Go-Viet phải đối mặt với nhiều thách thức khi phát triển tại Việt Nam

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Doanh nhân 28/09/2018 07:03

Go-Viet cũng đang đối mặt với nhiều thách thức nếu muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam ngoài việc cạnh tranh với đối thủ sừng sỏ như Grab.

 

photo1538014653373-153801465337363865805
ảnh minh họa

Chỉ một thời gian ngắn sau khi ra mắt thị trường Việt Nam, Go-Viet nhanh chóng mở rộng thị trường hoạt động để chiếm thị phần với sự hậu thuẫn về công nghệ và tài chính của Go-Jek (Indonesia).

Với hàng loạt chiêu thức hấp dẫn được tung ra để thu thút khách hàng và tài xế, thị phần của Go-Viet được nâng lên nhanh chóng. Theo con số công bố của Go-Viet, ứng dụng này đã có 1,5 triệu lượt tải đồng thời, Go-Viet cũng đã đạt 35% thị phần tại TP.HCM sau 2 tháng đi vào hoạt động chỉ sau 6 tuần ra mắt.

Giữa tháng 9, Go-Viet công bố ra mắt thị trường Hà Nội đồng thời cho biết sẽ phát triển GoCar (nền tảng gọi xe ô tô), GoFood (gọi đồ ăn) và GoPay (ví điện tử). Ngoài ra còn có dịch vụ gọi phục vụ làm đẹp tại nhà.... với tham vọng trở thành nền tảng đa dịch vụ lớn nhất tại Việt Nam.

Hiện, Go-Viet đã bắt đầu cho quá trình tuyển dụng tài xế xe 4 bánh cho dịch vụ Go-Car. Dù vậy, Go-Viet cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Trước tiên đó là các vấn đề pháp lý tại thị trường Việt Nam. Việc phát triển và tăng thị phần Go-Bike dễ dàng khi ứng dụng này sẵn sàng đổ tiền khuyến mại sốc để hút tài xế và khách hàng. Tuy thế, với Go-Car và Go-Pay lại là câu chuyện khác.

Theo tuyên bố của Go-Viet, dự kiến ứng dụng này sẽ ra dịch vụ gọi xe 4 bánh Go-Car trong 4 tháng tới. Tuy nhiên, vấn đề giấy phép của Go-Viet lại đang bị bỏ ngỏ. Đề án thí điểm vận tải hành khách bằng hợp đồng điện tử (Đề án 24) đã kết thúc sau 2 năm. Mặc dù Chính phủ đã cho phép kéo dài thời gian thí điểm cho đến khi có Nghị định mới thay thế Nghị đinh 86. Tuy nhiên, các doanh nghiệp muốn tham gia vào đề án này cũng phải đợi đến khi có Nghị định mới với các điều kiện hoạt động bị siết chặt hơn.

Đồng thời, việc mở rộng hoạt động dịch vụ của Go-Viet cũng có thể gặp khó khi nhiều địa phương hiện nay đang hạn chế hoạt động của các hãng taxi công nghệ khi không thể quản lý được các phương tiện do sự phát triển nhanh.

Trong khi đó đối với dịch vụ thanh toán điện tử Go-Pay, để được phép hoạt động, Go-Viet cần có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước hoặc hợp tác với doanh nghiệp đã được cấp phép như cách mà Grab đã thực hiện khi bắt tay với Moca.

Ngoài ra, một thách thức khác mà Go-Viet phải đối mặt chính là chất lượng dịch vụ để có thể giữ chân khách hàng và tài xế. Thị phần có thể tăng nhanh bằng cách khuyến mại nhưng duy trì lại không dễ dàng. Việc phát triển rầm rộ của Go-Viet trong thời điểm vừa qua cũng đã dẫn đến không ít phàn nàn từ cả tài xế và khách hàng trong chất lượng dịch vụ. Đây cũng là điều Go-Viet phải cải thiện để có thể giữ chân khách hàng khi không còn khuyến mại.

Ý kiến của bạn

Bình luận