Buổi lễ có sự tham gia của các đồng chí: Chu Ngọc Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; Phạm Công Tạc - Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng ban tổ chức Giải thưởng cùng các thành viên của Ban Tổ chức; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành; các nhà khoa học có uy tín thuộc các Viện, trường đại học.
Đây là năm thứ ba xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu. So với các năm trước, Giải thưởng năm nay có nhiều nét mới. GS.TS Đinh Dũng - Đại diện Ban tổ chức cho biết, nét nổi bật đầu tiên là khác với các năm trước đây cả hai giải thưởng chính đều thuộc các nhà khoa học có tuổi đời còn trẻ.
Điểm nổi bật thứ hai là các công trình khoa học mà tác giả chính của chúng được trao giải thưởng đều mang “đậm đà bản sắc Việt Nam”.
Điểm nổi bật thứ ba là các công trình khoa học của hai giải thưởng chính đều thuộc lĩnh vực khoa học thực nghiệm, có ý nghĩa thực tiễn và khả năng ứng dụng rất lớn.
Đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN và 3 nhà khoa học đoạt giải. |
Trong tổng số 49 hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016, các Hội đồng khoa học chuyên ngành đã đề cử 09 hồ sơ, trong đó có 05 đề cử giải thưởng chính, 04 đề cử giải thưởng trẻ để xét tặng tại Hội đồng Giải thưởng. Cụ thể, Hội đồng Giải thưởng đã trao giải cho 3 nhà khoa học, trong đó: 02 giải nhà khoa học là tác giả của công trình khoa học xuất sắc thuộc về GS.TS. Nguyễn Văn Hiếu - Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và PGS.TS. Nguyễn Ngọc Minh - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội;
Giải nhà khoa học trẻ là tác giả của công trình khoa học xuất sắc thuộc về TS. Phùng Văn Đồng - Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Chia sẻ cảm xúc khi nhận được giải thưởng danh giá, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Minh cho biết: "Trở lại Hà Nội sau 9 tháng tham gia chương trình trao đổi học giả Fulbright tại Hoa Kỳ, tôi vô cùng xúc động khi biết mình là một trong 3 nhà khoa học nhận được giải thưởng Tạ Quang Bửu vô cùng danh giá.
Học giả Bleiste có nói “Mục đích duy nhất của khoa học là giảm bớt vất vả cho nhân loại”. Đây cũng chính là trách nhiệm và nghĩa vụ các nhà khoa học trong nước được giao phó. Là một người làm khoa học dù còn ít kinh nghiệm, tuy nhiên tôi xin hứa sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu để góp phần nhỏ bé cho sự phát triển của nền KH&CN nước nhà, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến rơm rạ và dòng tuần hoàn dinh dưỡng trong đất trồng lúa."
Phát biểu tại buổi lễ trao Giải thưởng, đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN thay mặt lãnh đạo Bộ và ngành khoa học, công nghệ gửi tới các giáo sư, các nhà khoa học, đặc biệt là 3 nhà khoa học đoạt giải thưởng lời chúc tốt đẹp nhất. Đồng chí nhấn mạnh, Đảng và nhà nước xác nhận khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao là trụ cột phát triển quan trọng. Đây chính là tiền đề, là hành lang và yêu cầu đặt ra với cộng đồng các nhà khoa học.
Được bắt đầu từ năm 2014, Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng hằng năm của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Điều đặc biệt là giải thưởng này không được tặng vì thành tích nghiên cứu trong cả một quá trình, mà cho nhà khoa học có đóng góp chính trong một công trình khoa học xuất sắc duy nhất. Chính vì thế mà cơ hội được tặng giải thưởng đối với các nhà khoa học lão thành đã nổi tiếng và các nhà khoa học trẻ là như nhau. 3 giải thưởng danh giá năm nay thuộc về: - GS.TS Nguyễn Văn Hiếu với công trình thuộc lĩnh vực Khoa học Vật liệu (Vật lý) đưa ra phương pháp mới chế tạo nano thứ cấp có khả năng mở rộng được ứng dụng không những trong nano cảm biến nhạy khí mà còn trong nhiều lĩnh vực khác như linh kiện điện tử nano, pin năng lượng. - PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh với công trình thuộc lĩnh vực Khoa học Thổ nhưỡng và Đất, nghiên cứu được cấu trúc phytolith được hình thành trong quá trình kết tủa silic ở thân cây lúa, từ đó đề xuất ra quy trình xử lý rơm rạ tránh ô nhiễm môi trường và tăng độ phì cho đất trồng trọt có thể áp dụng được trên quy mô đại trà trên các vùng đồng bằng trồng lúa. - TS Phùng Văn Đồng với công trình thuộc lĩnh vực thiên văn học và vật lý năng lượng cao, góp phần vào việc giải thích cấu tạo vật chất và năng lượng của vũ trụ, đã phát triển và hiệu chỉnh mô hình chuẩn đã có 3-3-1 của vật chất tối trong vũ trụ thành mô hình 3-3-1-1 thông qua sử dụng các tính chất đối xứng. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.