Gỡ vướng chính sách để ứng dụng công nghệ và vật liệu mới vào bảo trì đường bộ

Tác giả: Khánh Lê

saosaosaosaosao
Tiêu điểm tháng 18/04/2023 14:11

Trong 10 năm qua đã có 24 công nghệ mới, vật liệu mới (CNM, VLM) được áp dụng vào hoạt động bảo trì đường bộ nhằm nâng cao hiệu quả, kéo dài tuổi thọ kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, nhà đầu tư, doanh nghiệp vẫn còn nhiều băn khoăn, ngần ngại trong việc áp dụng các CNM, VLM vì vướng cơ chế chính sách.


Gỡ vướng chính sách để ứng dụng công nghệ và vật liệu mới vào bảo trì đường bộ - Ảnh 1.

Bảo trì cầu vượt đường sắt Tam Điệp trên QL.1A

Nhiều công nghệ mới được áp dụng

Hiện nay, nhiều CNM, VLM được áp dụng trong công tác bảo trì nhằm nâng cao hiệu quả, kéo dài tuổi thọ của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo thống kê của Cục ĐBVN, trong 10 năm qua đã có 24 CNM, VLM được áp dụng vào công tác bảo trì đường bộ. Cụ thể, các CNM, VLM liên quan đến bảo vệ mái dốc (ta-luy) đường bộ nổi bật phải kể đến: lưới thép cường độ cao lắp đặt trên các mái dốc ta-luy đá phong hóa; lưới thép xoắn kép có hoặc không gia cường cáp thép dùng để gia cố ổn định bề mặt mái dốc, chống đá lở, đá rơi; công nghệ neo đất SEEE bảo vệ, phòng chống sụt trượt sâu các mái dốc (đã thí điểm tại đường dẫn cầu Bãi Cháy, QL.18, tỉnh Quảng Ninh); vật liệu NEOWEB (khung nhựa HDPE chứa đất) để gia cố mái ta-luy...

Liên quan đến an toàn đường bộ, các CNM, VLM được ứng dụng như: lan can phòng hộ con xoay (được áp dụng trên QL.6 và đèo Lò Xo); lan can tường lốp lắp đặt tại các đoạn đường cong, khu vực đèo dốc để giảm thiểu TNGT tại các vị trí có nguy cơ mất ATGT cao.

Các CNM, VLM liên quan đến bảo trì công trình cầu đã được ứng dụng thời gian qua gồm: công nghệ bê tông siêu tính năng (UHPC) được áp dụng trong sửa chữa mặt cầu Thăng Long; áp dụng vật liệu sợi carbon trong tăng cường cho kết cấu dầm chủ, mố, trụ; sử dụng thanh bar cường độ cao và bu-lông neo hóa chất kết hợp cơ học để tăng cường cầu yếu và nâng cấp cầu cũ...

Trong xây dựng và bảo trì kết cấu áo đường, nổi bật có các công nghệ như: cào bóc tái chế nguội tại chỗ giúp tận dụng vật liệu mặt đường cũ, tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, thân thiện với môi trường; công nghệ bê tông nhựa tái chế nóng; công nghệ bê tông nhựa ấm; công nghệ lớp phủ mỏng Microsurfacing trong bảo trì dự phòng mặt đường, giúp kéo dài tuổi thọ mặt đường. Bên cạnh đó, một số vật liệu mới cũng được ứng dụng như: vật liệu nhũ tương nhựa đường a xít; vật liệu phụ gia tăng cường dính bám đá nhựa trong sản xuất bê tông nhựa; phụ gia tăng cường tính năng của bê tông nhựa chống hằn lún vệt bánh xe.

Tại Hội thảo đánh giá về công nghệ tái sinh nguội tại chỗ, GS. TS. Dương Học Hải - chuyên ngành Xây dựng cầu đường, nguyên Trưởng khoa Cầu đường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đánh giá đây là công nghệ của hiện tại và tương lai. "Với công nghệ này, chúng ta không phải dùng vật hiệu mới mà tái sử dụng vật liệu cũ nhằm tránh tình trạng khai thác đá phá hoại môi trường. Bên cạnh đó, công nghệ này còn khắc phục hư hỏng, nâng cấp để tuyến đường khai thác đảm bảo ATGT trên tuyến thông suốt, độ cao mặt đường không nâng cao quá 5 cm nên không ảnh hưởng đến các công trình thoát nước, vì vậy hệ thống cầu cống chính trên tuyến được giữ nguyên hiện trạng. Việc ứng dụng công nghệ này với hệ thống máy móc hiện đại trong công tác bảo trì sẽ góp phần quan trọng để giảm chi phí và tăng cường tuổi thọ cho các tuyến đường", GS. TS. Dương Học Hải làm rõ.

Còn theo TS. Nguyễn Danh Hải, công nghệ cào bóc tái sinh nguội tại chỗ sử dụng xi măng kết hợp với nhũ tương nhựa đã được ứng dụng tại nhiều dự án cải tạo, nâng cấp đường bộ như tuyến phố Hà Khê (TP. Đà Nẵng), QL.14B (TP. Đà Nẵng), QL.1A đoạn qua thị trấn Tam Quang, tỉnh Bình Định. Qua theo dõi, phương pháp này đã thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp truyền thống như thay đổi độ cao ít, không tôn mặt đường nhiều, nhựa mịn. Bên cạnh đó, phương pháp này được đánh giá rất tiết kiệm vật liệu, rút ngắn thời gian thi công và không gây ô nhiễm môi trường; có nhiều mức độ lựa chọn tương ứng với mức độ hư hỏng của tuyến đường.

Gỡ vướng chính sách để ứng dụng công nghệ và vật liệu mới vào bảo trì đường bộ - Ảnh 2.

Ứng dụng công nghệ mới vào sửa chữa mặt cầu Thăng Long

Vẫn là câu chuyện "con gà quả trứng"

Trong một hội thảo mới đây về ứng dụng CNM, VLM vào công tác bảo trì do Cục ĐBVN tổ chức, ông Nguyễn Xuân Cường - Cục trưởng Cục ĐBVN cho biết, mặc dù đã có nhiều CNM, VLM được áp dụng nhưng vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn trong công tác bảo trì đường bộ. Việc triển khai ứng dụng CNM, VLM hiện chưa được các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn quan tâm do việc áp dụng phải mất thời gian, công sức tìm hiểu nghiên cứu, cộng thêm tâm lý còn e ngại so với những giải pháp kỹ thuật truyền thống. Do đó, các nhà đầu tư chưa mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ, thiết bị để áp dụng CNM, VLM do khả năng thu hồi vốn, khấu hao gặp khó khăn, một số dự án vẫn dang dở, chưa được ban hành tiêu chuẩn. Bên cạnh đó chưa có cơ chế hiệu quả để hỗ trợ, khuyến khích đầu tư đổi mới khoa học công nghệ và ứng dụng CNM, VLM do cần sự đầu tư lớn cho dây chuyền thiết bị, công nghệ, nhân lực...

Theo tìm hiểu, hiện nay liên quan đến công tác bảo trì có 3 luật quy định gồm Luật Giao thông đường bộ, Luật Xây dựng và Luật Tài sản công, bên cạnh đó là 3 Nghị định với 8 Thông tư có liên quan trực tiếp đến công tác bảo trì.

Ông Lê Hồng Điệp - Trưởng phòng Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông (Cục ĐBVN) cho biết, trong Nghị định số 32/2019/NĐ-CP quy định về quản lý bảo trì đường cao tốc thì hiện nay vẫn còn một số bất cập trong việc bảo trì và tổ chức giao thông. Bộ GTVT đã phân cấp phân quyền cho các địa phương, chủ thể nhà đầu tư chủ động quản lý, tổ chức giao thông và bảo trì đường cao tốc. Bên cạnh đó, cần xem xét điều chỉnh bổ sung một số loại công trình khác phục vụ cho bảo đảm ATGT đường bộ (ví dụ như xây dựng nhà trạm phục vụ cho công tác tổ chức, tuần tra, nghỉ ngơi của lực lượng làm tổ chức giao thông trên tuyến cao tốc, làm nhiệm vụ bảo đảm ATGT cho đường cao tốc đi qua miền trung, vùng núi...

Liên quan đến bất cập trong cơ chế về nhóm xây dựng, ông Điệp cho rằng đơn giá, định mức công trình và duy tu bảo dưỡng hiện nay còn có sự bất cập vì lực lượng sửa chữa áp dụng định mức nhân công của xây dựng, còn bên duy tu thì áp dụng đơn giá của UBND các tỉnh ban hành. Tuy nhiên, hiện nay một số tỉnh ban hành lại thiếu mất phụ cấp, ví dụ như phụ cấp lưu động, phụ cấp không ổn định... Trong công tác duy tu bảo dưỡng có nhiều hoạt động độc hại nhưng người lao động chưa được hưởng như khơi bùn, cống ở hầm ngầm, bên cạnh đó cơ chế xếp rọ đá, hót sụt trượt rất thấp.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới vào công tác bảo trì là hướng đi đúng đắn nhưng chúng ta áp dụng đơn giá định mức không theo kịp với thực tế, do đó sẽ rất vướng khi lập dự toán, chi phí và lại rơi vào tình trạng khó áp dụng CNM, VLM, phương pháp bảo trì mới, đó thật sự vẫn là một vòng luẩn quẩn, chưa có lối ra.