Gian nan đăng kiểm phương tiện thủy nội địa

Tác giả: Lệ Mỹ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 23/10/2018 09:41

Tính đến hết tháng 9/2018, cả nước có hơn 252.938 phương tiện thủy đã đăng ký, đăng kiểm, đạt 53,7% so với kết quả tổng điều tra phương tiện thủy được thực hiện từ năm 2007. Như vậy, còn tới gần một nửa số phương tiện (46,3%) vẫn đang “vô tư” chạy “chui” dẫn tới nguy cơ mất ATGT đường thủy.

 

2DT

Việc quản lý chặt các phương tiện thủy sẽ tránh được những TNGT đáng tiếc xảy ra

Nhiều phương tiện thủy nội địa đang được “thả nổi”

Theo Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam, hiện nay số lượng phương tiện thủy trong diện phải đăng ký, đăng kiểm nhưng chưa thực hiện đăng ký, đăng kiểm tại một số địa phương còn chiếm số lượng khá lớn, thậm chí có địa phương còn có tới gần 80%, nhất là ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa như khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền Trung và miền núi phía Bắc nước ta.

Theo quy định tại Thông tư 75 ngày 19/12/2014 của Bộ GTVT, định kỳ ngày 25 hàng tháng, các sở GTVT địa phương phải báo cáo Cục ĐTNĐ Việt Nam kết quả đăng ký phương tiện thủy. Tuy nhiên, việc quy định báo cáo này gần như chìm vào quên lãng với chỉ khoảng 30 sở báo cáo, nhưng con số cũng không đầy đủ. Vì vậy, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã đề xuất Chính phủ ban hành nghị định về đăng ký phương tiện thủy, thay thế cho Thông tư này.Hiện nay, không thể thống kê chính xác trên toàn quốc có bao nhiêu phương tiện thủy thuộc diện phải đăng ký bởi số lượng điều tra năm 2007 tính đến nay cũng đã hơn 11 năm. Các địa phương cũng không kiểm soát, quản lý được phương tiện nhỏ theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Hơn nữa, những biến động thực tế về phương tiện, người lái trong thời gian dài không được các địa phương cập nhật, thông tin đầy đủ.

Theo ông Bùi Lam Sơn - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm thủy bộ tỉnh Đồng Tháp, tổng phương tiện đăng ký tại Trung tâm cũng như số liệu mà đơn vị đang quản lý là 21.310 phương tiện. Tuy nhiên, tính từ ngày 16/12/2017 đến ngày 13/6/2018 thì tổng phương tiện đến kiểm định theo định kỳ chỉ có 1.075 phương tiện. Như vậy, có hơn 20.000 phương tiện khác đang “trôi nổi”, thậm chí là “chạy chui” và dường như “trốn” luôn việc đăng kiểm.Ông Sơn cho biết thêm: “Không chỉ riêng địa bàn tỉnh Đồng Tháp mà dường như các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều rơi vào tình cảnh nói trên. Cơ quan đăng kiểm chúng tôi luôn vận động, tuyên truyền, tạo mọi điều kiện để người dân đưa phương tiện đến đăng kiểm đúng thời hạn. Như tại Đồng Tháp, Trung tâm thông báo lịch đăng kiểm phương tiện thủy tại 10 huyện, thị xã như Tháp Mười, Hồng Ngự, Lai Vung… vào các tháng. Riêng các khu vực như thị xã Hồng Ngự, Lai Vung…, các phương tiện tập trung nhiều thì chúng tôi sẽ phân bố lịch đăng kiểm 02 đến 5 lần/tháng nhằm giúp người dân thuận tiện hơn trong công tác kiểm định.

Siết chặt công tác đăng kiểm

Ông Đỗ Trung Học - Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: “Con số phương tiện thủy có trong dữ liệu đăng kiểm của Cục luôn cao hơn so với số liệu đăng ký. Điều này phản ánh thực tế có những phương tiện đóng mới xong nhưng không chấp hành đăng ký. Vì vậy, dữ liệu về phương tiện thủy hiện nay không sát thực tế. Số lượng phương tiện thực hiện đăng kiểm lần đầu (để cấp đăng ký) hiện mới chỉ đạt 60%, nhưng tỷ lệ quay lại đăng kiểm định kỳ theo quy định của luật lại rất thấp, chỉ khoảng 30%.

Theo ông Học, mặc dù ngành Đăng kiểm đã chủ động cải cách thủ tục hành chính, tuyên truyền vận động và phối hợp với các ngành liên quan giải quyết tình trạng trên nhưng số lượng phương tiện quay lại đăng kiểm vẫn thấp. Đơn vị làm công tác đăng kiểm không có quyền bắt giữ phương tiện đi trên sông; không thể ép tổ chức, cá nhân đăng kiểm phương tiện mà chỉ có thể vận động, tuyên truyền. Chỉ khi người dân nhận thức được rằng đăng kiểm phương tiện mang lại lợi ích thì họ mới thực hiện.

Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 9/2018, cả nước có hơn 18.900 tàu thủy chở người dưới 12 chỗ. Tuy nhiên, hơn 6.800 chiếc đã quá hạn đăng kiểm định kỳ, tương đương 35% tổng số phương tiện (gồm 3.570 tàu thủy và 2.851 phương tiện chở người loại dưới 12 chỗ).

Về mối hiểm họa từ hơn 6.800 tàu thủy chở người dưới 12 chỗ quá hạn kiểm định, ông Học lý giải: “Thứ nhất, trong số đó có nhiều tàu đang được đưa lên bờ sửa chữa và không hoạt động. Thứ hai, theo quy định của pháp luật, phương tiện hết hạn đăng kiểm mà tiến hành giải bản thì chủ phương tiện không phải báo cho cơ quan chức năng, vì vậy mới có chuyện trong hồ sơ lưu của Cục Đăng kiểm Việt Nam vẫn còn phương tiện đó nhưng thực tế chúng lại không hoạt động.

Trước tình trạng trên, các đơn vị cũng cho rằng cần tổng điều tra phương tiện thủy nội địa toàn quốc để có số liệu chính xác phục vụ kế hoạch đăng ký, đăng kiểm, qua đó đề xuất các giải pháp quản lý phù hợp.

Lãnh đạo Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng cho rằng, để quản lý các phương tiện thủy, phòng tránh TNGT đáng tiếc xảy ra thì công tác quản lý, kiểm soát các phương tiện thủy là rất cần thiết. Việc siết chặt công tác đăng kiểm cần phải được đẩy nhanh. Việc thống kê phương tiện thủy từ năm 2007 cho đến nay đã 11 năm, thời gian như vậy là quá dài, không thể áp dụng số liệu đó để đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp được.

Ông Học nhấn mạnh: Để ngăn ngừa việc thống kê không đúng, trong quy chế điều tra cần nêu rõ vai trò, trách nhiệm, chế tài đối với từng cấp, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ tổng điều tra. Có thể giữ nguyên tiêu chí tổng điều tra như trước đây nhưng bổ sung chế tài xử lý, thậm chí xử lý hình sự nếu xảy ra sai phạm trong thống kê, đồng thời có sự kiểm tra xác suất ngẫu nhiên đối với các cơ sở điều tra nhằm đảm bảo số liệu điều tra phản ánh đúng thực tế

Ý kiến của bạn

Bình luận