Dòng máy bay King Air B200 mà Globaltrans Air dự định đưa về Việt Nam khai thác. (Nguồn: Platinum Aviation) |
Cụ thể, Globaltrans Air được phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại ở cả khu vực nội địa và quốc tế.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép kinh doanh hàng không chung của doanh nghiệp này.
Văn bản nêu rõ hồ sơ của Globaltrans Air đầy đủ, hợp lệ theo Nghị định 92/2016/NĐ-CP ngày 1/7 2016 của Chính phủ về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, có phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm đầy đủ các nội dung theo quy định.
Phương án kinh doanh có phân tích, đánh giá chi tiết về thị trường hàng không chung, phân tích cạnh tranh, xác định nhu cầu và dự báo phát triển, có kế hoạch khai thác và kế hoạch phát triển đội tàu bay phù hợp với nhu cầu… Do đó, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cấp lại giấy phép cho Globaltrans Air.
Thực tế Bộ Giao thông Vận tải đã cấp giấy phép kinh doanh hàng không cho Globaltrans Air vào ngày 15/4/2015. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 12, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP giấy phép kinh doanh hàng không chung sẽ bị hủy bỏ trong trường hợp hãng hàng không không bắt đầu khai thác vận tải hàng không trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép; không được cấp giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC) trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện Việt Nam mới chỉ có 3 doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung là Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco) và Công ty Hải Âu.
Công ty cổ phần Dịch vụ Globaltrans Air (GTA ) được thành lập vào tháng 7/2014, có trụ sở tại quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, với các cổ đông sáng lập là những nhà đầu tư Việt Nam, vốn điều lệ 100 tỷ đồng./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.