Sáng 7/3, đại diện lãnh đạo hãng hàng không Jetstar Pacific, phi hành đoàn và bác sĩ người Anh tên Fiona Sutton đã đến Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng thăm mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Ngọc Nga (26 tuổi, quê Duy Xuyên, Quảng Nam) - người đã sinh thành công bé trai nặng 2,7 kg trên máy bay ở độ cao 10.000 m.
Gia đình chị Nga rất vui khi Fiona Sutton bất ngờ xuất hiện tại bệnh viện. Họ không ngờ lại có thể gặp lại ân nhân. Sau những cái ôm hôn thắm thiết với cậu bé, nữ bác sĩ Fiona Sutton nói mặc dù đã nhiều năm làm trong lĩnh vực nhi khoa, nhưng đây là lần đầu tiên cô tham gia hộ sinh cho một phụ nữ trên máy bay.
Đại diện lãnh đạo hãng hàng không và bác sĩ người Anh đến thăm và tặng quà cho mẹ con chị Nga. |
"Tôi cùng bạn sang Việt Nam du lịch. Mua vé máy bay ra Đà Nẵng, tôi không nghĩ mình lại giúp một phụ nữ sinh bé trai trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy. Lúc đó tình huống xảy ra quá nhanh nên rất tiếc tôi không quay, chụp lại được một tấm hình làm kỷ niệm", Fiona Sutton nhớ lại.
Nữ bác sĩ người Anh cho biết, cô ngồi dãy ghế khác, cách chỗ chị Nga khoảng 15 m. Khi máy bay cất cánh được hơn 40 phút, cô đang ngủ thì bất ngờ nghe tiếng la to của một thanh niên (chồng Nga - PV) với vẻ hốt hoảng.
"Nhìn về phía dãy ghế 5E, tôi thấy cô gái đau quằn quại. Với những kiến thức cơ bản về y khoa và kinh nghiệm của một người phụ nữ, tôi đoán chắc Nga sẽ sinh em bé ngay trên máy bay. Lập tức, tôi chạy đến thì thấy chị ấy đã vỡ ối. Lúc này, tâm trí tôi chỉ nghĩ đến việc làm sao để giúp đỡ cô sinh em bé an toàn", Fiona Sutton nhớ lại.
Ngay lập tức, nữ bác sĩ này giới thiệu với đội ngũ tiếp viên mình là bác sĩ và đề nghị giúp đỡ. "Sau khi hội ý nhanh, phi hành đoàn đồng ý với đề nghị của tôi. Lúc này, Nga cũng tỏ ra rất bình tĩnh. Tôi yêu cầu hạ dãy ghế 5E xuống để cho Nga nằm. Các tiếp viên trấn an cô gái thở đều theo nhịp. Còn tôi thì tiến hành các kỹ thuật cần thiết. Chừng 10 phút sau, bé trai cất tiếng khóc", nữ bác sĩ kể.
Theo vị bác sĩ, lúc đỡ đẻ, ai cũng lo lắng vì ở trên máy bay có nhiều hạn chế về trang thiết bị y tế. Nhưng lúc bé chào đời thì mọi lo âu đều tan biến. Những giọt nước mắt và tiếng vỗ tay vang lên. "Đây là giây phút tuyệt vời mà chắc có lẽ tôi chỉ gặp một lần trong đời", nữ bác sĩ thuật lại.
Trao đổi với phóng viên, tiếp viên trưởng Trần Thị Huệ (43 tuổi), cho biết mặc dù đã có 23 năm trong nghề, nhưng đây là lần đầu tiên gặp phải tình huống hy hữu này.
"Ngày thường, tôi cứ nhìn thấy máu là sợ. Nhưng không hiểu sao, hôm chứng kiến cảnh ấy, mọi sợ hãi lại tan biến. Tôi yêu cầu đồng nghiệp đến các dãy ghế giữ trật tự trên khoang tàu, tránh những tình huống lộn xộn ồn ào có nguy cơ ảnh hưởng đến sản phụ", chị kể. Đồng thời, tiếp viên trưởng thông báo cho bộ phận kỹ thuật tăng nhiệt độ từ 24,5 độ C lên 27 độ để cho người mẹ đủ ấm.
Lãnh đạo hãng hàng không cho biết những ngày qua đơn vị liên tiếp cử người đến thăm hỏi động viên mẹ con sản phụ. "Chúng tôi rất mừng vì Nga đã bình phục, em bé rất ngoan và kháu khỉnh. Chúng tôi quyết định tặng vé miễn phí cho cháu bé này đi máy bay khi đến 20 tuổi", đại diện hãng này cho hay.
Dương Văn Võ Phúc (22 tuổi - chồng chị Nga), cho biết hai hôm nay sức khỏe của vợ và con tiến triển rất tốt. Dự kiến, sáng mai họ sẽ xuất viện về quê ngoại Duy Xuyên (Quảng Nam). Phúc nói rằng, sau khi bàn bạc, gia đình đã thống nhất đặt tên cho con trai theo tên hãng để lưu giữ kỷ niệm đẹp về chuyến bay từ TP HCM về Đà Nẵng ngày 4/3.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.