Giảm ùn tắc giao thông: Vận tải công cộng là lựa chọn hàng đầu

Diễn đàn khoa học 10/06/2013 15:23

Tóm tắt: Ùn tắc giao thông (UTGT) đã, đang và sẽ còn là vấn nạn lớn mà các đô thị lớn trên cả nước, đặc biệt là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh phải đổi mặt. Giải quyết tình trạng này, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã chọn giải pháp phát triển mạng lưới giao thông công cộng. Thực tế đã chứng minh tính đúng đắn của giải pháp này. Abstract: Traffic jam was and is being a headache issue for almost big cities in Vietnam, especially Ha Noi and Ho Chi Minh city. In order to solve this problem, there are many countries in the world chose the way to developed public transportation. This solution has proved it’s efficiency by the reality.


Đi tìm nguyên nhân
UTGT xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do người dân sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông. Đặc biệt, trong trường hợp không có lựa chọn khác về phương tiện đi lại, sẽ dẫn tới xu thế phát triển mạnh việc sử dụng phương tiện cá nhân. Tại Mỹ, từ năm 1980 đến 2005, trong khi dân số phát triển 30%, số phương tiện đăng ký mới tăng 60% và số km vận hành của phương tiện tăng lên 95%.
Thứ hai, thiếu đầu tư cho giao thông công cộng (GTCC). Ở Mỹ, mặc dù dịch vụ vận tải công cộng (VTCC) phát triển mạnh nhưng sự hấp dẫn và tiếp cận cho mạng lưới này còn nhiều hạn chế. Gần 60% dân số Mỹ sống tại các trung tâm đô thị nhưng chỉ có 8,3% hộ dân đi xe điện ngầm. Trên 50% người Mỹ ở cách điểm dừng VTCC ít nhất là ¼ dặm.
Tại Singapore, trong vòng 4 năm, do thiếu đầu tư hợp lý cho hạ tầng GTCC, số người sử dụng phương tiện công cộng giảm từ 54% năm 2004 xuống còn 51% năm 2009, tương ứng số người sử dụng phương tiện cá nhân tăng từ 38% lên 39%.
Một nguyên nhân nữa làm gia tăng xu thế sử dụng phương tiện cá nhân chính là các cơ chế, chính sách công thiếu hợp lý.
Dẫn chứng rõ nhất tại Mỹ, do phát triển không phù hợp mô hình đô thị hoá và vùng ngoại ô thiếu sự kết nối vận tải công cộng dẫn đến việc người dân phải sử dụng phương tiện cá nhân, dẫn tới tăng ùn tắc và tăng nhu cầu xây dựng đường và bãi đỗ xe.
UTGT để lại những hậu quả và hệ luỵ cho đời sống đô thị như lãng phí thời gian, nguyên nhiên liệu; ảnh hưởng đến chất lượng sống của hàng triệu người; tạo ra sự phụ thuộc của xã hội vào dầu lửa, làm gia tăng chi phí trong kinh doanh…
Học viện Giao thông Texas nghiên cứu tại 85 thành phố của Mỹ đã tổng kết: UTGT đã gây lãng phí tới 3,7 tỷ giờ đi lại, 2,3 tỷ gallon nhiên liệu với tổng thiệt hại lên tới 63 tỷ USD trong năm 2003.
Cứ mất 10 phút đi lại hàng ngày, người ta sẽ mất 10% cơ hội dành cho các sinh hoạt cộng đồng. Năm 2003, mỗi người Mỹ mất khoảng 794 USD do lãng phí nhiên liệu và thời gian bởi ùn tắc trong giờ cao điểm. Chi phí đi lại hàng năm của một gia đình Mỹ lên tới 780 USD vào năm 2004.
3 nguyên tắc và 4 chiến lược
Đối mặt với hiện tượng ùn tắc ở các đô thị, nhiều nước trên thế giới đã thống nhất nhận định: Vấn đề chính yếu không phải là loại bỏ triệt để UTGT mà là làm sao để ùn tắc không trở nên nghiêm trọng.
Có nghĩa, điều hướng đến một lĩnh vực quan trọng, đó là các chính sách và hoạt động quản lý UTGT.
Có 3 nguyên tắc chiến lược để định hướng cho việc xây dựng và triển khai các chính sách quản lý ùn tắc gồm: Phải gắn kết quy hoạch sử dụng đất và mong muốn của cộng đồng với các chính sách quản lý ùn tắc; Phải làm sao để thời gian đi lại có thể dự tính được; Phải quản lý tốt các trục đường có lượng phương tiện cao để đảm bảo hoạt động của toàn hệ thống.
Để giảm thiểu ùn tắc giao thông, phát triển vận tải hành hành khách công cộng là giải pháp tối ưu.
Bên cạnh đó, có 4 chiến lược quản lý ùn tắc, là: Cải thiện hoạt động giao thông; Chuyển các thành phần tham gia giao thông sang sử dụng phương tiện công cộng, giảm nhu cầu sử dụng đường và áp lực giao thông; Cải tạo hạ tầng nhằm tăng năng lực của giao thông hiện có; Xây dựng hạ tầng mới.
Phát triển vận tải hành khách công cộng
Theo kinh nghiệm của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới thì phát triển giao thông công cộng được coi là giải pháp tối ưu để giải quyết tình trạng này.
Để vận chuyển được 50.000 người/giờ/hướng, nếu sử dụng ô tô cá nhân cần tới trục đường rộng 175m, trong khi đó nếu vận chuyển bằng xe buýt chỉ cần làn đường rộng 35m, vận chuyển bằng đường sắt chỉ cần chiều rộng đường 9m.
Phát triển VTCC góp phần giảm thiểu nhu cầu mở rộng đất đô thị. Khi sử dụng phương tiện công cộng nhu cầu về diện tích đỗ xe có thể giảm từ 50% – 60%.
Tuy nhiên, giải pháp xây và mở rộng đường nhằm giảm ùn tắc chỉ có giá trị ngắn hạn. Theo thời gian, nhu cầu giao thông sẽ tăng, phương tiện tham gia giao thông gia tăng sẽ tăng các chi phí kèm theo như chi phí do ùn tắc làm giảm vận tốc lưu thông, chi phí cho bãi đỗ xe, chi phí nhiên liệu, chi phí do ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, đầu tư cho VTCC mang lại nhiều lợi ích bền vững. Do đó, đầu tư và khai thác tốt hệ thống này có thể góp phần giảm ùn tắc tới 27%.
Hàng ngày, hàng giờ càng có thêm nhiều phương tiện được đưa vào hệ thống giao thông và UTGT ngày càng gia tăng và làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Do đó, mỗi cá nhân, doanh nghiệp, các ngành sản xuất và nền kinh tế đang phải trả giá cao cho vấn nạn UTGT.
Thời gian đi lại và thời gian chậm trễ gia tăng, mất mát cơ hội, chi phí tăng cao, tai nạn gia tăng, suy giảm cạnh trạnh và gia tăng ô nhiễm chính là hệ lụy của UTGT.
Thực tiễn cuộc sống đặt ra, xây dựng một hệ thống VTCC với tiêu chí nhanh chóng, chi phí hợp lý và tin cậy chính là lối ra cho việc giảm thiểu ùn tắc và áp lực giao thông.
Ảnh: Thanh Hải

Nguyễn Văn Hùng
Tổng công ty Vận tải Hà Nội
Nguyễn Văn Cường
Công ty CP sách và thiết bị trường học
Nguyễn Đình Toàn
Cục Thuế Hà Nội

Ý kiến của bạn

Bình luận