Hà Nội đã chính thức mở thêm hai tuyến buýt mới Nam Thăng Long-Xuân Hòa và Công viên Nghĩa Đô-Đông Anh. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng giám đốc Transerco cho biết, hai tuyến buýt trên sẽ mở rộng vùng phục vụ tới các khu vực chưa có xe buýt như Bắc Hồng, Nguyên Khê (Đông Anh); Minh Trí (Sóc Sơn), đặc biệt tuyến buýt số 95 sẽ kết nối trường Đại học Sư phạm 2 và cụm 12 trường Đại học, Cao đẳng, khu dân cư của thị trấn Xuân Hòa (địa bàn giáp ranh với huyện Sóc Sơn) với Thủ đô Hà Nội.
Tuyến buýt số 95 có điểm đầu Bãi đỗ xe buýt Nam Thăng Long, điểm cuối là Khu giảng đường nhà E, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2; cự ly bình quân 28,4km, 89 lượt xe/ngày, phương tiện 60 sức chứa, giá vé 8.000 đồng/lượt, tần suất 20-30 phút chuyến.
Tuyến buýt số 96 với điểm đầu Công viên Nghĩa Đô, điểm cuối tại trường Cao đẳng nghề Việt Nam-Hàn Quốc; giá vé 9.000 đồng/lượt, cự ly trung bình 30,1km, tần suất 20-25 phút/chuyến, 89 lượt xe/ngày.
Khẳng định vai trò là đơn vị chủ đạo trong lĩnh vực vận tải công cộng, ông Nhật cho rằng, Tổng công ty Vận tải Hà Nội tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển xe buýt trong đó sẽ mở 14 tuyến xe buýt mới và thí điểm mở tuyến buýt City Tour phục vụ khách du lịch quốc tế đến Hà Nội; đầu tư mới thêm hơn 200 phương tiện tiêu chuẩn hiện đại nhằm nâng cao chất lượng đoàn xe...
Tại buổi khai trương, lãnh đạo Transerco cũng giao nhiệm vụ cho Xí nghiệp xe buýt 10/10 và Trung tâm Tân Đạt tập trung mọi nguồn lực cũng như các giải pháp tổ chức quản lý điều hành, khai thác có hiệu quả hai tuyến buýt số 95, 96 để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo đúng và đầy đủ các tiêu chí dịch vụ tuyến đã đăng ký, công bố với khách hàng.
Bên cạnh đó, Transerco đề nghị các đơn vị vận tải buýt tiếp tục chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, nguồn lực và hoàn thiện các thủ tục pháp lý để tiếp tục mở 3 tuyến buýt mới cuối tháng Sáu này và các tuyến tiếp theo trong năm 2017.
Trước đó, trong năm 2016, Transerco đã mở mới 7 tuyến buýt trong đó có 2 tuyến kết nối đến các khu đô thị trung tâm, 3 tuyến mở rộng vùng phục vụ đến các huyện ngoại thành chưa có xe buýt như Thạch Thất, Quốc Oai, Xuân Mai, Hòa Lạc và 2 tuyến buýt chất lượng cao từ trung tâm Hà Nội lên sân bay Nội Bài...
Ngoài ra, Tổng công ty cũng đã đầu tư 127 xe buýt mới với màu sơn, logo và bộ nhận diện thương hiệu xe buýt mới với các tính năng hiện đại và tiện ích cho hành khách; nâng cao chất lượng dịch vụ đội ngũ công nhân viên lao động, thay thế đồng phục mới... tạo hình ảnh đẹp, thân thiện và chuyên nghiệp./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.