GS Oxford mê mẩn cách người Bhutan dạy toán cho học sinh

12/04/2017 09:04

Marcus du Sautoy, nhà toán học ĐH Oxford đã có chuyến thăm tại vương quốc trên núi, nơi thành công trong việc tạo hứng thú để trẻ em yêu toán học.


20170408204246-1
Học sinh trường Drugyel

Dưới đây là những chia sẻ của ông.

Mọi quốc gia trên thế giới đang nỗ lực giải quyết câu hỏi hóc búa nhất về toán học. Không phải giả thuyết của Riemann hay phương trình Navier-Stokes. Đó là thách thức trong việc làm thế nào để trẻ đam mê môn toán.

Một quốc gia đang áp dụng cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết thách thức trên là vương quốc nhỏ bé Bhutan, nằm khuất ở đầu dãy núi Himalaya. Bhutan đang cố gắng tìm cách để những đứa trẻ thích thú hơn trong các bài học toán. Lấy cảm hứng từ chương trình giảng dạy của Ấn Độ là ghi nhớ các quy tắc và học thuộc lòng, phương thức này lý giải giúp học sinh biết và hiểu quy tắc đó hoạt động như thế nào.

Theo lời mời của Dự án giảng dạy ở Bhutan cùng với sự hỗ trợ của Ủy ban cao cấp Anh tại Ấn Độ, tôi đã tham gia một chuỗi hội thảo để giúp giáo viên chuyển sang chương trình giảng dạy mới. Đứng trước hội trường với rất đông giáo viên mặc trang phục truyền thống, tôi tự hỏi liệu kinh nghiệm giảng dạy của mình tại Đại học Oxford có đủ sức lan tỏa?

Để xóa tan bầu không khí căng thẳng, tôi bắt đầu bằng những câu chuyện kể về con số yêu thích của mình: Những số nguyên tố. Xét cho cùng, 17 là số không thể chia được ở Bhutan.

"Có thể giúp tôi hiểu được tầm quan trọng của con số 108 trong Phật giáo?" - Kesang, một giáo viên từ Thung lũng Punakha hỏi tôi khi chúng tôi đang trong bữa ăn nhẹ vào buổi sáng. 

Không bao giờ lẩn tránh một câu hỏi khó, tôi nói theo suy nghĩ đầu tiên của mình là nên phân tích số đó thành các thừa số nguyên tố xem nó được thể hiện như thế nào: 108 = 2x2x3x3x3.

Ngay sau đó, chúng tôi nhận ra điều này có thể lý giải một phần về ý nghĩa của con số 108 trong Phật giáo. 

Kesang giải thích với tôi rằng các Phật tử tin rằng con người có sáu giác quan: năm giác quan phía Tây cùng với giác quan thứ sáu là nhận thức. Những giác quan này có thể được thể hiện theo ba cách: tốt, xấu hoặc trung bình. Chúng cũng có thể được thể hiện bên trong hoặc bên ngoài cơ thể. Cuối cùng là chúng có thể ở trong quá khứ, hiện tại hoặc tương lai. Điều này có thể mang tới (2x3) x3x2x3 = 108 loại giác quan khác nhau.

Khi bắt đầu khám phá thêm các con số, chúng tôi nhận ra nhiều sự kết nối với toán học hơn.

Tôi lái xe qua đường cao tốc ở Dochula để tới thung lũng Punakha và đã dừng lại để chụp ảnh các tháp (đền thờ Phật giáo hình vòm). 

"Anh có biết về 108 tháp chứa hài cốt các vị sư đó không?", Chime - một thầy giáo đến từ trung học Punakha hỏi.

Chúng tôi bắt đầu suy nghĩ về việc các tháp được sắp xếp như thế nào. Nếu xem chúng là 108 khối hình thì tổng thế khá hoàn mĩ. Sắp xếp theo bố cục 3x3, trong mỗi hình vuông đặt 12 tháp sắp xếp dưới dạng 3 x 4 sẽ thỏa mãn 108 tháp.

Ý tưởng kết nối toán học này là một chủ đề quan trọng trong chương trình giảng dạy mới. 

Các sách giáo khoa được phong phú thêm bởi những hình toán học nhằm mục đích tác động nhanh vào trí tưởng tượng của học sinh. 

Ví dụ, chương trình giảng dạy cho học sinh Bhutan đưa ra ý tưởng về những phân dạng (thể hiện mẫu của mọi vật trên mọi quy mô) và tô pô (giải thích theo cấu trúc hình học). 

Đây là sự thú vị của toán học giúp truyền cảm hứng cho học sinh học công thức, khiến chúng có thể nắm vững và thích thú với những khái niệm khó hơn.

Jigme, giáo viên của Học viện Hoàng gia, một trường học gần Paro do Quốc vương Bhutan thành lập, đã giải thích làm thế nào để học sinh hiểu được công thức tính diện tích hình tròn bằng cách buộc chúng cắt hình tròn thành hình tam giác. 

20170408204041-3
Tác giả và Thủ tướng Tshering Tobgay nói chuyện về toán học

Nhờ việc sắp xếp lại hình tam giác thành một hình chữ nhật, học sinh có thể hiểu tại sao diện tích hình tròn là πr2. Bằng cách này, học sinh hiểu được tại sao lại có công thức đó chứ không phải học nó như một quy luật. Vị giáo viên này đã nói với tôi: “Chúng tôi nhận ra 80% sự chán ghét trở thành 95% niềm vui trong toán học với cách tiếp cận mới này”.

Rinchen, người đang được đào tạo để trở thành giáo viên dạy toán ở Paro College of Education đã giải thích ý tưởng kết nối này phản ảnh sâu sắc một trong những đặc điểm quan trọng của văn hoá Phật giáo Bhutan. “Phật giáo dạy sự kết nối cao với bản chất vũ trụ. Không có gì được xem xét theo cách riêng biệt. Điều quan trọng là xem toán học kết nối như thế nào với những thứ khác ngoài lớp học”.

20170408204246-2
Giáo viên Toán vùng Thimpu đưa lý thuyết vào thực tiễn

Đó là một triết lý đang thiếu sót trầm trọng trong hầu hết các hệ thống giáo dục. Ở đó, một học sinh học toán, âm nhạc đến lịch sử, nhưng lại không bao giờ hiểu được các mối liên hệ giữa các chủ đề này với nhau như thế nào.

Tuy nhiên, Thủ tướng Tshering Tobgay lại bày tỏ mối lo lắng rằng chương trình giảng dạy có thể không cung cấp những điều cơ bản mà học sinh cần. “Việc dạy học sinh hiểu toán học hoạt động như thế nào là điều rất tốt. Nhưng chúng cũng cần phải biết về bảng nhân”.

Các giáo viên tôi đã kể trên đều công nhận rằng tiềm năng mới thú vị của chương trình này, nhưng cần phải cân bằng với việc đảm bảo học sinh học những điều cơ bản. Như Sonam, một giáo viên của trường trung học Drugyel đã nói: “Một nhạc sĩ vẫn phải dành thời gian để học về quy mô cũng như chơi nhạc Zhungdra (âm nhạc dân gian truyền thống của Bhutan)”.

Thật thú vị khi nhìn thấy Bhutan đang nắm bắt sáng kiến đảm bảo học sinh thích thú với môn toán thay vì chán ghét. Karma, một giáo viên toán học từ Thimphu, thủ đô của Bhutan nói: “Chúng ta đang quá chú trọng vào việc học các quy tắc toán. Học sinh có thể biết cách áp dụng các quy tắc ở mức độ rất cao nhưng việc học tập bằng cách thuộc lòng này không làm học sinh thích thú”.

Khi đến thăm Bhutan, tôi nhận thấy rõ sự chú trọng vào vai trò giáo dục trong việc định hình tương lai của đất nước của họ. 

Trong một cuộc phỏng vấn riêng với vua Bhutan, ông nói với tôi rằng ông muốn người dân của mình thông thạo ba thứ tiếng: thứ nhất là Dzongkha - ngôn ngữ quốc gia của Bhutan, để họ luôn luôn được kết nối với văn hoá độc đáo của họ; thứ hai là tiếng Anh vì điều này cho phép họ kết nối và giao tiếp với thế giới; thứ ba là ngôn ngữ toán học vì đây là ngôn ngữ cho phép họ điều hướng vũ trụ và lên kế hoạch cho một tương lai không chắc chắn.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận