GTVT là xương sống của chiến dịch Điện Biên Phủ
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, nhiệm vụ mở đường, sửa đường để cung cấp và vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược thuốc men ra mặt trận là nhiệm vụ mang tính xương sống của cách mạng, có vai trò hết sức quan trọng, góp phần quyết định đến thắng lợi chung của toàn chiến dịch.
Mặt trận Điện Biên Phủ là thung lũng lòng chảo, được bao bọc bởi những dãy núi cao và rừng rậm. Hậu phương của ta lại cách xa, từ Yên Bái lên dài 400 km, từ Thanh Hóa - Nghệ Tĩnh cũng phải 500 đến 600km và cách chiến khu Việt Bắc tới 700km. Đường cơ giới lên Tây Bắc độc nhất có đường 41, chạy từ Hòa Bình qua Mộc Châu, Sơn La, đến Tuần Giáo rất khó đi. Con đường này đi giữa núi rừng hiểm trở, vượt qua nhiều núi cao, suối sâu, lòng đường hẹp, cầu yếu, nhiều đoạn bị sụt lở. Từ Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ hơn 80km, không có đường ô tô, chỉ có đường cho người đi bộ và ngựa thồ, nhưng do ít đi lại nên có đoạn mất cả vệt đường. Đường số 13 từ Yên Bái qua bến phà Tạ Khoang sang Sơn La gặp đường 41 ở Cò Nòi cũng chỉ có ngựa thồ và người đi bộ đi được.
Hàng triệu ngày công đã được huy động để mở và sửa hàng trăm nghìn km đường bộ khai thông các tuyến đường từ hậu phương lên chiến trường Tây Bắc. Để đảm bảo cơ động cho xe cơ giới, đối phó với sự đánh phá ác liệt của địch, ở một số quãng đường xung yếu, một số trọng điểm, ta phải mở thêm đường vòng, đường tránh để đảm bảo cho việc vận chuyển thông suốt, tránh được thế độc đạo khi bị địch tập trung bắn phá ác liệt. Ngoài ra, ta còn mở được nhiều tuyến cho xe trâu, xe đạp thồ, ngựa thồ và phá thác, khai thông đường thủy, để vận chuyển bằng thuyền, mảng.
Trên khắp các nẻo đường tiến lên Điện Biên Phủ, đâu đâu cũng có những công trường thủ công để mở đường, sửa đường, làm cầu mà thành phần tham gia, ngoài các chiến sĩ công binh ra, chủ yếu là thanh niên xung phong, dân công đến từ các vùng miền trong cả nước, miền xuôi, miền ngược, vùng tự do, vùng hậu địch, vùng mới giải phóng.
Đường 13 Yên Bái - Cò Nòi thường xuyên có trên 20.000 dân công, khối lượng đất đá đào đắp lên tới 870.000m3. Đường xuyên Liên khu III, Liên khu IV lên Điện Biên Phủ với trên 26.000 dân công thường xuyên sửa chữa và mở rộng con đường từ Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ, bộ đội và dân công đã vận chuyển từ các lòng suối lên mặt đường 18.000m3 đá, chặt và vận chuyển từ rừng xa về 92.000m3 gỗ để chống lầy và bắc 90 cầu lớn nhỏ qua suối (theo số liệu của Tổng cục hậu cần).
Với quyết tâm cao, chỉ trong một thời gian ngắn, quân và dân ta đã hoàn thành sửa chữa và mở rộng các con đường số 41, đường số 13 và đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ tạo nên những trục chính của tuyến vận tải phục vụ chiến dịch, bảo đảm cho xe vận tải và xe kéo pháo vào tới vùng phụ cận Điện Biên Phủ.
Để ngăn chặn bước tiến của quân ta, trọng tâm là nguồn tiếp tế vận chuyển lương thực, thực phẩm, thực dân Pháp đã tập trung ném bom đánh phá GTVTcủa Việt Minh. Các tuyến đường có vị trí xung yếu như cầu, phà, đèo, dốc ngoài việc ném bom, địch còn sử dụng cả bom nổ chậm, bom bươm bướm, bom lù để ngăn chặn bộ đội ta hành quân và vận chuyển lương thực, thực phẩm vào mặt trận.
Mở đường, sửa đường cho việc đi lại, vận chuyển thuận lợi, đây mới chỉ là bước cơ bản đầu tiên. Việc giữ cho thông đường, thông xe trong mọi tình huống để nhanh chóng kịp thời đưa pháo ra tiền tuyến, đưa lương thực, đạn dược lên phía trước, thì mới thực sự phát huy được tác dụng của đường xá. Chính vì vậy, dưới làn mưa bom đạn của địch, lực lượng dân công, thanh niên xung phong luôn kiên trì bám trụ mặt đường đảm bảo cho giao thông thông suốt.
Khi chiến dịch bước vào đợt tấn công thứ hai, trời mưa nhiều làm cho đường xá đi lại gặp nhiều khó khăn. Với địa hình dốc cao, nhiều suối, mưa nhiều và lâu, đường bị lầy lún, đất sụt, đá lăn, cây đổ, lấp mặt đường làm cho giao thông ngừng tắc. Quân và dân ta đã khắc phục mọi khó khăn, nạo vét bùn đất, san lấp mặt đường, dùng gỗ, đã kè chắn không cho đường sạt. Dù cho địch có dải bom phá đường, trời có mưa lầy lội đi chăng nữa cũng không cản được ý chí và quyết tâm của quân và dân ta trong việc mở đường, giữ đường. Bảo đảm cho mạch máu giao thông thông suốt, tiếp tế cho mặt trận đày đủ kịp thời.
Việc mở đường, sửa đường và giữ đường của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ đều đã vượt ra ngoài sự tính toán của quân địch. Làm cho quân địch bị bất ngờ về khả năng chống đỡ và chịu đựng khó khăn gian khổ của quân và dân ta. Đó cũng chính là lý do vì sao quân Pháp thua trận tại Điện Biên phủ.
GTVT Điện Biên kiên cường trong “cuộc chiến” phát triển
Đã 63 năm trôi qua kể từ ngày chiến thắng Điện Biên (7/5/1954), những con đường – chứng nhân lịch sử vẫn còn đó, hệ hống giao thông mới đang mang lại cho tỉnh miền núi Tây Bắc lịch sử này những cơ hội phát triển.
Theo thống kê của Sở GTVT Điện Biên, hiện trạng giao thông toàn tỉnh hiện có 8.188,7km đường giao thông, gồm: đường quốc lộ có 6 tuyến với tổng chiều dài 751km; đường tỉnh có 20 tuyến với tổng chiều dài 607,8km. Ngoài ra, mạng lưới đường đô thị có 204,7km; đường tuần tra biên giới có 4 tuyến với tổng chiều dài 74,2Km; đường GTNT có 6.379,6km; đường chuyên dùng có 174,1km.
Tuy nhiên, do đặc thù địa hình miền núi chia cắt phức tạp, cùng với tập quán cư trú làng bản rải rác của 19 đồng bào các dân tộc nên mạng lưới giao thông phân bố không đều. Toàn tỉnh hiện có 130 xã, phường, thị trấn, trong đó có 116 xã, 9 phường và 5 thị trấn, ô tô đã đến được 130/130 xã, phường, thị trấn; có 116/130 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được các mùa trong năm tỷ lệ 89,2%); còn 14/130 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã, nhưng mùa mưa ô tô không đi đường (tỷ lệ 10,8%).
Từ những số liệu trên cho thấy mạng lưới giao thông tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng tốc độ còn chậm chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển kinh tế từng vùng miền. Tỷ lệ các xã và các thôn bản đã có đường ô tô và đường xe máy chỉ đi lại được mùa khô còn chiếm tỷ lệ khá cao, do vậy đã làm hạn chế đến việc lưu thông hàng hóa, xóa đói giảm nghèo và ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng an ninh của các huyện thị và khu vực.
Hầu hết các tuyến đường GTNT chưa được vào cấp kỹ thuật, đường nhỏ hẹp, nhiều chỉ tiêu kỹ thuật phải châm chước như bán kính đường cong, độ dốc dọc, tầm nhìn, mặt đường nhựa nhiều tuyến do đầu tư đã lâu nên đã xuống cấp. Một số vị trí qua suối lớn do chưa có điều kiện xây dựng cầu mới chỉ xây dựng ngầm tạm, đường tràn, phần lớn các tuyến đường đều thiếu hệ thống rãnh dọc, cống thoát nước ngang. Vì vậy khi mưa lũ đến thường xuyên gây xói lở, cắt đứt nền đường, gây ách tắc giao thông.
Mặt khác việc duy tu bảo dưỡng đường GTNT mới chỉ thực hiện ở mức độ đơn giản, kinh phí hạn hẹp (kinh phí tỉnh, địa phương và huy động đóng góp ngày công lao động của nhân dân) chưa đáp ứng nhu cầu kinh phí cần thiết để thực hiện duy tu bảo dưỡng, bảo trì, vì thế đường GTNT nhanh xuống cấp, hành lang an toàn giao thông chưa được thiết lập và bảo vệ theo quy định.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Đình Giang - Giám đốc Sở GTVT Điện Biên bộc bạch, dù là một tỉnh miền núi nghèo khó, nhưng trong những năm qua, được sự quan tâm, giúp đỡ của T.Ư cũng như những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cơ sở hạ tầng giao thông của Điện Biên hôm nay đã có nhiều thay đổi, Điện Biên hôm nay đã mang một diện mạo mới, khang trang hơn, thuận tiện hơn, đường đến với Điện Biên không còn “xa tắp” nữa.
“Tuy nhiên, vẫn còn muôn vàn khó khăn trong việc thu hút đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống GTVT tại Điện Biên. Bộ mặt GTVT của tỉnh cần có bước đột phá thực sự, và theo thực tế hiện nay thì yếu tố mang tính đột phá nhất là phát triển lĩnh vực hàng không, tận dụng điều kiện thuận lợi có sẵn, đáp ứng được nhu cầu thực tế trước mắt. Đó là một giải pháp mang tính chiến lược, có hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội rất lớn cho tỉnh và cần được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị”, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Đình Gia nhìn nhận.
Để tiếp nối và phát huy không khí hào hùng của những ngày tháng mở đường lên Điện Biên Phủ năm xưa, cũng như tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế trước mắt, đặc biệt là tìm giải pháp phát triển tương xứng với tiềm năng, hệ thống GTVT của tỉnh cần được Bộ GTVT, Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, Tổng cục ĐBVN quan tâm, xem xét ưu tiên bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp các tuyến đường quốc lộ như: QL.279B, QL.12, QL.4H và tuyến QL.6.
Đồng thời, bố trí kinh phí để đầu tư kiên cố hóa mặt đường đến trung tâm các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong giai đoạn 2017 – 2020, mỗi năm bố trí khoảng 45 tỷ đồng làm cơ sở thực hiện; quan tâm bố trí kinh phí thực hiện sửa chữa đột xuất trên các tuyến quốc lộ ngay khi được phê duyệt làm cơ sở tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị thực hiện.
(Bài viết có sử dụng tư liệu của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ)
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.