Giao thông Lào Cai: Diện mạo mới sau 25 năm tái thành lập tỉnh

Tác giả: Thành Vũ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 01/10/2016 19:29

Sau 25 năm tái thành lập và phát triển, ngành GTVT tỉnh Lào Cai đã vươn lên từ những khó khăn và đạt được những thành tựu đáng ngưỡng mộ. Ngày nay, ngành GTVT tỉnh Lào Cai vẫn tiếp nối tinh thần nỗ lực lao động sáng tạo, vượt qua khó khăn để ghi tiếp vào bản hùng ca nơi địa đầu Tổ quốc.

DSC00527

Bức tranh giao thông đau thương của 25 năm trước

Ngược dòng thời gian trở về 25 năm trước, vào ngày 01/10/1991, tỉnh Lào Cai được tái thành lập sau 16 năm hợp nhất với tỉnh Yên Bái và Nghĩa Lộ thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Khi ấy, cơ sở hạ tầng của tỉnh bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh biên giới năm 1979, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Bức tranh giao thông của Lào Cai khi ấy là một đống đổ nát với 300km đường và 40 cầu bị tàn phá, trong đó có 3 cầu lớn là Hồ Kiều, Làng Giàng, Cốc Lếu (cây cầu duy nhất nối hai bờ thị xã Lào Cai); đường sắt Phố Lu - Lào Cai hư hỏng nặng không thể khai thác; nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ gần như tê liệt… Giao thông từ Hà Nội lên Lào Cai kể cả đường sắt và đường bộ có chiều dài hơn 300km nhưng phải mất khoảng 20 tiếng đi lại; các tuyến đường ô tô đến trung tâm xã hầu như chưa có; toàn tỉnh có tới 54/180 xã chưa có đường đến trung tâm xã; cả tỉnh chỉ có 01 công ty vận tải với 19 đầu xe.

Thời điểm này, toàn ngành GTVT của tỉnh có 6 đơn vị cơ sở, trong đó 3 đơn vị không có trụ sở làm việc, 3 đơn vị trong tình trạng phải “ở nhờ”. Tình hình cán bộ cũng rất khó khăn, rất nhiều người xin ở lại Yên Bái, một số cán bộ đi Lào Cai thì gia đình vẫn ở lại Yên Bái do chưa có điều kiện đi cùng. Cán bộ quản lý và cán bộ khoa học của Ngành thiếu trầm trọng.

Trước những khó khăn, thách thức đó, ngay từ ngày đầu tái thành lập tỉnh, ngành GTVT Lào Cai đã bắt tay ngay vào việc khôi phục hạ tầng giao thông trên địa bàn. Nhiệm vụ chủ yếu của Ngành bấy giờ là khôi phục và xây dựng lại cầu lớn, các tuyến quốc lộ nối với Thủ đô Hà Nội và các tuyến tỉnh lộ nối các huyện, thị trong tỉnh, đặc biệt là xây dựng hạ tầng nội thị Lào Cai, Cam Đường, Phố Lu.

Bứt phá từ đống đổ nát

Trong giai đoạn tái thiết tỉnh Lào Cai (1991 - 1995), bất kể ngày hay đêm, cả thị xã Lào Cai như một đại công trường. Nhân dân các dân tộc, anh chị em CB, CNV ngành GTVT cùng nhau hăng hái tham gia sản xuất, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông.

Chỉ trong 5 năm, toàn bộ hệ thống đường sá, cầu cống của tỉnh đã được khôi phục; giao thông đảm bảo thông suốt từ tỉnh đến huyện, từ tỉnh đến Hà Nội và các tỉnh miền xuôi, đường kết nối các cửa khẩu. Hệ thống đường bộ, đường thủy, đường sắt được khai thông giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đặc biệt, mạng lưới giao thông nông thôn đã khởi sắc với 142 xã có đường ô tô, phát huy được sức mạnh của từng vùng, từng địa phương.

Năng lực vận tải của tỉnh cũng đã bứt phá với 32 xe tải, 127 xe khách hoạt động trên 13 tuyến nội tỉnh và 4 tuyến liên tỉnh. Hệ thống vận tải đường sắt tuy mới được đưa vào hoạt động nhưng đã nắm giữ khối lượng vận tải tương đối lớn, thúc đẩy giao lưu hàng hóa cũng như nhu cầu đi lại của nhân dân.

Công trình được coi là quan trọng nhất trong giai đoạn này là cầu Cốc Lếu dài 250m. Đây là công trình có ý nghĩa rất quan trọng bởi cầu Cốc Lếu là cửa ngõ dẫn vào trung tâm thị xã Lào Cai - trọng điểm phát triển du lịch, kinh tế của tỉnh. Việc hoàn thành công trình cầu Cốc Lếu sau 14 tháng thi công của ngành GTVT Lào Cai đã được Bộ GTVT đánh giá cao về kỷ lục thời gian thi công nhanh nhất đối với công trình cầu vượt sông Hồng lúc bấy giờ. Cũng trong thời gian này, ngành GTVT Lào Cai đã hoàn thành thông cầu đường sắt Hồ Kiều nối Lào Cai với Hà Khẩu (Trung Quốc).

Những năm 1996 đến 2000 là thời kỳ phục hồi và phát triển của tỉnh. Với những bước tiến đột phá một cách toàn diện, ghi nhận những thành tựu ngành GTVT Lào Cai đã đạt được, Bộ GTVT và UBND tỉnh đã tặng 8 Cờ Thi đua xuất sắc; 3 bằng khen của UBND tỉnh. Năm 1998, ngành GTVT Lào Cai được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Bước sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, GTVT Lào Cai đã thực sự chuyển mình với hệ thống giao thông từ các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, vành đai biên giới, tuần tra biên giới được hoàn thành xây dựng mới và nâng cấp. Năm 2004, ngành GTVT và nhân dân các dân tộc của tỉnh tiếp tục vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Đặc biệt, năm 2015, ngành GTVT tỉnh đã đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

DSC00501

Lào Cai của ngày hôm nay

Trải qua chặng đường 25 năm, từ đống đổ nát, Lào Cai ngày nay đã vươn mình trở thành một tỉnh giàu mạnh, một điểm du lịch có sức cuốn hút lớn. Hàng loạt công trình có ý nghĩa quan trọng đã và đang được hoàn thành như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường nối từ đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị trấn Sapa theo hình thức BOT; đường hàng không (sân bay Lào Cai đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi); đường sắt quốc tế khổ 1.435mm nối ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) đang được nghiên cứu đầu tư…

Tính đến tháng 6 năm nay, toàn tỉnh đã hoàn thành mục tiêu 100% số thôn bản trong tỉnh có đường ô tô hoặc xe máy đến thôn bản. Vận tải của tỉnh tăng trưởng mạnh mẽ (bình quân tăng 20%/năm). Hiện trên địa bàn tỉnh có 156 đơn vị được Sở GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận tải ô tô đang hoạt động với 1.146 đầu xe tham gia vận tải theo hình thức kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, xe taxi, container…

Môi trường kinh doanh vận tải của tỉnh lành mạnh, các tổ chức và cá nhân đều chấp hành tốt các quy định về vận tải và dần đi vào trật tự, ổn định, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao. Hệ thống giao thông công cộng đã có những phát triển tích cực, hiện đã có 2 tuyến xe buýt nội đô TP. Lào Cai và 2 tuyến xe buýt từ TP. Lào Cai đi thị trấn Sa Pa. Năm 2014, vận tải hành khách đạt hơn 4,5 triệu lượt khách, vận tải hàng hóa đạt hơn 4,3 triệu tấn, vận tải hàng hóa qua cửa khẩu đạt 2,5 triệu tấn.

Một mặt tích cực khác trong lĩnh vực giao thông của tỉnh là công tác đảm bảo TTATGT. Những năm qua, tình hình TNGT trong những năm qua đã có chuyển biến tích cực, tỷ lệ người vi phạm TTATGT giảm, TNGT giảm cả 3 tiêu chí. Đến nay, tình trạng xe chở quá tải, quá khổ trên địa bàn tỉnh đã giảm hẳn, ý thức chấp hành quy định pháp luật bảo đảm TTATGT, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã có tiến triển tích cực, tình hình TNGT được cải thiện đã góp phần nâng cao an ninh trật tự, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Ông Nông Văn Hưng - Giám đốc Sở GTVT Lào Cai khẳng định, đến năm 2020, vận tải của tỉnh sẽ đáp ứng được nhu cầu vận tải tới tất cả các xã, trung tâm cụm xã vùng sâu, vùng xa, biên giới với chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, hợp lý, an toàn, tiện lợi. Đặc biệt, ngành GTVT quyết tâm giảm TNGT mạnh mẽ, đồng thời hạn chế tối đa những tác động xấu đến môi trường.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng về cơ bản đưa hệ thống đường bộ vào cấp kỹ thuật; xây dựng một số tuyến đường bộ mới, cầu qua sông Hồng, sông Chảy đáp ứng đi lại của nhân dân và phá thế độc đạo hiện nay; thực hiện quy hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết về hồ sơ, thủ tục, đàm phán nguồn vốn vay ODA để sớm triển khai dự án đường sắt Hà Nội - Lào Cai khổ 1.435mm để đáp ứng nhu cầu vận tải đường sắt; chỉnh trị luồng tuyến để khai thác vận tải thủy nội địa trên sông Hồng.

Theo định hướng phát triển GTVT đến năm 2030, hệ thống giao thông của Lào Cai sẽ kết nối liên hoàn, đồng bộ giữa các phương thức vận tải trong nước, quốc tế; hoàn chỉnh từng bước, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông nhằm nâng cao chất lượng khai thác, bảo đảm giao thông suốt, đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Ý kiến của bạn

Bình luận