Xếp hạng 35 quốc gia về chuẩn bị giáo dục cho tương lai học sinh, sinh viên theo thang điểm 100. Các quốc gia được phân thành các nhóm tốt, khá, trung bình và cần cải thiện. Ảnh: Channel News Asia |
Theo đánh giá của Economist Intelligence Unit (EIU) công bố ngày 19/9, hệ thống giáo dục Singapore đứng đầu châu Á trong việc chuẩn bị kỹ năng tốt nhất cho công việc tương lai của học sinh, sinh viên ở độ tuổi 15-24.
Trong 35 quốc gia được EIU khảo sát, Singapore đứng thứ năm thế giới, sau New Zealand, Canada, Phần Lan và Thụy Sĩ. Nhật Bản là đất nước châu Á tốt thứ hai về chỉ số này với vị trí thứ bảy. Hàn Quốc được xếp thứ 12, Hong Kong thứ 14, Việt Nam thứ 28 (nhóm cuối) và Trung Quốc ở vị trí 31.
Bảng xếp hạng tập trung vào nguồn nhân lực tương lai có khả năng cạnh tranh toàn cầu để giành được cơ hội giáo dục, nghề nghiệp và sự phát triển tốt nhất. Họ cần nhanh nhẹn, linh hoạt, năng động, sẵn sàng nhận diện và phản ứng nhanh nhạy với các xu hướng.
Báo cáo của EIU chỉ ra, học sinh, sinh viên các nước cần được chuẩn bị cho sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đối mặt với những thách thức như biến đổi môi trường, đô thị hóa, di cư và thay đổi nhân khẩu học.
Xét về chính sách giáo dục, EIU đánh giá Singapore tốt nhất thế giới, ngay sau đó là New Zealand và Canada. Với chỉ số này, Hàn Quốc xếp thứ năm, Nhật Bản thứ 12, Hong Kong thứ 22, Việt Nam thứ 25 (nhóm trung bình) và Trung Quốc thứ 27.
Xếp hạng về chính sách giáo dục. Ảnh: Channel News Asia |
Giáo viên là chìa khóa thành công
Nhân tố chủ chốt giúp Singapore đạt kết quả vượt trội là đội ngũ giáo viên hiệu quả, tập trung vào xây dựng các kỹ năng cho tương lai của học sinh, sinh viên hơn là cung cấp môi trường học tập truyền thống.
Trả lời Channel News Asia, giáo sư David Hùng, phó khoa nghiên cứu giáo dục tại Viện Giáo dục quốc gia Singapore (NIE) cho rằng giáo viên là "một trong những đòn bẩy tốt nhất của hệ thống giáo dục", có thể truyền đạt khái niệm khó cho học sinh ở nhiều trình độ, truyền cảm hứng cho các em và liên kết lý thuyết với thực tiễn cuộc sống.
Ông nhận định, việc nâng cao vị thế của giáo viên ở Singapore là điều cốt yếu để thu hút sinh viên giỏi nhất vào ngành sư phạm, tạo nguồn động lực lớn để họ gắn bó với nghề. "Văn hóa Singapore đã thay đổi tích cực, nghề giáo được các gia đình và phụ huynh xem trọng hơn so với hai thập kỷ trước. Lương và đánh giá của xã hội về chất lượng của giáo viên là yếu tố quan trọng", GS Hùng nói.
Mức lương trung bình của giáo viên trung học cơ sở ở Singapore xếp thứ 16 thế giới, theo số liệu của EIU. Tuy nhiên, một giáo viên ở Singapore kiếm được ít hơn đáng kể so với các nền kinh tế châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong, xếp lần lượt ở vị trí thứ hai, thứ ba và thứ tư.
Về môi trường giảng dạy, Singapore xếp thứ tám thế giới, sau Nhật Bản (thứ tư) và Hàn Quốc (thứ năm).
Nghiên cứu của EIU cũng chỉ ra các trường học ở Singapore phát triển nhiều chương trình ngoại khóa. Ngoài giờ học trên lớp, học sinh, sinh viên có thể lựa chọn học lập trình hoặc chế tạo robot.
"Ý tưởng đằng sau những chương trình này là học sinh có thể áp dụng lý thuyết được học trong lớp vào thực tiễn. Giáo viên là những người tạo điều kiện và khuyến khích các em", báo cáo nêu rõ.
Ngoài ra, trường học ở Singapore thường xuyên mở rộng hợp tác với các trường và đại học khác, cũng như kết nối với nhiều doanh nghiệp lớn. Nhờ thế, nền giáo dục quốc gia này có nhiều cơ hội cải thiện tính sáng tạo của học sinh, sinh viên.
Trong nhiều bài kiểm tra, đánh giá theo chuẩn quốc tế, học sinh Singapore thường xuyên thể hiện xuất sắc. Tuy nhiên, GS Hùng lo ngại điều này sẽ khiến hệ thống giáo dục đất nước này tập trung quá nhiều vào các kỳ thi chuẩn hóa.
Thành lập năm 1946, Economist Intelligence Unit (EIU) thuộc tập đoàn Economist chuyên nguyên cứu, phân tích, đưa ra dự đoán nhằm giúp các doanh nghiệp, công ty tài chính và chính phủ hiểu được sự thay đổi của thế giới, từ đó tìm cách tạo ra cơ hội và kiểm soát rủi ro. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.