Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu vừa qua, giá dầu WTI dừng ở mức 52,42 USD/thùng. |
Giá dầu WTI đã đạt mức cao nhất 18 tháng sau khi OPEC và 11 nước ngoài khối vào hôm 10/12 nhất trí chấm dứt 2 năm khai thác dầu “thả phanh”.
Các quỹ đầu cơ đang chứng tỏ họ có đôi chút niềm tin vào Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), theo hãng tin Boomberg.
Mức độ đặt cược vào sự tăng giá của dầu thô ngọt nhẹ (WTI) tại thị trường Mỹ đã lên mức cao nhất kể từ năm 2006 sau khi OPEC và một số nước ngoài khối nhất trí cắt giảm sản lượng dầu để vực dậy giá “vàng đen”.
Số liệu từ Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai của Mỹ (CFTC) cho thấy số lượng ròng hợp đồng đầu cơ giá lên dầu WTI trong tuần kết thúc vào ngày 17/1 đã tăng 14%. Cũng trong tuần đó, giá dầu WTI tăng 3,3%, đạt mức 52,48 USD/thùng.
Cuối tuần vừa rồi, OPEC cùng các nước đối tác trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã có cuộc gặp ở Vienna, Áo để đánh giá tình hình tuân thủ thỏa thuận. Đại diện các nước tham dự hội nghị cho biết Saudi Arabia, Algeria và Kuwait đều đã cắt giảm sản lượng mạnh hơn yêu cầu, Nga cũng đủ khả năng hạ nguồn cung nhanh hơn dự kiến.
“Các quỹ đầu cơ đang mua dầu. Ở Texas, họ nói rằng quá nhiều dầu cũng không đủ”, nhà phân tích năng lượng Tim Evans thuộc công ty Citi Futures Perspective ở New York cho biết. “Họ đang giao dịch dầu lửa với niềm tin rằng các nước xuất khẩu dầu lửa trong và ngoài OPEC sẽ cắt giảm sản lượng đủ đẩy giá dầu tăng cao hơn”.
Giá dầu WTI đã đạt mức cao nhất 18 tháng sau khi OPEC và 11 nước ngoài khối vào hôm 10/12 nhất trí chấm dứt 2 năm khai thác dầu “thả phanh”. Giá dầu đến nay đã giảm 3% từ mức đỉnh đó do giới đầu tư chờ đợi bằng chứng cho thấy thỏa thuận cắt giảm sản lượng được tuân thủ nghiêm ngặt.
Theo nguồn tin thân cận, sản lượng dầu của OPEC đã giảm 220.900 thùng/ngày xuống mức 33,085 triệu thùng/ngày trong tháng 12. Tuy vậy, mức sản lượng này vẫn cao hơn khoảng 1,8 triệu thùng/ngày so với mục tiêu mà OPEC đề ra cho nửa đầu năm 2017. Điều này cho thấy sự cần thiết phải đẩy nhanh hơn nữa việc cắt giảm sản lượng để đạt mục tiêu.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ vào hôm thứ Năm tuần trước, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Cộng nghiệp Saudi Arabia Khalid Al-Falih nói rằng trong 2 tuần đầu tiên của tháng 1, việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng diễn ra “rất mạnh mẽ” và đại đa số các nước tham gia thỏa thuận đều cắt giảm vượt mức cam kết. Ông Al-Falih cũng cho biết mức cắt giảm sản lượng đã đạt được là 1,5 triệu thùng/ngày.
Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Kuwait Essam Al-Marzouk thì nói rằng OPEC và các nước đối tác trong thỏa thuận sẽ không chấp nhận bất kỳ mức cắt giảm nào ít hơn 100% con số đã được nhất trí. Ông Al-Marzouk cũng phát tín hiệu rằng OPEC nghiêm túc trong việc giải quyết tình trạng dư thừa dầu trên toàn cầu và sẽ xóa tan mọi hoài nghi xuất phát từ những lầntrước đây khối này tuyên bố cắt giảm sản lượng nhưng không tuân thủ đầy đủ.
“Thị trường dầu lửa đang trong tâm trạng giá lên. Có nhiều nhận định cho thấy một thị trường bị thắt chặt nguồn cung”, ông John Kilduff thuộc công ty quản lý quỹ đầu cơ Again Capital LLC ở New York đánh giá.
Trước triển vọng tăng giá của dầu thô, các nhà khai thác dầu của Mỹ rục rịch tăng sản lượng. Số lượng giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ trong tuần trước đã tăng thêm 29 giàn, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2013.
Hôm thứ Ba, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA) đã tăng dự báo sản lượng dầu của nước này trong năm 2017 lên mức 9 triệu thùng/ngày từ mức dự báo 8,87 triệu thùng/ngày đưa ra hồi tháng 12.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.