Gọi điện thoại 'xưng' người của Sở GTVT, Cục đường bộ yêu cầu nộp phạt

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Bạn đọc 28/06/2021 06:00

Gần đây, Tạp chí GTVT liên tục nhận được phản ánh của người dân về các cuộc gọi đáng ngờ từ số máy+84522490512 thông báo vi phạm và yêu cầu nộp phạt.


Ông Trương Thế N. (ngụ ở Hoàng Liệt, Hoàng Mai - Hà Nội), cho biết: "Chiều 25/6, tôi có nhận được cuộc gọi từ số điện thoại từ đầu số +84522490512 với chiêu trò thông báo vi phạm giao thông mà chưa nộp phạt. Cuộc điện thoại có thiết kế giống như tổng đài tự động, hướng dẫn bạn bấm phím 9 để gặp tổng đài viên".

"Sau khi làm theo hướng dẫn, ở đầu dây bên kia, một giọng nữ xưng là người của cục quản lý đường bộ nghe máy. Thấy tôi hỏi vặn vẹo vài câu thì người này lái sang chuyện tôi gọi nhầm máy", ông N cho biết thêm.

Cũng theo ông N, trước đó khoảng 2 tuần, một số máy lạ gọi điện thông báo cho tôi vi phạm giao thông (bị phạt nguội) phải nộp tiền phạt 4 triệu đồng. "Người bên số lạ này xưng là cán bộ Sở GTVT yêu cầu tôi phải chuyển khoản cho họ và bấm phím số 9 để được hướng dẫn. Đối tượng còn thông báo, nếu tôi không chuyển tiền nộp phạt thì phương tiện sẽ bị từ chối đăng kiểm”, ông N kể.

Trước đó, Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, thời gian gần đây, đơn vị nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc có các số điện thoại lạ (+84908359020, +39926275780, +84777039488, +22904067293, +0871229149, +22941366428 …) tự xưng là Sở GTVT Hà Nội thông báo đến người nghe điện thoại về việc họ có biên lai xử phạt do vi phạm giao thông, đề nghị người nghe cung cấp thông tin cá nhân (chứng minh nhân dân, địa chỉ…) và chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do các số máy lạ này cung cấp để nộp phạt.

Sở GTVT Hà Nội khẳng định các số điện thoại trên và người gọi là mạo danh. Do đó, Sở thông báo và khuyến cáo người dân, căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, theo chức năng, thẩm quyền được pháp luật quy định, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội thực hiện việc kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Screenshot_20210625-153706_Phone

Số điện thoại giả mạo người của cục quản lý đường bộ để thông báo vi phạm

Cá nhân, tổ chức vi phạm nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính và phải nộp phạt tại Kho bạc hoặc các điểm thu nộp phạt do Kho bạc Nhà nước ủy thác (ngân hàng). Hiện tại, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội chưa thực hiện việc thu nộp tiền phạt vi phạm hành chính trực tuyến.

Do vậy, Sở GTVT đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân để kẻ xấu lợi dụng, đồng thời người dân có thể phản ánh với Công an địa phương về hành vi lừa đảo trên.

Theo các quy định hiện hành, tất cả các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện thông qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, đều được lực lượng Cảnh sát giao thông gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm đề nghị tới đơn vị phát hiện vi phạm để xử lý (hay còn gọi là phạt nguội).

Cùng với đó, chủ phương tiện có thể được công an xã, phường, thị trấn mời tới trụ sở để tiếp nhận thông báo của Cảnh sát giao thông; hoặc khi đi đăng kiểm phương tiện sẽ được cơ quan đăng kiểm thông tin về trường hợp vi phạm và đề nghị tới đơn vị Cảnh sát giao thông phát hiện vi phạm để xử lý.

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, khi nhận được giấy thông báo vi phạm của cơ quan chức năng, đến ngày hẹn, chủ xe hoặc người điều khiển mang đầy đủ giấy tờ cần thiết lên trụ sở đơn vị Cảnh sát giao thông ra thông báo để làm việc.

5_

Nhiều đối tượng lợi dụng “phạt nguội” để lừa đảo - Ảnh: Zingnews.vn

Cục Cảnh sát giao thông, các đơn vị Cảnh sát giao thông không gọi điện thoại, nhắn tin thông báo vi phạm trật tự an toàn giao thông, không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào.

Trường hợp quá thời hạn hẹn đến làm việc mà chủ phương tiện hoặc người điều khiển không đến làm việc, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ gửi thông báo số xe vi phạm đến Cục Đăng kiểm Việt Nam. Khi xe đến thời hạn đăng kiểm, chủ phương tiện buộc phải thực hiện việc nộp phạt theo quy định mới tiến hành đăng kiểm.

Chuyên gia pháp lý Diệp Năng Bình cho rằng, một số cá nhân đánh vào tâm lý lo sợ khi vi phạm giao thông của người dân để lợi dụng trục lợi. Do vậy người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh vì lừa đảo. Mặt khác, cơ quan công an cần kịp thời vào cuộc, bởi có những người chưa rành về quy định pháp luật sẽ dễ dàng bị lừa.

Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè, hoặc cơ quan công an để được tư vấn.

Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất, hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên chuyên mục “Hướng dẫn tố giác tội phạm” của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (http://bocongan.gov.vn hoặc http://mps.gov.vn) để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Ý kiến của bạn

Bình luận