Ảnh minh họa. |
Bất chấp Chính phủ Mỹ đóng cửa, phố Wall vẫn đồng loạt tăng trở lại trong phiên cuối tuần trước khi các nhà đầu tư tập trung chủ yếu vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Cụ thể, chính phủ Mỹ phải đóng cửa từ ngày 20/1 khi 2 phe Dân chủ và Cộng hòa không tìm được tiếng nói chung trong việc đàm phán về gói ngân sách mới. Chỉ có một số bộ phận thiết yếu vẫn đang làm việc, còn lại các công chức Mỹ gần như “thất nghiệp tạm thời” , ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người dân Mỹ.
Mặc dù vậy, phố Wall vẫn đảo chiều tăng điểm tốt trong phiên cuối tuần với sự hỗ trợ tích cực từ nhóm cổ phiếu công nghệ với kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan.
Kết thúc phiên 19/1, chỉ số Dow Jones tăng 53,91 điểm (+0,21%), lên 26.071,72 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,27 điểm (+0,44%), lên 2.810,30 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 40,33 điểm (+0,55%), lên 7.336,38 điểm.
Phố Wall tiếp tục có tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp, dù mức tăng khiêm tốn hơn so với 2 tuần đầu năm. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones tăng 1,04%, chỉ số S&P 500 tăng 0,86%, chỉ số Nasdaq tăng 1,04%.
Chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt tăng điểm mạnh trở lại trong phiên cuối tuần nhờ kết quả kinh doanh tích cực của một số doanh nghiệp vừa được công bố, nhất là các cổ phiếu công nghệ.
Kết thúc phiên 19/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 29,83 điểm (+0,39%), lên 7.730,79 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 153,02 điểm (+1,15%), lên 13.434,45 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 31,68 điểm (+0,58%), lên 5.526,51 điểm.
Chứng khoán châu Âu tiếp tục có tuần trái chiều. Trong khi chỉ số FTSE 100 đảo chiều giảm 0,62% sau 6 tuần tăng liên tiếp, thì chỉ số DAX đảo chiều tăng khá mạnh 1,43% trong tuần qua sau khi giảm nhẹ tuần trước đó và chỉ số CAC 40 có tuần tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng 0,17%.
Chứng khoán châu Á cũng đồng loạt tăng điểm trong phiên cuối tuần trước. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản hồi phục nhẹ trở lại nhờ nhóm cổ phiếu tài chính, chứng khoán Trung Quốc đại lục lên mức cao nhất 2 năm nhờ thông tin kinh tế tích cực được công bố trước đó, kéo chứng khoán Hồng Kông tiếp tục tăng theo.
Kết thúc phiên 19/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 44,69 điểm (+0,19%), lên 23.808,06 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 132,95 điểm (+0,41%), lên 32.254,89 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 13,11 điểm (+0,38%), lên 3.487,86 điểm.
Dù có những phiên rung lắc, nhưng chứng khoán Nhật Bản cũng đảo chiều tăng trở lại sau tuần điều chỉnh trước đó, còn chứng khoán Trung Quốc và Hông Kông tiếp tục bay cao với tuần tăng thứ 5 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,65%, chỉ số Hang Seng tăng 2,68% và chỉ số Shanghai Composite tăng 1,71%.
Trong khi đó, giá vàng có phản ứng đầu tiên với việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa từ 0h ngày 20/1 khi đảo chiều tăng khá trong phiên cuối tuần trước (19/1). Ngoài ra, việc đồng USD giảm và vẫn mắc kẹt ở mức thấp nhất 3 năm cũng ủng hộ cho giá vàng.
Kết thúc phiên 19/1, giá vàng giao ngay tăng 4,2 USD/ounce (+0,32%), lên 1.330,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2018 tăng 5,9 USD/ounce (+0,45%), lên 1.333,1 USD/ounce.
Dù lấy lại đà tăng trong phiên cuối tuần, nhưng giá vàng đã chấm dứt chuỗi tuần tăng liên tiếp ở con số 5 khi quay đầu giảm nhẹ 0,51% và 0,39% trong tuần trước.
Tuần điều chỉnh vừa qua khiến giới chuyên gia có cái nhìn thận trọng hơn về xu hướng tuần này của giá vàng, trong khi giới đầu tư vẫn có cái nhìn khá tích cực.
Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 17 chuyên gia tham gia trả lời, trong đó có 7 người, chiếm 41% dự báo giá vàng sẽ tăng tuần này, thấp hơn nhiều con số 71% của tuần trước; có 6 người, chiếm 35% dự báo giảm, cao hơn so với mức 24% của tuần trước; và 4 người còn lại, chiếm 23,5% dự báo giá vàng sẽ không thay đổi.
Trong khi đó, trong cuộc thăm dò trực tuyến, có 845 lượt người tham gia, trong đó có 522 lượt, chiếm 61,8% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng, tương đương với tuần trước (tuần trước là 61%); có 244 lượt bình chọn, chiếm 29% dự báo giá vàng sẽ giảm trở lại, nhỉnh hơn mức 27% của tuần trước; và 79 lượt, chiếm 9,3% giữ quan điểm trung lập.
Dù đồng USD yếu và kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước sụt giảm, nhưng giá dầu tiếp tục có phiên điều chỉnh thứ 2 liên tiếp với mức giảm mạnh hơn nhiều phiên thứ Năm do áp lực chốt lời của các nhà đầu tư.
Kết thúc phiên 19/1, giá dầu thô Mỹ giảm 0,58 USD (-0,92%), xuống 63,37 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,70 USD (-1,02%), xuống 68,61 USD/thùng.
Tuần qua, giá dầu thô Mỹ giảm 1,45% và giá dầu thô Brent giảm 1,80%. Như vậy, chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp của vàng đen đã bị chặn lại, nhất là tuần khởi sắc trước đó.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.