Ảnh minh họa |
Để nhận biết tương lai của một quốc gia, hãy nhìn vào giới trẻ của quốc gia đó. Điều này có vẻ như cũng đúng phần nào trong lĩnh vực kinh tế: để nhận biết tương lai nền kinh tế của một quốc gia, hãy nhìn vào giới start-up (các doanh nghiệp mới khởi nghiệp) của quốc gia đó.
Một thực tế về vấn đề khởi nghiệp có lẽ không được nhiều người Việt Nam biết đến, đó là: Việt Nam là một trong những dân tộc có tinh thần khởi nghiệp mạnh nhất trên thế giới. Một khảo sát mới nhất về tinh thần khởi nghiệp của trường đại học Đức Technische Universitat Munchen, công ty nghiên cứu thị trường GfK và tập đoàn Amway thực hiện trên toàn cầu đã chỉ ra rằng, người Việt Nam xếp thứ 7 trong số 44 quốc gia tham gia khảo sát về tinh thần khởi nghiệp.
Ở châu Á, tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam chỉ xếp sau 3 nước Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan. Cố thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore cũng từng nhận xét rằng người Việt Nam là một dân tộc năng động nhất ở Đông Nam Á.
Các con số thống kê cũng đang hậu thuẫn cho kết quả trên: mỗi năm có khoảng gần 100.000 doanh nghiệp mới được thành lập ở Việt Nam, một con số ấn tượng nếu so sánh với các quốc gia khác. Chẳng hạn như Anh - nước đứng thứ tư trong danh sách các quốc gia có tinh thần khởi nghiệp mạnh nhất và là cường quốc kinh tế trong top 5 thế giới, số doanh nghiệp mới thành lập hằng năm khoảng 530.000.
Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện ấn tượng về tinh thần khởi nghiệp đầy năng động của người Việt Nam, cũng có những điều đáng để suy ngẫm. Trong số gần 100.000 doanh nghiệp được thành lập hàng năm, số lượng doanh nghiệp phải giải thể và ngưng hoạt động hàng năm cũng cao không kém, bằng khoảng 70% số mới thành lập.
Dĩ nhiên câu chuyện số doanh nghiệp giải thể không có gì đặc biệt, là điều bình thường ở mọi quốc gia. Chẳng hạn ở Anh, mỗi năm có khoảng 530.000 doanh nghiệp mới thành lập, thì cũng có khoảng 330.000 doanh nghiệp phải giải thể và ngưng hoạt động hàng năm, chiếm hơn 60%. Trong số 530.000 doanh nghiệp đó, tỉ lệ vẫn còn hoạt động sau 3 năm là 70%; trong khi ở Việt Nam là 66% - cũng khá cao và khá ấn tượng.
Vấn đề là ở chỗ, nền kinh tế Anh nằm trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới với các công ty và tập đoàn hùng mạnh, ít bị ảnh hưởng bởi sự tồn tại hay giải thể của các doanh nghiệp mới thành lập có quy mô nhỏ.
Trong khi Việt Nam, nơi có đến 96% số doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tương đương quy mô các doanh nghiệp mới thành lập, thì việc có tới gần 70% doanh nghiệp mới thành lập bị giải thể mỗi năm cho thấy sức đề kháng của giới doanh nghiệp nói chung với sức ép của nền kinh tế là khá mong manh.
Điều này được minh chứng bởi tốc độ và tỉ lệ giải thể các doanh nghiệp mới thành lập ở Việt Nam có sự giãn cách lớn, chủ yếu phụ thuộc vào tình hình sức khỏe nền kinh tế. Chẳng hạn số doanh nghiệp bị giải thể và ngưng hoạt động trong 7 tháng đầu năm 2014 là khoảng 5.400 doanh nghiệp, nhưng tính trong tháng 9 tháng đầu 2015 đã vọt lên 10.100, tức gần gấp đôi.
Giới trẻ Việt Nam quả thực có tinh thần khởi nghiệp cao, không thua kém gì người Mỹ hay người phương Tây, nhưng sự thuận lợi và được tạo điều kiện để khởi nghiệp ở Việt Nam thì vẫn còn thua kém khá nhiều so với người dân các quốc gia đó. Bởi vậy một trong những vấn đề được giới start-up Việt Nam quan tâm nhất, khi trao đổi với CEO Google Sundar Pichai, là liệu có nên đến thung lũng Silicon (Mỹ) để khởi nghiệp hay không.
Dĩ nhiên là ai cũng biết sức ép và sự cạnh tranh ở thị trường Mỹ lớn hơn ở Việt Nam rất nhiều lần, nhưng bù lại Mỹ có những điều kiện thuận lợi hơn cho việc khởi nghiệp, như về pháp lý và cơ hội tiếp cận nguồn vốn, vốn là những yếu điểm cần khắc phục ở thị trường Việt Nam.
Ở Việt Nam, những ràng buộc và trở ngại về pháp lý với việc khởi nghiệp không phải là ít, đặc biệt là khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Điều này được ngay cả những quan chức cao cấp như Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận. Chẳng hạn như chỉ 50 ngày sau khi luật Doanh nghiệp và Đầu tư được thông qua thì đã có tới hơn 13.000 doanh nghiệp mới ra đời.
Những trở ngại về pháp lý đối với việc khởi nghiệp ở Việt Nam được đánh giá là sẽ bị tác động lớn sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay AEC (cộng đồng kinh tế ASEAN) đi vào hoạt động. Khi đó, những quốc gia cởi mở về thủ tục pháp lý với việc khởi nghiệp, dễ tiếp cận nguồn vốn như Mỹ hay Singapore có thể thu hút giới start-up Việt Nam chọn họ làm nơi khởi nghiệp cho mình.
Rõ ràng, tiềm năng khởi nghiệp mà Việt Nam đang sở hữu là rất lớn và chưa thể đo đếm hết. Các đánh giá, khảo sát về tinh thần khởi nghiệp của đại học Munchen cũng chỉ ra rằng, nếu như các điều kiện về khởi nghiệp ở Việt Nam được cải thiện thì vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế sẽ còn cao hơn nữa.
Tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ là một bộ phận quan trọng, một tài sản cực kỳ quý giá của Việt Nam, nhất là trong giai đoạn toàn cầu hóa và cạnh tranh kinh tế khốc liệt như hiện nay. Điều quan trọng nhất mà Việt Nam cần làm ở thời điểm hiện tại, là tạo những điều kiện thuận lợi nhất để giải phóng tiềm năng quý giá đó ở mức độ cao nhất có thể.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.