Toàn cảnh tọa đàm “Phát triển và thương mại hóa công nghệ ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam” |
Xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo làm điểm tựa cho các kết quả nghiên cứu khoa học
Buổi tọa đàm là diễn đàn mở để các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp thúc đẩy quá trình thương mại hóa công nghệ của Viện một cách hiệu quả, góp phần gia tăng chỉ số đổi mới sáng tạo của đất nước. Diễn giả tại tọa đàm có PGS.TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN; PGS.TS Phan Tiến Dũng, Phó trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; TS Hà Phương Thư - Trưởng Phòng Vật liệu Nano y sinh, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; Bà Nguyễn Thu Hồng - Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Cam Ranh, Trưởng Câu lạc bộ startup Khánh Hòa; Bà Nguyễn Thị Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm GoldHealth Việt Nam.
Các ý kiến tại tọa đàm đều nhấn mạnh, thương mại hóa công nghệ là vấn đề khó và phức tạp, cần có sự hợp tác của nhà khoa học, nhà nước và doanh nghiệp để xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo làm điểm tựa cho các kết quả nghiên cứu khoa học đi vào cuộc sống. Hiện, việc giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ được chú trọng tại các hội chợ trong nước và quốc tế, quảng bá trên các kênh truyền thông…
Ông Chu Hoàng Hà -Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phát biểu tại tọa đàm |
Tại tọa đàm, PGS.TS Chu Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết: Với gần 4.000 nhà nghiên cứu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam không chỉ dẫn đầu cả nước về lĩnh vực nghiên cứu cơ bản năm 2019 mà còn không ngừng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thể hiện qua sự tăng trưởng liên tục số bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích. Các Trung tâm Giám định AND hài cốt liệt sĩ, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Trung tâm An toàn thực phẩm… đã từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ. Các kết quả nghiên cứu và ứng dụng KH&CN đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp đưa vào sản xuất thực phẩm chức năng NatuzenZ, Nanocurcumin, Fuicodan…
Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã không ngừng vận hành nhiều nhóm giải pháp như Nghị quyết về việc đẩy mạnh công tác ứng dụng và triển khai công nghệ giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030; đề tài hợp tác với các bộ, ngành, địa phương; nhiệm vụ phát triển thương mại hóa sản phẩm; tổ chức các khóa tập huấn nâng cao nhận thức của các nhà khoa học về tài sản trí tuệ… Việc giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ của Viện được chú trọng tại các hội chợ trong nước và quốc tế, quảng bá trên các kênh truyền thông…
Bàn giải pháp phát triển và thương mại hóa công nghệ
Tại tòa đàm, TS. Hà Phương Thư - Trưởng Phòng Vật liệu Nano y sinh, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam – một nhà khoa học có nhiều kết quả nghiên cứu đã thương mại hóa thành công cho hay, việc thương mại hóa sản phẩm KHCN còn gặp nhiều khó khăn bởi các sản phẩm mới muốn tồn tại trên thị trường phải có sự đổi mới sáng tạo, đáp ứng đủ điều kiện tài chính. Mặc dù các nhà khoa học được tài trợ nhiều về tài chính nhưng việc đưa sản phẩm ra thị trường vẫn gặp không ít rào cản.
TS. Hà Phương Thư nhấn mạnh, mục đích cuối cùng của nghiên cứu khoa học là hướng đến cộng đồng, phục vụ cuộc sống, vì vậy cần tăng cường truyền thông để kết quả nghiên cứu, sản phẩm thương mại hóa đến với người dân. Nếu chỉ ngồi trong phòng nghiên cứu thì sản phẩm công nghệ sẽ không thể đến tay người tiêu dùng được.
Giám đốc Công ty GoldHealth Việt Nam Nguyễn Thị Vũ Thành, cho biết, trong 5 sản phẩm đã được thương mại hóa của công ty, có 3 sản phẩm hình thành từ các đề tài nghiên cứu của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, 2 sản phẩm do công ty đặt hàng Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp cần cùng nhau tìm hướng đi để cùng với người tiêu dùng đều được hưởng lợi. Thời gian tới, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cần có cơ chế để cho doanh nghiệp, nhà khoa học có thể chia sẻ, tìm kiếm đối tác dễ dàng hơn bởi trên thực tế họ đang dựa trên các mối quan hệ sẵn có.
Để đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, PGS.TS Phan Tiến Dũng, Phó trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho rằng Viện cần xây dựng sàn giao dịch công nghệ, khắc phục nhược điểm thiếu hiệu quả của một số sàn giao dịch địa phương đang hoạt động. Viện cũng cần xây dựng quy định bảo hộ bản quyền các sản phẩm công nghệ, công bố của các nhà khoa học…
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.