Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Song (Đắk Nông). Ảnh: Tiền Phong. |
Ông Phạm Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) huyện Đắk Song, Đắk Nông - bị tạm đình chỉ công tác 1 tuần kể từ ngày 7/7/2016. Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh này tiến hành làm rõ các nội dung ông Hòa bị tố: Chỉ đạo làm giả hồ sơ học bạ cho nhiều học viên.
Bị tố liên tiếp chỉ đạo làm học bạ khống
Theo đơn tố cáo của giáo viên TTGDTX huyện Đắk Song, cách đây 3 năm ông Phạm Thái Hòa giám đốc TTGDTX đã chỉ đạo cho khống điểm, làm giả học bạ cho một số trường hợp.
Cụ thể, năm học 2013-2014, ông Hòa chỉ đạo làm học bạ khống vào lớp 10 cho các học viên M.Tr, H.Y. Những trường hợp khác như của các học viên C.V, K’L, K’K, A.C, K.A… đều được làm giả bằng cách tương tự. Đầu năm học 2015-2016, ông Hòa tiếp tục chỉ đạo giáo viên ký khống vào nhiều học bạ.
Khi trao đổi vấn đề này với phóng viên, ông Phạm Thái Hòa đã chống chế rằng: Sở dĩ có việc “điều chỉnh” này là do một số học viên đã làm mất hồ sơ học bạ trong các năm học lớp 10 và lớp 11, nên ông chỉ đạo như vậy cho giáo viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học viên trong thi cử.
“Những việc làm này đã được Sở GD&ĐT đồng ý. Chúng tôi căn cứ Công văn số 1128 ngày 7/7/2015 của Sở có hướng dẫn cụ thể về việc tuyển sinh và tổ chức lớp học năm 2015-2016 đối với các TTGDTX chứ không phải chúng tôi làm tùy tiện!”, ông Hòa nói.
Tuy nhiên, khi phóng viên xem Công văn 1128 ngày 7/7/2015, thì thấy rõ đó chỉ là văn bản hướng dẫn các TTGDTX tổ chức tuyển sinh và tổ chức lớp học, chứ không có nội dung nào “đồng ý” với cách làm học bạ khống như ông Hòa đã chỉ đạo thực hiện.
Trước khi tạm đình chỉ công tác ông Hòa để Thanh tra Sở thực thi nhiệm vụ, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông cũng đã ký các quyết định hủy điểm trung bình lớp 12 dùng để xét tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016 của 6 thí sinh, và đình chỉ thi THPT quốc gia năm 2016 với một thí sinh, do đã dùng học bạ giả để đăng ký thi.
Không dung túng, bao che sai phạm
Chiều 7/7, trao đổi về sai phạm của giám đốc TTGDTX huyện Đắk Song, ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT cho biết trong quy chế hoạt động cũng như trong hướng dẫn đánh giá học sinh tại các TTGDTX đã có những quy định cụ thể.
Đơn vị nào, cá nhân nào vi phạm phải chịu trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật theo đúng quy định. “Quan điểm của Bộ GD&ĐT là không dung túng, bao che cho những sai phạm” - ông Hinh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Công Hinh khẳng định, hiện cả nước có 730 TTGDTX. Trong đó có 72 trung tâm cấp tỉnh, 658 trung tâm cấp huyện. Hiện có một số trung tâm chủ yếu dạy bổ túc văn hóa.
Còn lại, đa số các trung tâm đều thực hiện đa chức năng như ngoài bổ túc văn hóa còn có các hoạt động như mở lớp học ngoại ngữ, tin học ngắn hạn, dạy kỹ năng sống, là đầu mối tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên mầm non, tiểu học.
Đặc biệt, các TTGDTX đã bắt đầu có các khóa học giáo dục khởi nghiệp. “Do đó, sự việc xảy ra tại TTGDTX Đắk Song là trường hợp rất cá biệt. Trách nhiệm xử lý thuộc về Sở GD&ĐT Đắk Nông. Sở cũng đã có văn bản xử lý cụ thể” - ông Hinh khẳng định.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.