Giới nhập khẩu xe hồi hộp chờ phán quyết Thông tư 20

Bạn đọc 28/07/2016 06:04

Thông tư 20 sẽ bị gỡ bỏ theo mong muốn của các đơn vị nhập khẩu xe tư nhân, hay sẽ được nâng lên thành Nghị định ?

otongoai_dubi

Ảnh minh họa.

Tranh cãi về vấn đề này trở nên nóng bỏng trong gần một tháng qua, khi hiệu lực của Thông tư 20/2011/TT-BCT (gọi tắt là Thông tư 20) chính thức hết hạn kể từ ngày 1/7. Từ đó đến nay, cơ quan quản lý đang trình Chính phủ đề xuất các quy định mới thay thế văn bản này.

Trong khoảng thời gian chờ đợi quy định mới, giới nhập khẩu, kinh doanh ôtô đã có những tranh cãi cũng như động thái cụ thể liên quan đến số phận Thông tư 20. Các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng và Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đều đã gửi công văn chính thức tới Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban, ngành liên quan, thể hiện quan điểm ủng hộ việc gia hạn hiệu lực Thông tư 20, hoặc nâng Thông tư lên thành Nghị định.

Trong khi đó, các công ty nhập khẩu ôtô tư nhân đồng loạt lên tiếng kêu gọi chính phủ bãi bỏ Thông tư này để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng cho các doanh nghiệp. Thậm chí chiều 21/7, các đơn vị này đã treo băng rôn, biểu ngữ trước trụ sở Bộ Công Thương với nội dung ủng hộ bãi bỏ các quy định trong văn bản nêu trên.

Thông tư 20: Giữ hay bỏ?

Điểm chung trong kiến nghị của cả hai nhóm doanh nghiệp là đều có mục đích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô chính hãng, kể từ khi Thông tư 20 ra đời, thị trường ôtô đi vào ổn định, không còn cảnh xe được nhập về ồ ạt bán trao tay như trước kia. Khách hàng mua xe qua các kênh phân phối chính hãng được đảm bảo về chất lượng xe, chất lượng linh kiện, phụ tùng cũng như các quyền lợi bảo hành, bảo dưỡng chính hãng.

Các doanh nghiệp này lập luận, Thông tư 20 đã tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, ổn định, góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư lâu dài vào Việt Nam. Bằng chứng là trong 5 năm qua, đã có thêm nhiều thương hiệu ôtô lớn mở đại lý chính hãng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất tới người tiêu dùng Việt Nam.

Các dòng xe chính hãng cũng được hiệu chỉnh thiết kế cho phù hợp với loại nhiên liệu hiện có, điều kiện thời tiết và đường sá tại Việt Nam, giúp đảm bảo an toàn, hiệu năng sử dụng và giá trị bán lại. Nếu mua xe qua các kênh không chính hãng, chủ xe sẽ không được cam kết về chất lượng dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng, chất lượng kỹ thuật viên cũng như linh kiện, phụ tùng thay thế, trong khi xe ôtô là một sản phẩm công nghệ cao, liên quan đến an toàn tính mạng của người sử dụng.

Ở chiều ngược lại, các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh xe tư nhân lại cho rằng, nếu Thông tư 20 được gỡ bỏ, giá xe nhập sẽ giảm đáng kể, người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn và có cơ hội tiếp cận tốt hơn với các chủng loại xe ôtô khác nhau. Về vấn đề này, đại diện một nhà nhập khẩu ôtô chính hãng cho biết, giá xe trong vòng 5 năm qua tăng là do chênh lệch tỷ giá, còn nếu tính theo USD, giá xe thực chất không tăng, thậm chí giảm. Ông này lấy ví dụ, giá một chiếc Audi A6 ở thời điểm 2011 là khoảng 120.000 USD. Sau 5 năm, hiện nay giá của A6 phiên bản mới nhất tại Việt Nam tương đương 105.000 USD, tức là giảm hơn 10%.

Một vấn đề gây tranh cãi nữa về việc giữ hay bỏ Thông tư 20 là tác động của nó tới môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban, ngành liên quan, các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cũng như Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Euro Cham), Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA), Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam... đều hoan nghênh Thông tư 20 đã góp phần tạo môi trường đầu tư lành mạnh trong lĩnh vực kinh doanh ôtô tại thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, phía các đơn vị nhập khẩu không chính hãng lại cho rằng, Thông tư 20 với quy định phải có giấy chứng nhận hoặc uỷ quyền của nhà sản xuất mới được nhập khẩu thực chất chính là điều kiện kinh doanh, một giấy phép con tạo ra sự bất bình đẳng, độc quyền trong giới kinh doanh xe nhập. Doanh nghiệp nào nhanh chân hơn thì có được giấy uỷ quyền, còn lại các doanh nghiệp khác sẽ không được nhập.

Quan điểm này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhưng vấp phải sự phản đối của các nhà nhập khẩu chính hãng, bởi nó không thể hiện đúng bản chất của việc uỷ quyền nhập khẩu và phân phối xe. Theo đó, bất kể doanh nghiệp nào đáp ứng đủ các điều kiện mà nhà sản xuất đặt ra, như showroom trưng bày, xưởng dịch vụ, trình độ kỹ thuật viên, nhân viên chăm sóc khách hàng... đều có thể được uỷ quyền nhập khẩu và phân phối chính hãng.

Đồng thời, trong quá trình hoạt động, nhà sản xuất thường xuyên có hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng của đơn vị phân phối, nếu không đáp ứng sẽ bị tước quyền và chuyển giao cho đơn vị khác. Vì vậy, câu chuyện ở đây là các doanh nghiệp tư nhân có đảm bảo đủ điều kiện để mang đến cho khách hàng chất lượng dịch vụ mà nhà sản xuất yêu cầu hay không.

Hệ luỵ nếu bỏ Thông tư 20

Cũng liên quan đến việc giữ hay bỏ Thông tư 20, ngoài ý kiến của các nhà nhập khẩu chính hãng và các đơn vị kinh doanh xe nhập tư nhân, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) và một số doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước đã lên tiếng ủng hộ việc gia hạn hoặc nâng Thông tư lên thành Nghị định. Trong bản kiến nghị gửi Thủ tướng và các Bộ, ban, ngành liên quan, VAMA bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực tới thị trường ôtô nếu Thông tư 20 không được gia hạn hoặc thay thế.

Kiến nghị của VAMA nêu rõ: "Khi Thông tư 20 hết hiệu lực và không được thay thế, chúng tôi lo ngại về việc ai sẽ đảm bảo chất lượng xe và dịch vụ khách hàng, các chiến dịch triệu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ nếu những nhà nhập khẩu không chính hãng sẽ dừng hoạt động kinh doanh sau đó vì những lý do nào đó".

Ngoài ra, VAMA cũng lo ngại sẽ tái diễn tình trạng trốn thuế bằng việc khai giá mua bán xe thấp hơn thực tế và thanh toán bất hợp pháp ra nước ngoài như trước khi Thông tư 20 được ban hành. Trên thực tế, đã từng có trường hợp một chiếc xe Rolls-Royce được khai giá chỉ 50.000 USD, hoặc một chiếc xe sang 11 tỷ được khai giá chỉ 6,5 tỷ đồng, gây thất thu một lượng tiền thuế lớn cho nhà nước.

Trong khi đó, trình bày tham luận tại cuộc họp với Bộ Công Thương và một số doanh nghiệp liên quan, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần ôtô Trường Hải (THACO) Trần Bá Dương cũng nêu lên những lo ngại về việc tình hình sản xuất kinh doanh ôtô sẽ trở lại như giai đoạn trước 2011 nếu Thông tư 20 không được duy trì hoặc thay thế.

Cụ thể, ông Dương cho rằng nếu gỡ bỏ thông tư 20 sẽ rất khó kiểm soát chất lượng xe, việc bảo hành, sửa chữa, triệu hồi khắc phục lỗi sẽ gặp nhiều bất cập. Ngoài ra, để có lợi nhuận, các đơn vị nhập khẩu không chính ngạch có thể khai giá trên hợp đồng và tờ khai hải quan thấp để nghĩa vụ đóng thuế được giảm xuống, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Các doanh nghiệp này cũng sẽ phải mua ngoại tệ từ thị trường chợ đen và chuyển ngân lậu ra nước ngoài để thanh toán, do đó có thể tạo ra gian lận thương mại và gây bất ổn thị trường ngoại tệ Việt Nam.

Việc nhập khẩu ồ ạt, không có kiểm soát sẽ dẫn đến lượng xe tồn kho cao, lượng nhập siêu khổng lồ, sau đó có thể phải bán dưới giá nhập do không kiểm soát được lượng cung cầu, gây thiệt hại cho bản thân doanh nghiệp nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Trên hết, việc bãi bỏ Thông tư 20 sẽ tạo ra sự bất ổn đối với thị trường ôtô trong nước, gây ra tâm lý bất an, băn khoăn, lo lắng đối với các doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch đầu tư.

Viễn cảnh về một bãi xe khổng lồ, với hàng nghìn doanh nghiệp tham gia nhập khẩu, có năm nhập về tổng lượng xe lên tới 100.000 chiếc trong khi quy mô thị trường còn nhỏ, sẽ gây ra những bất cập trong công tác quản lý cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Đó đang là lý do chính khiến hiệp hội các nhà sản xuất ôtô trong nước và các nhà nhập khẩu xe hơi chính hãng có lần hiếm hoi nói chung một tiếng nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận