Giáo dục Hà Nội ứng dụng CNTT: Hiệu quả và khác biệt

14/07/2017 06:34

Hiện nay, tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thủ đô đã được cùng kết nối bởi một hệ thống phần mềm dùng chung đồng bộ trên toàn TP.

1_129961

Sự đồng bộ, liên thông đó tạo nên hiệu quả, sự khác biệt trong việc ứng dụng CNTT của ngành Giáo dục Hà Nội với các tỉnh thành trên cả nước.

Không còn thống kê thủ công

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Được sự chỉ đạo sát sao của UBND thành phố, bắt đầu từ năm học 2016 - 2017, Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai đồng bộ Hệ thống phần mềm quản lý thông tin giáo dục liên kết với cơ sở dữ liệu dân cư của Thành phố nhằm khai thác các dịch vụ công liên quan đến tư pháp hộ tịch, hộ khẩu, khai sinh, dịch vụ y tế, giáo dục.

Phân hệ quản lý giáo dục áp dụng đối với các trường Tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm GDNN-GDTX. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo tổ chức triển khai, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng hệ thống, cấp tài khoản truy cập vào phần mềm đến từng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của 100% các trường Tiểu học, THCS, THPT. Hệ thống sổ sách, biểu mẫu in ra từ phần mềm đáp ứng đầy đủ danh mục hồ sơ, biểu mẫu do Bộ GD&ĐT quy định, giảm thiểu tối đa việc ghi chép tay của giáo viên, không còn việc tính toán, thống kê thủ công của các cấp quản lý.

Cơ sở dữ liệu của Hệ thống đang được Trung tâm dữ liệu thành phố hỗ trợ kỹ thuật, lưu trữ, cung cấp máy chủ, giúp Hệ thống vận hành thuận lợi, an toàn.

Kết thúc năm học 2016 - 2017, Hà Nội đã có 2.585 đơn vị, 1.423.604 học sinh của các trường Tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm GDNN-GDTX đã thực hiện sử dụng Sổ điểm điện tử, quản lý kết quả học tập học sinh trên hệ thống phần mềm dùng chung của thành phố.

Nhắc đến tư duy của nhà phát minh Thomas Edison "Chúng ta sẽ không bao giờ có điện nếu chỉ nghĩ đến việc sửa cái đèn dầu", ông Nguyễn Hữu Độ chia sẻ: "Trước đây, việc ứng dụng CNTT trong quản lý của Hà Nội cũng đơn lẻ, từng trường đều có phần mềm tính điểm, quản lý học sinh. Hiện nay, phần mềm dùng chung đã tạo ra sự liên thông trong toàn hệ thống. Từ điểm, số lượng học sinh, số giáo viên, phân công chuyên môn,... các cấp quản lý đều có thể kiểm soát, nắm chắc tình hình đội ngũ giáo viên, chất lượng học tập của học sinh.

Một việc của trường học nhưng không phải chỉ dùng cho trường học. Những dữ liệu được lưu trữ còn giúp các nhà quản lý thực hiện phân tích, dự báo, hỗ trợ ra quyết định, hoạch định chính sách phát triển trên nhiều lĩnh vực khác bằng những con số tin cậy." - ông Nguyễn Hữu Độ chia sẻ.

Tuyển sinh trực tuyến thành công

Một trong những dịch vụ công được người dân ủng hộ nhất của giáo dục Hà Nội có lẽ là hệ thống hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào mầm non, lớp 1 và lớp 6. Dịch vụ này triển khai thí điểm từ năm 2016 và thực sự thành công, được xã hội ghi nhận trong mùa tuyển sinh đầu cấp năm nay, giảm được rất nhiều vất vả cho phụ huynh học sinh. Theo đó, chỉ với thiết bị điện thoại thông minh hay máy tính kết nối internet, phụ huynh có thể đăng ký tuyển sinh vào các trường.

"Năm 2017, toàn thành phố có trên 70% phụ huynh học sinh đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Một số đơn vị có tỷ lệ tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến đạt 100% như tuyển sinh vào lớp 1 tại các huyện Mỹ Đức, Thanh Oai; tuyển sinh vào lớp 6 tại Mỹ Đức. Nhiều nơi như Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Hoàn Kiếm đạt tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 6 qua trực tuyến cao từ 86 đến 91%..." - ông Nguyễn Hữu Độ cho hay.

Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, thành phố đang triển khai mạnh mẽ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 từ cấp phường. Thành phố chủ trương thông qua học sinh được tập huấn dịch vụ công trực tuyến để từ đó hướng dẫn bố mẹ, những người xung quanh thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại các xã, phường, thị trấn. Hiện Sở GD&DT đã đề xuất với thành phố 15/34 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, dự kiến trong năm nay sẽ triển khai.

Việc xây dựng trường học điện tử được thí điểm tại quận Long Biên cũng có kết quả khá tốt. Năm nay sẽ bắt đầu nhân rộng ra một số quận huyện khác như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Gia Lâm giúp các nhà trường tiếp cận với đổi mới dạy học tốt hơn.

Trong năm học mới, về CNTT, Hà Nội sẽ tăng cường đầu tư hạ tầng thông tin và truyền thông theo chiều sâu, đầu tư có trọng điểm, đồng bộ, cân đối giữa các hạng mục, đảm bảo chất lượng về kỹ thuật, hiệu quả trong ứng dụng, tiết kiệm và an toàn, an ninh thông tin mạng.

Hà Nội cũng tiếp tục triển khai phần mềm dùng chung về sổ điểm điện tử, sổ học bạ điện tử, tăng cường nội dung sổ liên lạc điện tử; tiếp tục điều chỉnh hệ thống phần mềm theo hướng ổn định, thân thiện, dễ sử dụng hơn; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy và học...

Kho bài giảng điện tử và kho học liệu của Ngành GD&ĐT chứa hàng nghìn bài giảng điện tử, SKKN tiêu biểu, phần mềm giáo dục, học liệu điện tử phục vụ đổi mới phương pháp giảng day, các văn bản chỉ đạo, hình ảnh, đề thi... có chất lượng được chọn lựa từ các trường học, cấp học, từ các cuộc thi, ngày hội CNTT do Ngành tổ chức. 100% công chức của ngành GD&ĐT Hà Nội hiện cũng được trang bị máy tính kết nối Internet để làm việc.

Ý kiến của bạn

Bình luận