Một đợt khảo sát năng lực bằng tiếng Anh ở trường đại học tại TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng |
Tại hội thảo Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh hội nhập và tự chủ do Đại học Nông Lâm TP HCM tổ chức ngày 6/10, TS Phạm Huy Cường (Phó trưởng bộ môn Ngoại ngữ, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM) cho biết, khảo sát hơn 100 doanh nghiệp ở Việt Nam có tới 70% trả lời rất cần tiếng Anh trong công việc. Đa số cho rằng có nhân sự thông thạo ngoại ngữ là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế, tăng tính hội nhập, nâng cao vị thế người lao động trong hội nhập.
Tuy nhiên, ông Cường khẳng định hiệu quả của việc dạy và học tiếng Anh bậc đại học khá thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Dù hầu hết giảng viên các trường đều đạt yêu cầu chuyên môn, được trang bị tốt phương pháp giảng dạy nhưng khá ít người vận dụng hoặc ít có động lực để làm việc này. Bởi khối lượng kiên thức cần truyền tải khá nhiều trong khi thời gian, cách bố trí lớp học chưa hợp lý.
Yếu tố văn hóa, phong cách người thầy và quan hệ giữa giảng viên - sinh viên cũng ảnh hưởng đến không khí lớp học và chất lượng bài giảng. "Trong khi các giảng viên nước ngoài linh hoạt tổ chức lớp học, tạo không khí sôi động, quan hệ thân thiết với sinh viên thì giảng viên người Việt còn khá e dè", ông nói.
Hầu hết chương trình đào tạo dựa vào nguồn tài liệu nước ngoài với nhiều ưu điểm, song lại tạo khoảng cách khác biệt về văn hóa với sinh viên Việt Nam. "Với các chương trình chuyên ngành như tiếng Anh thương mại, luật, du lịch... giảng viên chỉ có kiến thức ngôn ngữ mà hạn chế kiến thức chuyên ngành", ông Cường phân tích.
Việc thiết kế và triển khai chương trình đào tạo của các trường cũng ít tham khảo chuyên gia, nhà tuyển dụng và nhu cầu của người lao động nên nội dung học chưa hữu dụng cho sinh viên.
Phần lớn sinh viên ít có động lực học tiếng Anh bởi chưa hiểu được giá trị của nó. Giảng viên này cho rằng, việc dạy và học tiếng Anh cần chú ý tới yếu tố người học, quá trình và diễn biến tâm lý của họ.
Môi trường thực hành tiếng Anh ở các trường hiện chủ yếu diễn ra ở khuôn khổ lớp học, cùng với hạn chế về thời gian dẫn đến hiệu quả học không cao.
Hầu hết việc kiểm tra tại các trường theo hướng đánh giá kết quả học tập thay vì cải thiện hiệu quả dạy và học. Việc thiết kế và biên soạn đề thi khi dựa vào nhân sự Việt Nam cũng ảnh hưởng đến độ chuẩn xác của đề và đánh giá các kỹ năng.
"Các quy chuẩn đầu ra cũng thường dựa vào bài thi đánh giá năng lực như TOEIC, TOEFL, IELTS... dễ dẫn đến việc dạy và học chạy theo các bài thi hơn là hoàn thiện kỹ năng cho sinh viên", ông cho biết thêm.
Theo TS Trần Đình Lý (Trưởng phòng Đào tạo Đại học Nông Lâm TP HCM), việc đổi mới giảng dạy ngoại ngữ không chuyên là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đại học trong bối cảnh hội nhập.
"Mục tiêu phải đào tạo tiếng Anh hoặc Pháp theo chuẩn quốc tế làm sao để sinh viên ra trường có thể sử dụng các ngoại ngữ này trong công việc và có thể học tiếp để nâng cao trình độ", ông Lý nói.
Biện pháp được ông đưa ra là tổ chức các lớp đào tạo ngoại ngữ đúng trình độ và yêu cầu chuẩn đầu ra với sinh viên, đồng thời đổi mới giáo trình, cải tiến cách dạy.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.