Người lao động làm thủ tục xuất khẩu lao động tại sân bay Tân Sơn Nhất |
"Không có tài sản thế chấp nên thôi"
Năm 2016, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch hỗ trợ đưa người lao động (NLĐ) thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, gia đình có công với cách mạng… đi làm việc ở nước ngoài nhằm tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định. Theo đó, mỗi năm TP sẽ hỗ trợ cho khoảng 240 NLĐ (mỗi quận, huyện hỗ trợ tối thiểu cho 10 NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, đến nay hầu như số NLĐ được đi nước ngoài làm việc rất ít ỏi, thậm chí có nhiều quận, huyện không có người nào.
Theo bà Lê Thị Nguyệt Trinh, Công ty cổ phần dịch vụ XKLĐ và chuyên gia Suleco, hiện nay NLĐ tại TP.HCM thường chọn thị trường lao động Nhật Bản vì mức lương khá cao, khoảng 30 triệu đồng/tháng nhưng mức phí XKLĐ đi nước này trên 100 triệu đồng (gồm chi phí học nghề, học ngoại ngữ, làm thủ tục, tiền vé máy bay, tiền thế chân...). Còn các thị trường lao động khác như Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines, Ả Rập Xê Út... thì mức phí XKLĐ thấp hơn (dưới 50 triệu đồng) và mức lương cũng thấp, không chênh lệch nhiều so với mức lương tại VN nên cũng không nhiều NLĐ chọn. |
Ông Phạm Xuân Thành, Trưởng phòng LĐ-TB-XH Q.3, cho biết Q.3 hiện còn 300 hộ nghèo và 300 hộ cận nghèo, dù quận đã tuyên truyền về việc hỗ trợ xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhưng đến nay vẫn chưa có người tham gia. Nguyên nhân do NLĐ còn ngại, bên cạnh đó muốn đi XKLĐ phải vay vốn và bỏ ra một số tiền khá lớn, nên người dân chưa mặn mà.
Ông Phùng Văn Phú, Trưởng phòng LĐ-TB-XH Q.6, cho hay nhiều hộ dân được nghe chỉ được hỗ trợ vay tín chấp tối đa 50 triệu đồng. Nếu đi các thị trường lao động có chi phí XKLĐ thấp như Đài Loan, Philippines, Macau (Trung Quốc)… thì tạm ổn. Nhưng nếu đi Nhật Bản, Hàn Quốc thì chi phí cao hơn, NLĐ phải vay thêm vài chục triệu đồng cho đủ.
Chị Lê Thị Quỳnh Như (hộ cận nghèo tại P.5, Q.6, TP.HCM) cho biết đầu năm 2017, địa phương thông báo chị được hỗ trợ vay vốn để đi làm việc nước ngoài cải thiện cuộc sống, chị rất mừng nên cả hai vợ chồng chị nhanh chóng đăng ký để làm thủ tục đi Nhật Bản. Tuy nhiên khi làm thủ tục, chị mới biết hạn mức vay tín chấp chỉ có 50 triệu đồng, trong khi chi phí đi Nhật Bản hơn 100 triệu đồng. Số tiền vượt mức muốn vay phải có tài sản thế chấp. "Nhà em chẳng có tài sản gì để thế chấp nên thôi, đành tiếp tục làm thuê kiếm sống", chị Như nói. Chị Trần Thị Ngọc Phụng (ngụ P.5, Q.6) cũng cho biết nhà chị thuộc diện khó khăn, chẳng có tài sản gì để thế chấp nên khó có cơ hội để đi XKLĐ.
Tạo cơ hội cho người nghèo
Ông Huỳnh Minh Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch, nghiệp vụ tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM, cho biết theo Nghị định 61/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm thì NLĐ được hỗ trợ vay 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài được ghi trong hợp đồng. Nhưng đối với mức vay trên 50 triệu đồng thì người vay phải có tài sản bảo đảm. "Đây là quy định nhằm để NLĐ có trách nhiệm với khoản vay và hạn chế rủi ro, dù ngân hàng có muốn cho vay thêm cũng không được", ông Sơn nói.
Trong khi đó, theo ông Trương Văn Lương, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM, đến nay toàn TP.HCM mới chỉ có khoảng 20 NLĐ thuộc chương trình đã đi XKLĐ.
Ông Lương cho biết để giải quyết thực trạng này, TP.HCM đã có chủ trương cho NLĐ nghèo, cận nghèo được tiếp cận hai nguồn vốn hỗ trợ. Đó là nguồn vốn của Quỹ xóa đói giảm nghèo và nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. Theo đó, NLĐ nếu thuộc diện nghèo, cận nghèo có thể được vay tín chấp tối đa 50 triệu đồng từ Quỹ xóa đói giảm nghèo để đi XKLĐ; nếu số tiền vay vẫn chưa đủ thì NLĐ sẽ được vay tiếp tối đa 50 triệu đồng (tín chấp) từ Quỹ quốc gia về việc làm. Hai nguồn vay này đều được UBND TP.HCM ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM thực hiện, dựa trên cơ sở nhu cầu thực tế của hộ dân và kết quả thẩm định cho vay của ngân hàng.
Như vậy, nếu được duyệt vay, tổng hai nguồn vay này là khoảng 100 triệu đồng, NLĐ đã có thể đủ chi phí làm thủ tục XKLĐ. Với việc gỡ khó nguồn vốn hỗ trợ cho người nghèo đi XKLĐ, ông Lương cho biết Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo, ngành LĐ-TB-XH TP.HCM và Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ làm việc để thống nhất cách giải quyết, hỗ trợ cho NLĐ nghèo được XKLĐ.
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết về nguyên tắc mức vay vốn đi XKLĐ từ Quỹ quốc gia về việc làm đối với hộ cận nghèo, NLĐ là thân nhân của người có công với cách mạng, theo hợp đồng tối đa là 100%. Tuy nhiên, số người có nhu cầu vay khá đông trong khi ngân sách nhà nước bổ sung hằng năm vào quỹ không dồi dào. Dựa trên nguồn quỹ bổ sung từ T.Ư, các địa phương phải tự giải quyết cân đối mức vay cho các đối tượng khác nhau như: vay XKLĐ, vay tạo việc làm trong nước, vay lập nghiệp... Tùy thuộc khả năng cân đối của các địa phương xem xét cho vay ở mức nào, nếu cho NLĐ đi XKLĐ vay ở mức cao, thì các trường hợp khác sẽ không được vay vốn ưu đãi. Với TP.HCM, khi đề ra chỉ tiêu đưa 240 người đi XKLĐ thì cũng nên cố gắng cân đối quỹ để đạt được mục tiêu. Thu Hằng |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.