Giáo dục ATGT cho thanh, thiếu niên: Cần trang bị kiến thức ngay từ nhỏ

Tác giả: Dương Thùy

saosaosaosaosao
Xã hội 08/09/2019 08:02

Giáo dục ATGT cho thanh, thiếu niên không đơn thuần là chỉ dạy quy tắc và thói quen khi tham gia giao thông mà quan trọng là phải nuôi dưỡng ý thức tuân thủ, áp dụng vào cuộc sống thường nhật.

 

tuyen-truyen-atgt-2018-10-05-17-24
Giáo dục ATGT cho thanh, thiếu niên đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp các em có ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông

Hiệu quả chưa cao

Nhằm kiềm chế và kéo giảm TNGT, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết, nghị định, chiến lược và giải pháp cả trước mắt và lâu dài nhằm từng bước kéo giảm TNGT, xây dựng văn hóa giao thông văn minh, an toàn, đặc biệt là với đối tượng thanh thiếu niên. Những năm qua, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa chương trình giáo dục ATGT vào các cấp học nhằm xây dựng thế hệ tương lai của đất nước.

Để nâng cao ý thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh nhằm bảo vệ các em, các chương trình giáo dục về ATGT cho học sinh các cấp đã được triển khai rộng khắp trên cả nước, dần được mở rộng quy mô và trở thành các hoạt động thường niên quen thuộc với các em học sinh và các thầy cô giáo. Các cơ sở giáo dục đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên, học sinh, giáo dục ATGT, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích và tích cực triển khai cuộc thi ATGT như: Thi “Chiếc ô tô mơ ước”, sáng tác khẩu hiệu “Doraemon với ATGT”, “Giao thông học đường” trên Internet và cuộc thi “ATGT cho nụ cười ngày mai”...

Mặc dù, công tác giáo dục ATGT cho học sinh luôn được chú trọng quan tâm và xây dựng phát triển, tuy nhiên thực tế cho thấy hiệu quả đạt được vẫn chưa cao. Tình trạng học sinh điều khiển xe mô tô trên 50cm3 tham gia giao thông vẫn còn nhiều. Vi phạm này chủ yếu xảy ra với học sinh THPT. Ngoài ra, còn có một bộ phận không nhỏ học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện hoặc được chở bằng xe mô tô nhưng không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, lạng lách, đánh võng trên đường.

Các nội dung về đảm bảo TTATGT đều được đưa vào giảng dạy trong các trường học nhưng chưa thực sự tác động đến ý thức tham gia giao thông của các em học sinh. Bởi lẽ, những gì các em được học tại trường chỉ nặng về lý thuyết, chưa có nhiều hoạt động thực hành cụ thể, chính vì vậy các em chưa có được nhận thức sâu sắc cũng như ý thức bắt buộc rằng mình phải tuân thủ luật lệ giao thông.

Kinh nghiệm từ quốc tế

Không chỉ tại Việt Nam, nhiều nước trên thế giới rất coi trọng việc giáo dục, nâng cao nhận thức về ATGT từ rất sớm cho thanh, thiếu niên. Tại Nhật Bản, một trong những yếu tố được Chính phủ nước này quan tâm hàng đầu là giáo dục ý thức bảo đảm ATGT cho người dân, đặc biệt là trẻ em. Nhật Bản coi đây là giải pháp nền tảng để giảm thiểu UTGT cũng như TNGT. Hầu hết các địa phương đều ban hành các kế hoạch đảm bảo ATGT trong vòng 5 năm và các kế hoạch này luôn luôn lấy công tác giáo dục pháp luật giao thông làm trọng tâm. 

Cứ hai lần một năm, Chính phủ Nhật Bản lại phát động chiến dịch tuyên truyền ATGT kéo dài 10 ngày trên quy mô toàn quốc nhằm nhắc nhở, khuyến khích người dân tham gia giao thông an toàn. Trẻ em Nhật Bản được phổ cập kiến thức ATGT ngay từ bậc tiểu học với nội dung linh hoạt, tùy theo tình hình thực tế tại địa phương. Chẳng hạn như ở Kyoto - nơi học sinh tiểu học chủ yếu di chuyển bằng xe đạp, các em sẽ phải hoàn thành một khóa học về ATGT để được cấp bằng lái xe đạp. Còn ở Tokyo, các em học sinh cấp 1, cấp 2 được bố mẹ cho tự đi học bằng tàu điện ngầm, xe buýt nên việc giáo dục ATGT khi sử dụng các phương tiện công cộng là rất cần thiết.

Trẻ em Nhật Bản không chỉ được học ATGT ở trường lớp mà còn được giáo dục ngay trong cuộc sống thường ngày. Nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản rất quan tâm đến giáo dục ATGT cho trẻ em. Một công ty vận chuyển lớn của Nhật Bản thường xuyên mở những lớp học ATGT miễn phí cho trẻ em tại hơn 1.000 địa điểm trên khắp Nhật Bản mỗi năm. Các tài xế xe tải sẽ mặc trang phục hoạt hình vui nhộn và giải đáp thắc mắc của các em về ATGT cũng như giải thích cho các em biết điểm nguy hiểm nằm ở đâu.

Cũng như Nhật Bản, việc giáo dục ATGT cho trẻ em tại Singapore được quan tâm đặc biệt, giáo dục bằng nhiều phương pháp thiết thực. Theo đó, hoạt động giáo dục an toàn đường bộ được thực hiện với trẻ từ 7 - 12 tuổi và tổ chức ở môi trường bên ngoài như tại các công viên hoặc khu vực có diện tích rộng tối thiểu chừng 4 ha. Tại những địa điểm như vậy, các nhà giáo dục sẽ xây dựng bối cảnh và các thiết bị, đèn báo tín hiệu giao thông như trên đường phố để học sinh làm quen và trải nghiệm. CSGT sẽ phối hợp với nhà trường tổ chức các bài giảng dạy về ATGT. Mỗi ngày có khoảng 500 học sinh được học tập về lĩnh vực này. Trong mỗi buổi học, trẻ em sẽ được học tập lý thuyết rồi chơi trò chơi như tham gia đóng vai người đi bộ, CSGT, người đi xe đạp… để xử lý các tình huống giao thông. Sau trò chơi, CSGT sẽ khen thưởng những học sinh đã xử lý tình huống tốt, đúng quy định, chỉ ra các lỗi sai và đúc rút bài học kinh nghiệm.

Giáo dục ATGT cho thanh, thiếu niên đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, nó không chỉ nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông mà khi lớn lên và tham gia giao thông dưới nhiều hình thức khác nhau, các em cũng luôn có ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông

Ý kiến của bạn

Bình luận