Hàng ăn, quán café lấn chiếm vỉa hè lòng đường phố Thái Phiên. Ảnh: Vũ Cúc |
Tràn lan vi phạm
Đã từ lâu, mỗi khi nhắc đến ngõ Văn Chương, điều đọng lại trong trí nhớ của nhiều người tham gia giao thông là vấn nạn chợ “cóc” họp tràn lan, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây UTGT. Trong hơn 2 tháng vừa qua, dưới sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, vấn nạn trên dù vẫn chưa được xử lý triệt để, nhưng cơ bản đã từng bước đi vào nền nếp. Thế nhưng, vào 2 ngày cuối tuần, khi trụ sở UBND phường Văn Chương “cửa đóng, then cài” những vi phạm trên lại tái diễn. Tại đây, các hộ kinh doanh thản nhiên bày bán hàng hóa ngay dưới lòng đường. Thậm chí, đoạn vỉa hè qua trụ sở UBND phường Văn Chương cũng bị tận dụng triệt để làm nơi để xe của các tiểu thương.
Tương tự, theo ghi nhận của chúng tôi trong sáng ngày 14/5, tại một số tuyến đường như Trích Sài (quận Tây Hồ), phố Vĩnh Phúc (quận Ba Đình), phố Yên Bái, Thịnh Yên, Chùa Vua, Tô Hiến Thành, Thái Phiên (quận Hai Bà Trưng), Phan Văn Trường (Cầu Giấy)… tình trạng tái lấn chiếm lòng đường vỉa hè làm nơi kinh doanh diễn ra khá phổ biến. Trong đó, khu vực có vi phạm phổ biến nhất là đoạn qua chợ Hôm, chợ Trời, và các tuyến đường tập trung nhiều quán ăn, quán café như Trần Xuân Soạn, Triệu Việt Vương… Bà Ngô Thị Lan, phố Thái Phiên cho biết, những ngày cuối tuần, khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao thì cũng là thời điểm tái vi phạm diễn ra rõ nhất. “Mặc dù lực lượng Công an phường vẫn thường xuyên nhắc nhở, nhưng chỉ cần các lực lượng chức năng rút đi, đâu lại vào đấy” – bà Lan cho hay.
Hoạt động kinh doanh của quán café Trung Nguyên trên phố Trích Sài chiếm dụng hết vỉa hè. Ảnh: Vân Trịnh |
Xử lý nghiêm tránh nhờn luật
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Tiến Hưng – Chủ tịch UBND phường Văn Chương thừa nhận những phản ánh trên là thực trạng đã và đang diễn ra vào những ngày nghỉ, đặc biệt trong ngày Chủ nhật. Theo lý giải của ông Vũ Tiến Hưng, mặc dù cả UBND và Công an phường đều bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, bố trí lực lượng để trực tiếp nhận, giải quyết những vấn đề nóng phát sinh dưới cơ sở, tuy nhiên, do lực lượng mỏng, đặc biệt là lực lượng CSTT, nên việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm chủ yếu vẫn là nhắc nhở. “Tiếp nhận phản ánh của báo Kinh tế & Đô thị, UBND phường sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm” – ông Hưng nhấn mạnh.
Hàng ăn kê bàn ghế lấn chiếm vỉa hè phố Tô Hiến Thành. Ảnh Vũ Cúc. |
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thu Ánh – Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng, những vi phạm trên chủ yếu từ những hộ buôn bán nhỏ, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Trong đợt cao điểm thực hiện Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội, bên cạnh những hộ kinh doanh tự giác chấp hành các quy định của pháp luật trong việc sử dụng lòng đường, hè phố, vẫn có không ít hộ chấp hành theo kiểu đối phó. Do đó, để duy trì bền vững và có hiệu quả công tác đảm bảo trật tự đô thị, tránh tình trạng “ném đá ao bèo”, ngoài sự quyết tâm của chính quyền cấp cơ sở, TP cần chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành xây dựng một kênh truyền thông chuyên biệt về lĩnh vực này giống như đã làm với thực phẩm bẩn.
Đánh giá về việc thực hiện Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội, ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, sau khoảng 2 tháng ra quân lập lại trật tự vỉa hè nhiều tuyến đường trên địa bàn Hà Nội xuất hiện tình trạng tái lấn chiếm, đẩy người đi bộ xuống đường. Thực tế này, cho thấy những vấn đề sau: Thứ nhất, về mặt chủ quan, công tác giám sát để thực hiện yêu cầu đã phát động không được thường xuyên, liên tục, không dài hơi, thiếu kiên quyết, không tập trung và đồng bộ.
Vỉa hè phố Phùng Hưng hàng quán bày la liệt |
Thứ hai, vai trò của chính quyền và các cơ quan quản lý cấp cơ sở có phần sao nhãng, nội dung giám sát, xử lý hành chính vẫn buông lơi.
Thứ ba, dù quyết liệt lập lại trật tự văn minh đô thị nhưng chưa quan tâm, chưa giải quyết được vấn đề mấu chốt là bảo đảm cuộc sống lâu dài cho người dân. Đặc biệt với những người lao động thu nhập thấp, cho nên, khi có điều kiện thì vi phạm tái diễn. Do đó, tình trạng xử lý lấn chiếm vỉa hè như “bắt cóc bỏ đĩa”. Hơn nữa, tình hình này còn diễn biến phức tạp hơn, đã có không ít dư luận phản ánh là có tình trạng “bảo kê” chiếm dụng không gian công cộng, đem vỉa hè cho người thuê lại lấy tiền…
Thực tế cho thấy, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, sau hơn 2 tháng cao điểm, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bộ mặt đô thị đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những hộ dân tự giác chấp hành, vẫn còn không ít trường hợp chấp hành theo kiểu đối phó, khi có điều kiện sẵn sàng tái phạm. Do đó, để duy trì trật tự đô thị, chính quyền các cấp cần bố trí lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt trong những ngày nghỉ - thời điểm ngoài giờ hành chính để trị dứt điểm căn bệnh lấn chiếm vỉa hè.
Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm: Kiên trì theo nguyên tắc quản lý 3I Sau khi Hà Nội đồng loạt ra quân lập lại trật tự vỉa hè đã xảy ra hai chiều diễn biến. Một là, vỉa hè tại nhiều khu vực có thay đổi tích cực, gọn gàng và ngăn nắp hơn. Hai là, bùng phát tình trạng tái lấn chiếm. Nguyên nhân tựu chung lại ở các nội dung chính sau: Khi phong trào diễn ra, các cơ quan chức năng đã tập trung tối đa lực lượng, làm khá hiệu quả. Song đến một thời gian nhất định lại buông lỏng. Rõ ràng, không thể hi vọng việc lập lại trật tự đô thị chỉ bằng phong trào, cần cơ chế, bộ máy, thể chế để làm việc này. Muốn có quy định thì phải có người giám sát, chế tài và kinh phí để duy trì. Thực tế, bộ máy ở nhiều phường không hẳn là ít nhưng cần thẳng thắn là làm chưa hiệu quả. Vẫn đang theo kiểu phong trào, chưa kiên trì. Không thể thỏa hiệp với dân khi việc tuân thủ pháp luật chưa trở thành một thói quen tự giác. Đáng lưu tâm nhất, cơ quan chức năng phải tuân thủ nguyên tắc quản lý quốc tế. Trước khi cấm một vấn đề nào đó, trước tiên phải thông tin rộng rãi cho mọi người biết ý nghĩa, nội dung của chính sách. Thông tin bao gồm cả giáo dục và dạy dỗ. Tiếp đến tạo điều kiện cho người dân thực hiện chính sách đưa ra. Thứ ba mới là cấm đoán các vi phạm. Nguyên tắc như thế gọi là 3I: Information (thông tin); Incentive (khuyến khích); Interdiction (cấm đoán). Vậy, trong lập lại trật tự vỉa hè đã làm đúng trình tự đó chưa? Bước thông tin, cấm đoán chúng ta đã làm nhưng khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân thì hạn chế. Do đó, một khi đã cấm đoán cần cụ thể chứ đừng nói chung chung, ẩm thực đường phố là bản sắc khu phố cổ, bản sắc của Hà Nội. Dẹp vỉa hè là đúng, thế nhưng khi người dân, khách du lịch muốn thưởng thức các món ăn đó thì đến đâu? Ẩm thực đường phố nếu vào trong nhà là mất hết sự thi vị. Do đó, cần bố trí không gian để dân có chỗ buôn bán hợp pháp. Còn các tuyến đường phố đông đúc, vỉa hè hẹp thì không được kinh doanh. Có như vậy mới tạo sự đồng thuận trong dân, mới hết “bắt cóc bỏ đĩa”. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.