Gỡ khó nguồn vật liệu thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 06/07/2023 09:05

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm chỉ đạo Ban QLDA Mỹ Thuận tăng cường phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục có liên quan để sớm có mỏ vật liệu phục vụ cho dự án.


Ngày 5/7, Tổ công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm làm tổ trưởng đã đi kiểm tra hiện trường, làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác cấp mỏ vật liệu phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.  

Vì sao vẫn thiếu vật liệu cát đắp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nghe báo cáo từ các đơn vị tại khu vực nhánh trái sông Hậu

Nhà thầu chưa tiếp cận được mỏ

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, hiện nay các tỉnh An Giang, Đồng Tháp đã chủ động chỉ đạo các sở ngành rà soát, tham mưu giới thiệu mỏ cát để thực hiện các thủ tục khai thác. Đồng thời hai tỉnh bố trí được 1,471 triệu m3 cát để cung cấp cho dự án (An Giang 1,1 triệu và Đồng Tháp 0,371 triệu m3).

Để tiếp tục đảm bảo nguồn cát cung cấp kịp thời cho dự án trong năm 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban QLDA Mỹ Thuận đề nghị UBND các tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn cát cho dự án. 

Trong khi đó, Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Long cho biết, theo quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng cát lòng sông giai đoạn vừa qua, các khu vực được cấp phép khai thác trên địa bàn tỉnh chỉ còn thân cát nhánh trái sông Hậu 7 chưa cấp phép khai thác cho doanh nghiệp nào. 

Riêng về việc cung ứng vật liệu cát cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, mới chỉ xác định được vị trí khai thác nên chưa cung ứng vật liệu cát phục vụ cho dự án.

Đối với các mỏ cát mở mới, Sở TN&MT cùng Sở GTVT, Ban QLDA Mỹ Thuận, các nhà thầu thi công dự án tổ chức nhiều cuộc họp. Đến ngày 27/6/2023, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và các nhà thầu thi công thống nhất vị trí tại mỏ Vàm Trà Ôn 3 thuộc thân cát ký hiệu NTSH7 giao cho Công ty CPXD và lắp máy Trung Nam.

Đối với vị trí Công ty CP ĐTXD và Kỹ thuật VNCN E&C, Công ty xin lập thủ tục khai thác cát, gồm 03 vị trí thuộc thân cát NTSH7 (nhánh trái sông Hậu). Đối với vị trí Công ty Cổ phần Hải Đăng, Ban QLDA Mỹ Thuận đề nghị đơn vị này có văn bản xác định vị trí cụ thể gửi lên để Ban QLDA có văn bản gửi Sở TN&MT. 

Không lặp lại những tồn tại của giai đoạn 1  

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, hiện nay, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cùng với các trục cao tốc trọng điểm đồng loạt khởi công, khiến nguồn vật liệu cung cấp cho dự án ngày một khan hiếm. Nhu cầu sử dụng tăng cao khiến việc cung ứng từ các mỏ ở địa phương không thể đáp ứng, kéo theo tiến độ dự án chậm trễ. 

Vì sao vẫn thiếu vật liệu cát đắp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm

Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ để không xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu và khắc phục những hạn chế tồn tại trong giai đoạn trước. Nhưng cho đến nay, sau 7 tháng thi công vẫn chưa có vật liệu cát để thi công đắp nền đường do các thủ tục để cấp phép mỏ cho nhà thầu mất quá nhiều thời gian. 

Trên công trường, nhà thầu tập trung thi công cầu, cống, đào đất và trải vải địa để “đợi” cát đắp gia tải. Nếu không giải quyết nhanh vấn đề vật liệu thì đến 2025 sẽ không thể hoàn thành tuyến cao tốc cho khu vực. Bên cạnh đó, các biện pháp kỹ thuật thi công cũng không thể thay đổi. Quá trình gia tải phải luôn được đảm bảo, đến thời hạn dỡ tải mới có thể thực hiện các bước tiếp theo. 

Từ đó, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm chỉ đạo Ban QLDA Mỹ Thuận tăng cường phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục có liên quan để sớm có mỏ vật liệu phục vụ cho dự án.

 Đồng Tháp sẽ cung cấp đủ theo yêu cầu

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, địa phương đã cung ứng 0,371 triệu m3 cát phục vụ cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; Còn lại 2,929 triệu m3, tỉnh dự kiến sẽ lấy từ 6 mỏ cát đã giới thiệu và nâng thêm công suất mỏ đang khai thác để phục vụ cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, địa phương bố trí 3,3 triệu m3 trong năm 2023 cho dự án. Hiện nay, UBND tỉnh đã thống nhất kế hoạch bố trí 1,1 triệu m3, còn lại 2,2 triệu m3 cát, Sở đang xin ý kiến Ban cán sự Đảng Ủy và Thường vụ Tỉnh ủy. 

Vì sao vẫn thiếu vật liệu cát đắp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - Ảnh 4.

Nhà thầu Hải Đăng kiến nghị tỉnh Vĩnh Long sớm có văn bản giới thiệu để đơn vị triển khai thăm dò, khảo sát

Trường hợp tình hình khẩn cấp không có cát để thi công dự án trong khi hai tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long đang chờ thủ tục, Sở TN&MT An Giang kiến nghị Bộ GTVT có đề xuất gửi về tỉnh để việc thực hiện được đẩy nhanh. 

Trong khi đó, tại tỉnh Vĩnh Long, Sở TN&MT tỉnh này đang hoàn thiện thủ tục để tham mưu cho UBND tỉnh thống nhất giao mỏ cát NTSH 7 (nhánh trái sông Hậu và sông Trà Ôn thuộc xã Thiện Mỹ, Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn) cho nhà thầu thi công dự án để thực hiện thủ tục mở mỏ. 

Theo đại diện các địa phương, khó khăn chung hiện nay liên quan đến các thủ tục mở mỏ mới do đó Bộ GTVT, Bộ TN&MT xem xét, hướng dẫn để áp dụng chung cho các địa phương đúng theo quy định, đặc biệt là về thủ tục đánh giá tác động môi trường đối với các mỏ thực hiện theo cơ chế đặc thù. 

Đồng thời, các địa phương kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắt trong quá trình triển khai các thủ tục mở mới. Các nhà thầu chủ động, phối hợp phối hợp với các tỉnh để sớm thực hiện các thủ tục pháp lý có liên quan theo quy định.

Ý kiến của bạn

Bình luận