chuẩn quốc gia về chất độc hại; hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng môi trường; những biện pháp kiểm tra và kiểm soát nghiêm ngặt môi trường sản xuất công nghiệp; các quy định về trách nhiệm của cơ sở gây ô nhiễm…
KSON không khí (Luật KSON không khí) tập trung vào 3 nội dung chính: Tiêu chuẩn chất lượng môi trường không khí; các tiêu chuẩn và quy định phát thải (Tiêu chuẩn quốc gia đồng nhất về phát thải; các tiêu chuẩn khác về phát thải chặt chẽ hơn của địa phương); tổng tải lượng ô nhiễm ở các thành phố.
Bên cạnh đó, ô nhiễm nước cũng tạo ra những áp lực không nhỏ đối với môi trường, với hàng loạt các nhà máy sản xuất điện từ than ra đời, các nhà máy sản xuất công nghiệp, đe dọa các hệ thủy sinh và phá hủy cảnh quan thiên nhiên. Vì thế, việc ra đời Luật KSON nước là rất quan trọng, giúp hoạt động quản lý môi trường nước đi vào nề nếp. Luật KSON nước tập trung vào 3 vấn đề: Tiêu chuẩn chất lượng môi trường nước, Tiêu chuẩn và quy định phát thải, Kiểm soát tổng lượng chất ô nhiễm. Trong đó, Tiêu chuẩn chất lượng môi trường nước có thể xem là một mục tiêu quản lý nhà nước, quy định áp dụng đồng bộ cho tất cả mọi nguồn nước công cộng, đồng thời, được chia thành nhiều nhóm tùy theo mục tiêu sử dụng nước ở ao, hồ, sông. Trong đó, ô nhiễm nước có thể được phân thành nhiều loại khác nhau tùy theo ảnh hưởng và cơ chế của ô nhiễm. Mục đích của kiểm soát tổng tải lượng ô nhiễm là bảo vệ chất lượng nước tương ứng với tình hình sử dụng nước của vùng nước. Các biện pháp cải thiện chất lượng nước có thể được phân thành 2 loại: (1) Những biện pháp giảm lượng phát thải tải lượng ô nhiễm tại vùng nước (biện pháp nguồn phát thải); (2) Những biện pháp lọc ngay tại khu vực ô nhiễm nước đang tiến triển và lọc tải ô nhiễm đã được thải ra trong vùng nước đối tượng (biện pháp lọc trực tiếp). Nước thải công nghiệp từ các nhà máy, cơ sở kinh doanh hay các trại chăn nuôi quy mô lớn được quy định bởi quy chế kiểm soát nước thải nhằm giảm tải lượng phát thải. Một trong những biện pháp kiểm soát nước thải thông dụng nhất chính là đặt ra quy chế nồng độ phát thải mà trong đó có quy định về nồng độ của tải ô nhiễm chứa trong nước thải.
Về vấn đề ô nhiễm môi trường đất, Nhật Bản đã ban hành Luật ngăn ngừa ô nhiễm đất tại vùng đất nông nghiệp. Luật đã đưa ra các biện pháp đặc biệt nhằm quản lý tài chính quốc gia cho việc ngăn ngừa ô nhiễm và quy định về trách nhiệm của các công ty vận hành, chi phí vận hành; các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm, cũng như các biện pháp xử lý ô nhiễm; xây dựng hệ thống xử lý đất ô nhiễm dựa vào “Luật về các biện pháp đặc biệt đối với dioxin”, trong đó bao gồm: Xác định biện pháp KSON dioxin; kế hoạch tẩy độc đất nhiễm dioxin.
Bên cạnh một hệ thống chính sách KSON nghiêm ngặt, Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương, cũng như nhân dân Nhật Bản rất nỗ lực trong việc làm sạch môi trường. Tại Nhật, có hàng nghìn tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực môi trường, hàng trăm tờ báo chuyên về môi trường, về xử lý chất thải và bảo tồn đa dạng sinh học. Khắp nơi đâu đâu cũng có các thông điệp về BVMT, tràn ngập trên các dãy phố, trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, tác động vào nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân Nhật Bản về tình yêu đối với môi trường và cuộc sống, vì một màu xanh cho thế hệ mai sau.
Bài học cho Việt Nam
Để bảo vệ tài nguyên và môi trường rút ra từ những bài học kinh nghiệm của Mỹ và Nhật Bản, Việt Nam cần có những thay đổi trong cách tiếp cận mới sau đây:
Từ bỏ phương thức phát triển kinh tế cũ của mô hình “Kinh tế nâu”, hướng tới chuyển đổi mô hình phát triển mới, theo một cấu trúc kinh tế mà hiện nay các nước đang tiếp cận, đó là “Kinh tế xanh”, không chỉ mang lại phúc lợi cho còn người mà phải duy trì và phát triển hệ sinh thái. Muốn vậy, bên cạnh khai thác phải đầu tư trở lại cho tự nhiên để phục hồi hệ sinh thái. Đối với những tài nguyên không tái tạo nguồn lợi thu được cần gìn giữ và đầu tư cho phát triên, chẳng hạn như đầu tư cho vốn con người.
Trong bối cảnh của thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tài nguyên và môi trường cần có sự kết hợp hài hòa giữa các giải pháp quản lý gồm các giải pháp về điều hành và kiểm soát với các giải pháp kinh tế. Nên tảng của các giải pháp này là thay đổi nhận thức của con người, chú trọng tới đạo đức, khơi dậy cái “tâm” của con người đối với thiên nhiên. Ngoài ra, cần phải lượng giá được tài sản của thiên nhiên để có sự so sánh giữa các phương án lựa chọn phục vụ cho thiết kế chính sách và lựa chọn trong bảo vệ tài nguyên và môi trường .
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.