Nhiều vị trí hư hỏng trên mặt cầu Chương Dương. Ảnh minh họa |
Cụ thể, Ban Duy tu giao thông đã tiếp nhận mặt bằng toàn bộ cầu Chương Dương từ đơn vị quản lý cầu là Công ty công trình giao thông Hà Nội và đang từng bước triển khai việc khảo sát, đánh giá mức độ xuống cấp của từng hạng mục để có phương án sửa chữa cụ thể. Qua khảo sát cho thấy, hiện các hạng mục đang ghi nhận sự xuống cấp nhiều nhất là mặt cầu (mặt đường nhựa dành cho giao thông), khe co giãn bị xô lệch, hở to.
"Hiện cầu có 11 khe co giãn, trước đây 8 khe co giãn đã được sửa chữa song vẫn còn 3 khe chưa được sửa gồm T4, T7 và T8A. Tồn tại này đang gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông", đại diện Ban duy tu giao thông thông tin.
Theo thống kê, hiện mỗi ngày cầu Chương Dương có khoảng 95.000 lượt xe qua cầu, gấp hơn 8 lần so với thiết kế. Đây là nguyên nhân chính khiến mặt cầu và khe co giãn bị xuống cấp nhanh chóng, công tác sửa chữa, duy tu thường xuyên không đáp ứng được với lưu lượng phương tiện qua lại lớn.
Trước đó, năm 2021 thành phố đã chấp thuận phương án lắp tấm chắn ồn cho cầu Chương Dương, tuy nhiên khi đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát, lập dự án triển khai thì phát hiện mặt cầu và các khe co giãn xuống cấp nhiều vị trí. Việc này không đảm bảo an toàn, tuổi thọ cho cầu và các tấm chắn chống ồn, do vậy Ban Duy tu giao thông đã tham mưu cho Sở GTVT Hà Nội đề xuất UBND thành phố tạm dừng dự án này, chuyển sang việc khảo sát, lập dự án sửa chữa tổng thể cầu Chương Dương.
Để giảm tải và tránh ùn tắc lối lên xuống cầu từ hướng đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật, TP Hà Nội đã xây dựng thêm hệ thống vòng xoay ở phía Nam, tuy nhiên hiện phương án này không còn khả thi vì lượng phương tiện cá nhân qua khu vực này quá lớn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.