Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Sinawatra dùng hộ chiếu Campuchia để đăng ký sở hữu công ty ở Hong Kong. Ảnh: AP. |
Tấm hộ chiếu màu đỏ với dòng chữ vàng "Vương quốc Campuchia" là thứ ít người tưởng tượng cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Sinawatra sẽ sử dụng để đi qua các điểm kiểm soát tại biên giới, cửa khẩu.
Chỉ được hưởng quy chế miễn thị thực hoặc xin thị thực tại chỗ khi đến tại 54 quốc gia và vùng lãnh thổ, hộ chiếu của Campuchia xếp hạng 84 trên tổng số 104 tấm hộ chiếu quyền lực nhất thế giới. Thế nhưng, tấm hộ chiếu của những quốc gia như Campuchia vẫn là thứ nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng trăm nghìn USD để có được.
Cái giá của một tấm hộ chiếu
Bà Yingluck Sinawatra trốn ra nước ngoài năm 2017, ngay trước khi tòa án tối cao Thái Lan tuyên án nữ cựu thủ tướng 5 năm tù do sai phạm trong hỗ trợ nông dân trồng lúa. Mới đây, bà Yingluck đã sử dụng hộ chiếu Campuchia để đăng ký làm giám đốc một công ty tại Hong Kong.
Vụ việc bà Yingluck một lần nữa cho thấy giới siêu giàu trên thế giới có thể dễ dàng có được hộ chiếu hay quyền cư trú tại bất cứ quốc gia nào, chỉ cần bỏ ra một khoản tiền, từ vài trăm nghìn tới vài triệu USD, tùy vào quốc gia mà họ muốn tới.
Việc mua hộ chiếu nước ngoài có thể được thực hiện bất chấp những quy định pháp luật và quy trình thẩm tra người nộp hồ sơ ngặt nghèo tại tất cả các quốc gia. Trong một số trường hợp, việc mua hộ chiếu được thực hiện dễ dàng như thể mua hàng trực tiếp, người mua thậm chí không cần có mặt tại cơ quan có thẩm quyền.
Tại một vài quốc gia, người ta có thể mua hộ chiếu bằng cách hối lộ các quan chức nhà nước.
"Với một số nhà đầu tư, họ muốn tới sống tại một nơi bởi họ thực sự muốn làm ăn kinh doanh ở đó. Tuy nhiên, một số người giàu ở Trung Quốc có quá nhiều tiền để tiêu, bỏ ra vài triệu USD mua hộ chiếu nước ngoài không phải vấn đề gì lớn. Hộ chiếu nước ngoài như một biện pháp bảo vệ, cũng là cách để họ khoe khoang của cải", Benny Cheung, giám đốc tổ chức tư vấn di cư Goldmax, nhận định.
Trong một báo cáo tháng 9/2018, tạp chí Economist cho biết hàng nghìn hộ chiếu được mua bán mỗi năm. Số người bỏ tiền mua giấy phép cư trú tại các quốc gia thậm chí lên đến hàng trăm nghìn.
Chi phí rẻ nhất để mua một tấm hộ chiếu là khoảng 100.000 USD tại Cộng hòa Dominica, Grenada, Antigua và Barbuda, các quốc gia nhỏ nằm ở khu vực Caribe.
Tại một quốc gia khác cũng ở Caribe là St Kitts Nevis, với điều kiện trả lời một số câu hỏi và bỏ ra 150.000 USD, bất kỳ ai cũng có thể được cấp hộ chiếu trong vòng 90 ngày. Thương nhân người Malaysia Low Taek Jho đang bị truy nã do dính líu tới nghi án tham nhũng quỹ đầu tư nhà nước 1MDB đã sử dụng chính tấm hộ chiếu này để chạy trốn, sau khi hộ chiếu Malaysia của ông bị vô hiệu hóa.
Không chỉ tại các nước nhỏ và nghèo, trong Liên minh Châu Âu (EU), 20 trên tổng số 28 quốc gia cấp hộ chiếu hoặc quyền cư trú, đổi lấy những khoản đầu tư khổng lồ.
Tại đảo quốc Malta, 850.000 USD là khoản tiền phải bỏ ra để được chính phủ nước này cấp hộ chiếu. Trong khi đó, hộ chiếu Cộng hòa Cyrus có giá 2,26 triệu USD và không đi kèm điều kiện cư trú nào.
Trong khi tấm hộ chiếu là biểu tượng công dân quý giá tại một số quốc gia, nó lại trở thành tài sản được những người giàu có theo đuổi tại nhiều quốc gia khác, với lý do này hay lý do kia. Và khi cần, giới siêu giàu có đầy đủ đội ngũ luật sư, kế toán, giúp họ hoàn thành mục tiêu mua hộ chiếu nước ngoài với cái giá khổng lồ.
Những tấm hộ chiếu quyền lực
Andrew Henderson, nhà sáng lập quỹ đầu tư Nomad Capitalist, khuyến cáo các khách hàng giàu có tìm cách sở hữu hộ chiếu của các quốc gia, vùng lãnh thổ nước ngoài để có thể đóng thuế ít hơn so với quốc gia quê hương của họ. Bản thân Henderson đã từ bỏ quốc tịch Mỹ, và hiện ông có hộ chiếu của 4 quốc gia khác nhau.
Trong khi nhiều người tìm mọi cách sở hữu tấm thẻ xanh của Mỹ, Henderson cho biết việc từ bỏ tư cách công dân Mỹ giúp ông không phải khai báo tình trạng tài chính với cơ quan thuế vụ Mỹ. Tuy nhiên, Henderson từ chối cho biết hiện ông sở hữu hộ chiếu của những quốc gia nào.
Cần bỏ ra 850.000 USD để sở hữu hộ chiếu Malta. Ảnh: AP. |
"Việc sở hữu nhiều hộ chiếu giúp việc di chuyển thuận lợi hơn, được chào đón nồng nhiệt hơn, và giúp người ta có quyền chọn tấm hộ chiếu có lợi nhất tùy từng tình huống", Henderson cho biết.
Nhà sáng lập Nomad Capitalist nói lợi thế của việc có nhiều hộ chiếu giúp ông có thể trú chân tại một quốc gia nhỏ, bình yên, không làm phiền tới công việc của bản thân. Trong khi đó, một người bạn gốc Do Thái của Henderson cũng có thể tiến hành kinh doanh tại Vùng Vịnh nhờ vào những tấm hộ chiếu mua được.
Bảng xếp hạng Henley Passport Index xếp hạng hộ chiếu các quốc gia hàng năm, bằng cách thống kê số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ miễn thị thực nhập cảnh cho công dân sở hữu hộ chiếu đó.
Năm 2018, Nhật Bản là nước có hộ chiếu được xếp hạng 1 trong bảng xếp hạng của Henley Passport Index. Người sở hữu hộ chiếu nước này được miễn thị thực tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Xếp ngay sau Nhật Bản là Singapore và Hàn Quốc, với 189 điểm đến miễn thị thực nhập cảnh. Các quốc gia còn lại trong top 10 hộ chiếu quyền lực nhất hầu hết nằm ở châu Âu.
Đứng cuối cùng trong danh sách hộ chiếu quyền lực nhất thế giới là Iraq và Afghanistan, hai quốc gia nhiều năm chìm trong chiến tranh, bạo lực và khủng bố.
Tuy nhiên, đối với nhiều người, quyền miễn thị thực nhập cảnh không phải cái đích cho việc mua hộ chiếu nước ngoài. Với giới siêu giàu, trả thuế thấp hơn hay ít bị hạn chế quyền tự do di chuyển hơn mới là mục tiêu khi sở hữu hộ chiếu nước ngoài.
Và, với những người như Yingluck Sinawatra hay Low Taek Jho, sở hữu hộ chiếu nước ngoài cũng là cách giúp họ trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Anh trai bà Yingluck là cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, người bị phế truất năm 2006, được cho là sở hữu khoảng 10 hộ chiếu nước ngoài.
Mặc dù vậy, sở hữu hộ chiếu nước ngoài không đồng nghĩa với an toàn tuyệt đối. Nhà tài phiệt Xiao Jianhua sở hữu hộ chiếu của Canada, Antigua và Barbuda, nhưng hiện được cho là bị giam giữ trong nhà tù Trung Quốc, với cáo buộc thao túng giá cổ phiếu và hối lộ.
Luật lệ siết chặt
Hộ chiếu Antigua và Barbuda của tỷ phú Trung Quốc Xiao Jian Hua. Ảnh: SCMP. |
Có cầu ắt có cung, trên thế giới, hàng nghìn tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành công nghiệp "mua bán quyền công dân và cư trú", sẵn sàng cung cấp các dịch vụ trọn gói giúp các khách hàng từ công đoạn nộp hồ sơ tới khi hoàn thành việc sở hữu hộ chiếu nước ngoài.
Thế nhưng, ông Cheung từ Goldmax cho biết các quốc gia đang siết chặt các chương trình tiếp nhận đầu tư đổi lấy quyền cư trú của mình.
"Hiện nay, các quốc gia không chỉ muốn tiền của giới nhà giàu. Những gì tiền mang lại cho nền kinh tế thực ra không lớn. Các nước hiện quan tâm nhiều tới nền tảng giáo dục và độ tuổi của người nộp hồ sơ. Họ muốn những người thực sự sẽ đầu tư vào các doanh nghiệp nội địa, tạo ra việc làm cho công dân của họ", ông Cheung cho biết.
Các tỷ phú thường ưu tiên mua hộ chiếu tại châu Âu hơn tại châu Á. Nguyên nhân là bởi các nước châu Âu thường chấp nhận công dân sở hữu nhiều hơn một quốc tịch.
Tại châu Âu, tổ chức Minh bạch quốc tế và Giám sát toàn cầu ước tính Tây Ban Nha, Hungary, Bồ Đào Nha, Latvia và Anh cấp hơn 10.000 quyền di trú đầu tư mỗi năm trong thập kỷ qua.
Theo tính toán, các nước thành viên EU thu hơn 28 tỷ USD tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua hoạt động cấp quyền cư trú vĩnh viễn hoặc cấp hộ chiếu cho người nước ngoài. Một số quốc gia không điều tra nguồn gốc của số tiền họ thu được từ những người nộp hồ sơ xin hộ chiếu và quyền cư trú.
Tuần qua, Hội đồng Châu Âu (EC) lên tiếng cảnh báo hoạt động mua bán hộ chiếu gây ra "nguy cơ xâm nhập của các nhóm tội phạm xuyên quốc gia bên ngoài châu Âu vào nền kinh tế", với các hoạt động rửa tiền, trốn thuế và hối lộ.
Tuy nhiên, ông Henderson từ Nomad Capitalist cho rằng những cảnh báo về nguy cơ tội phạm từ hoạt động mua bán hộ chiếu là phóng đại. Chuyên gia này cho rằng hầu hết quốc gia có quy trình phù hợp để kiểm tra người nộp đơn. Nhiều hồ sơ không đủ tiêu chuẩn đã bị từ chối cấp hộ chiếu.
"Ý tưởng cho rằng bọn tội phạm có thể qua mặt hệ thống kiểm tra chỉ là tuyên truyền của những người không muốn bị người giàu chen ngang mà thôi. Các quốc gia đều cần tiền. Người có tiền đến và đóng góp cho các nền kinh tế đang ngập trong nợ nần như tại St Kitts Nevis sẽ luôn được chào đón nồng nhiệt", ông Henderson nói.
Tại nhiều nước châu Á, trong đó có Singapore, Nhật Bản, Malaysia, và Trung Quốc, sở hữu nhiều quốc tịch không được luật pháp chấp nhận. Việc mua bán hộ chiếu như đang diễn ra tại Campuchia là ngoại lệ.
Tại Trung Quốc, người ta có thể dễ dàng tìm kiếm các công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ tiến hành thủ tục xin cấp hộ chiếu Campuchia.
"Chúng tôi có tỷ lệ thành công (xin hộ chiếu Campuchia) lên tới 95%. Quy trình gần đây có bị siết chặt, nhưng đó cũng không phải vấn đề lớn", tư vấn viên từ một công ty dịch vụ tại Thâm Quyến cho biết.
Công ty này thu phí dịch vụ 180.000 USD, và khách hàng sẽ được hoàn tiền đầy đủ nếu hồ sơ bị từ chối. Tài liệu quảng cáo của công ty này cho biết công ty có mối quan hệ với giới chức quân sự và các quan chức cấp cao trong chính quyền Campuchia.
Theo tư vấn viên của công ty dịch vụ cư trú quốc tế, hộ chiếu Campuchia có thể mua được thông qua "các kênh đặc biệt", với hàm ý người ta có thể hối lộ các quan chức để mua hộ chiếu quốc gia này.
Một quan chức Campuchia tuyên bố nước này không bao giờ cấp hộ chiếu cho công dân nước ngoài. Tuy nhiên, tờ Khmer Times dẫn lời chính vị quan chức này cho biết 1.518 người nước ngoài được cấp quyền công dân trong thời gian 2014-2017.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.