Barcelona ứng dụng công nghệ di động vào quản lý đỗ xe |
Barcelona - phát triển giao thông thông minh
Thập niên vừa qua, TP. Barcelona (Tây Ban Nha) đã trở nên “thông minh hơn” sau hàng loạt biện pháp cải cách của chính quyền thành phố, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông. Nhiều giải pháp công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng để chống UTGT và cải thiện mạng lưới giao thông công cộng.
Chính quyền TP. Barcelona đã xây dựng hệ thống xe buýt thông minh nhằm khuyến khích người dân hướng đến giao thông công cộng nhiều hơn. Mạng lưới xe buýt được đánh giá là nhanh chóng, tiện dụng, thân thiện với môi trường… Điểm nổi bật của mạng lưới xe buýt là hệ thống nhà chờ thông minh, sử dụng năng lượng mặt trời và có những màn hình điện tử cung cấp thông tin các chuyến đến/đi cho hành khách.
Công nghệ 4.0 được ứng dụng để quản lý chỗ đỗ xe. Chính quyền Thành phố đã xây dựng hệ thống cảm biến gắn trên mặt đường kết hợp với ứng dụng điện thoại di động giúp người tham gia giao thông nhanh chóng tìm được chỗ đỗ xe tốt nhất mà không phải đi lòng vòng. Hệ thống dự báo giao thông real-time giúp tùy chỉnh tần suất đèn xanh theo tình hình giao thông từng thời điểm nhờ các cảm biến gắn tại các điểm đỗ xe. Hệ thống camera cũng cung cấp dữ liệu về mẫu xe, biển số xe, giúp nâng cao chất lượng quản lý giao thông.
Dàn máy check-in tự động ở nhà ga T4 |
Hiện nay, Barcelona cũng đang xây dựng một số dự án ứng dụng di động để cải thiện chất lượng giao thông như TMB Virtual và Transit. TMB Virtual là ứng dụng hỗ trợ bắt xe buýt. Người dùng chỉ cần hướng camera điện thoại thông minh về bất kỳ hướng nào để dò trạm xe buýt, đồng thời trên màn hình di động sẽ hiện hình ảnh thật và khoảng cách để đến được điểm bắt xe buýt. Ứng dụng còn tích hợp la bàn để chỉ đường cho người dùng.
Transit là ứng dụng giúp lái xe tìm đường. Tình hình giao thông sẽ được cập nhật liên tục thông qua hệ thống camera trong thành phố, giúp lái xe nhanh chóng xác định được các điểm tắc đường và tìm ra lộ trình nhanh nhất, thông suốt nhất.
Các ứng dụng chia sẻ xe cũng khá phát triển ở thành phố này. Người có nhu cầu sẽ trả cho chủ phương tiện một khoản chi phí nhỏ để cùng đi trên một lộ trình giống hoặc gần giống nhau. Khoản chi phí này nhỏ hơn nhiều so với tự đi xe cá nhân, qua đó tối ưu hiệu suất số lượng xe trên đường phố và làm giảm UTGT.
Với những nỗ lực của mình, Barcelona từng được đánh giá là thành phố thông minh nhất thế giới năm 2015 theo nghiên cứu của Juniper Research - công ty nổi tiếng chuyên nghiên cứu thị trường điện thoại di dộng, thị trường trực tuyến và kỹ thuật số.
Singapore - nhà ga sân bay “không nhân viên”
Nhà ga sân bay “không nhân viên” là cụm từ mà người ta dùng để gọi nhà ga T4, sân bay Changi. Vừa đi vào hoạt động tháng 10/2017, T4 được đánh giá là đã đặt ra một chuẩn mực mới về một nhà ga hành khách thông minh, thân thiện. Nhà ga T4 có diện tích 225.000m2, với chi phí xây dựng là 985 triệu SGD Singapore (tương đương 700 triệu USD). Dù quy mô chỉ bằng nửa T3 nhưng nhờ những ứng dụng công nghệ 4.0 giúp tối ưu hóa công năng mà T4 có thể đón 16 triệu lượt khách/năm, nâng công suất sân bay quốc tế Changi lên 82 triệu lượt hành khách/năm.
Một trong những điểm mới đáng chú ý của nhà ga này là loạt máy check-in, in thẻ lên máy bay, giấy gửi hành lý tự động. Các máy check-in tự động đều chung kiểu dáng, hoạt động như nhau, chứ không chia riêng theo mỗi hãng hàng không như chúng ta vẫn thường thấy ở các sân bay khác.
Điểm nổi bật nhất của T4 đó là các trạm kiểm tra hộ chiếu, thị thực cũng hoàn toàn tự động với hệ thống phần mềm nhận diện khuôn mặt, chụp ảnh hành khách từ nhiều góc độ rồi tổng hợp, so sánh với ảnh trên hộ chiếu. Công nghệ này cho phép hành khách xác thực danh tính của mình mà không cần phải xuất trình hộ chiếu, thẻ lên máy bay hay bất cứ loại giấy tờ nào khác. Đây được coi là dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của du lịch hàng không ở Singapore.
T4 còn có các máy quét hành lý tự động kết hợp với hệ thống an ninh thông minh. Hành khách không phải mất nhiều thời gian cởi giày, tháo thắt lưng ở khâu kiểm tra hành lý xách tay vì đã có sẵn máy dò kim loại tự động và máy scan toàn thân. Nhân viên an ninh kiểm tra hành lý xách tay với máy scan cắt lớp CT chứ không phải máy X-quang bình thường như các sân bay khác.
Toàn bộ những ứng dụng công nghệ điện tử hiện đại này sẽ giúp T4 trở thành nhà ga hoạt động hữu hiệu theo chuẩn du hành thời @ là FAST (Fast and seamless travel - Du hành nhanh và xuyên suốt), tạo cho hành khách một hành trình liền mạch từ quầy làm thủ tục đến thẳng ca-bin trên máy bay.
Việc áp dụng công nghệ hiện đại ngoài việc nâng hiệu suất còn tiết giảm nguồn nhân lực tới 20%. Từ lúc bước vào T4 cho đến lúc lên máy bay, hành khách sẽ hiếm khi phải giáp mặt với nhân viên sân bay. Tuy nhiên, vẫn có quầy check-in với nhân viên dành cho những hành khách không có kinh nghiệm check-in tự động.
Trang AviationPros đánh giá, sự ra mắt của Nhà ga T4 thể hiện xu hướng mới của các sân bay trên thế giới, đó là tự động và tự phục vụ. Hiện tại, sân bay Changi đang tiếp tục xây dựng Nhà ga T5, hứa hẹn mang đến những công nghệ đột phá hơn trong lĩnh vực vận tải hàng không.
Hai ví dụ về Barcelona và Singapore đã phần nào cho thấy tác động của công nghệ 4.0 đến GTVT, giúp nâng cao tính cơ động, giảm nhu cầu sử dụng phương tiện vận tải cá nhân và nâng cao chất lượng quản lý… Từ đó, các đô thị Việt Nam cần có sự chuẩn bị cần thiết để ứng phó với các tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tránh bị xô ngã bởi “con sóng” công nghệ đang lan ra toàn cầu
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.