Gương sáng còn mãi với thời gian

Tác giả: Minh Lê

saosaosaosaosao
Xã hội 26/07/2016 04:27

Khi đất nước lâm nguy, những chàng trai, cô gái tuổi vừa đôi mươi sẵn sàng lên đường làm công tác hậu cần, giao liên, góp phần công sức nhỏ bé của mình trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, thống nhất nước nhà. Khi hòa bình lập lại, họ trở về với cuộc sống đời thường và luôn giữ vững phẩm chất tươi sáng của thanh niên xung phong (TNXP), trở thành những tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo.

ong Hung
Cựu TNXP Hoàng Mạnh Hùng (người đội mũ) bàn giao nhà bia cho xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị quản lý.

Xây dựng kinh tế quê hương

Về phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa, nhắc đến ông Hoàng Mạnh Hùng thì ai cũng biết. Ông nức tiếng trong vùng bởi là một cựu TNXP năng nổ, hoạt bát, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn cố gắng tham gia mọi công tác xã hội ở địa phương.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hùng hồi tưởng lại năm tháng chiến tranh khốc liệt: “Năm 1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước sang giai đoạn ác liệt, địch tăng cường đánh phá các tuyến đường chiến lược của ta, tôi đã viết đơn tình nguyện gia nhập đội TNXP chống Mỹ cứu nước. Sau khi hành quân vào tuyến lửa Trường Sơn, đơn vị của tôi được đổi tên thành N237 - Ban Xây dựng (XD) 67 Trường Sơn, đảm nhiệm cung đường 16A từ Km số 0 là ngã tư Thạch Bàn (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) qua dốc Khỉ, ngã ba Dân Chủ rồi Chà Lỳ, Sê Păng Hiêng với chiều dài 64km có nhiệm vụ bảo đảm GTVT, vận chuyển hàng hóa, vận chuyển thương binh… Là Tiểu đội trưởng, anh còn được giao thêm nhiệm vụ làm giáo viên dạy văn hóa trong đơn vị.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông Hùng được giao phụ trách công tác chi tồn và bàn giao cung đường cho Ban XD 67. Trở về địa phương, ông chuyển công tác về Công ty Bách hóa Thanh Hóa, năm 1974 được cơ quan cử đi học tại Trường Đại học Xây dựng. Sau khi tốt nghiệp, lại một lần nữa ông khoác ba lô lên đường bảo vệ biên giới phía Bắc, được giao nhiệm vụ trợ lý hậu cần Trung đoàn 816, Đặc khu Quảng Ninh. Năm 1982, ông Hùng xuất ngũ trở về cơ quan cũ và nghỉ hưu năm 1992.

Tham gia công tác ở địa phương, ông là đại biểu HĐND khóa 1994 - 1999 của phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa. Năm 1996, ông tham gia vận động thành lập Ban Liên lạc C2371 - N237 TNXP, Ban XD 67 Trường Sơn. Năm 1997, ông tham gia Ban đại diện cựu TNXP TP. Thanh Hóa và được bầu làm Trưởng ban đại diện cựu TNXP phường Nam Ngạn.

Mặc dù đảm đương nhiều chức vụ, công việc bận rộn nhưng ông Hùng luôn ấp ủ giấc mộng thành lập một công ty, góp phần xây dựng kinh tế địa phương và tạo việc làm cho con em cựu chiến binh trong vùng.

Với khao khát đó, năm 1998, ông quyết tâm thành lập Công ty Phát triển việc làm 15/7 Trường Sơn. Khi mới thành lập, Công ty gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, nhưng bằng lòng quả cảm và phẩm chất kiên trì, bền bỉ của người TNXP, ông đã vượt qua tất cả để xây dựng Công ty ngày càng phát triển, giúp cho hàng chục lao động địa phương có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Đến năm 2005, khi Công ty đã phát triển, quy mô rộng lớn hơn, ông Hùng đổi tên Công ty thành Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển việc làm Trường Sơn Thanh Hóa. Ông dành một phần lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh để tri ân nghĩa tình đồng đội.

Không chỉ vậy, ông Hùng còn tổ chức và thành lập Trung tâm Du lịch và Giáo dục truyền thống Trường Sơn để tạo mọi điều kiện cho các cựu TNXP, cựu chiến sĩ Trường Sơn, những người đã có thời gian công tác, chiến đấu trên các tuyến đường Trường Sơn trong những năm chống Mỹ, được trở lại thăm chính nơi bom rơi, đạn nổ một thời và góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Tâm sự với chúng tôi, ông Hùng cho biết: “Thời chiến tranh mình đã từng sống, chiến đấu trên những con đường Trường Sơn. Nay đất nước thanh bình, mình muốn chính nơi đây trở thành địa chỉ du lịch và là điểm đến không những của các cựu chiến sĩ Trường Sơn mà là cho tất cả mọi người, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”.

Góp công cho đất nước đổi mới

Những TNXP dù ở giai đoạn nào, thời điểm nào, khó khăn tới đâu, họ vẫn luôn tỏa sáng. Không chỉ xây dựng kinh tế địa phương, kết nối xây dựng cộng đồng, giáo dục thế hệ trẻ thấu hiểu ý nghĩa của sự hy sinh, mất mát của thế hệ cha ông, những cựu TNXP không ngừng cống hiến cho tổ quốc.

Điển hình như trong phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, ông Trịnh Viết Ca - cựu TNXP là một trong những tấm gương sáng trong phong trào XDNTM. Thấu hiểu tầm quan trọng trong cuộc cách mạng xây dựng cơ sở hạ tầng, XDNTM tươi đẹp, tiện ích hơn, ông Ca đã vận động gia đình mình tình nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất để xây dựng các công trình phúc lợi.

Nói về ông Ca, Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp cho biết: “Gia đình ông Trịnh Viết Ca là một trong những gia đình tiêu biểu đã hiến từ 1.000 m2 đất cho chương trình XDNTM. Việc làm của gia đình ông đã góp phần khích lệ nhiều hộ dân noi theo. Hiện nay, hơn trăm hộ dân đã tham gia hiến đất phục vụ các công trình XDNTM, nhờ đó mà việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn, “đổi đất lấy công trình” diễn ra suôn sẻ và đạt được nhiều thành công. Các công trình phúc lợi công cộng trong xã được xây dựng khang trang hơn, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc”.

Không dừng lại ở đó, gia đình cựu TNXP Trịnh Viết Ca còn nỗ lực vươn lên khắc phục khó khăn để xóa đói giảm nghèo.

Ngày đó, đất nước có chiến tranh, ông tình nguyện tham gia lực lượng TNXP ngay từ nhiệm kỳ I năm 1965. Trong những năm tháng khốc liệt, ông cùng đồng đội bám trụ trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, bảo đảm giao thông thông suốt trên những trọng điểm máy bay Mỹ đánh phá vô cùng ác liệt.

Năm 1967, ông lại làm đơn tình nguyện tham gia bộ đội chủ lực và cùng đồng đội chiến đấu dũng cảm trên mặt trận Khe Sanh, sau đó phục vụ trong quân đội cho đến năm 1987 mới xin xuất ngũ về quê sinh sống.

Khi trở về quê hương, gia sản của ông chỉ là 2 sào đất khô cằn, hoàn cảnh gia đình cũng vô cùng khó khăn, chạy ăn từng bữa. Vậy là, ông xắn tay vào làm kinh tế, sau bao năm vất vả ông đã xây dựng được một cơ ngơi khá giả, nuôi các con ăn học tới nơi tới chốn.

Từ những nỗ lực không ngừng đó, ông Ca đã được nhiều các cơ quan, ban, ngành tặng giấy khen, là tấm gương sáng cho các thế sau học tập, noi theo.

Ý kiến của bạn

Bình luận