Hà Nội: CSGT nhắc nhở kết hợp xử lý nghiêm phụ huynh học sinh vi phạm giao thông

Tác giả: Văn Huế

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 02/11/2022 17:08

Phòng CSGT Công an TP Hà Nội tăng cường tuyên truyền, kết hợp xử lý phụ huynh học sinh vi phạm giao thông.


Tăng cường tuyên truyền xử lý phụ huynh học sinh vi phạm luật giao thông - Ảnh 1.

Một phụ huynh chở con đến trường không đội MBH được tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 3 (Hà Nội) tuyên truyền và yêu cầu xử lý

Ngày 2/11, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội tiếp tục giao các Đội CSGT địa bàn ra quân tăng cường xử lý và tuyên truyền trật tự ATGT tại các cổng trường học trên các tuyến đường thuộc đơn vị quản lý. Mục tiêu là nâng cao ý thức tự giác đối với các phụ huynh khi đưa đón con em đến trường trong việc chấp hành Luật GTĐB, chẳng hạn việc mỗi khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy phải đội MBH cho con trẻ. 

Theo điều tra của lực lượng CSGT, vào khung giờ đưa đón học sinh buổi sáng hoặc buổi chiều, có nhiều phụ huynh đi xe máy không đội MBH, thậm chí đi tắt, đi ngược chiều, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông…, nguy cơ tiềm ẩn TNGT. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, trẻ em từ 6 tuổi trở lên ngồi sau xe máy phải chấp hành đội MBH nhưng rất ít phụ huynh thực hiện điều này. 

Theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, việc xử lý vào khung giờ sáng cần linh hoạt, lấy tuyên truyền, nhắc nhở là chính, không tạo tâm lý hoang mang cho học sinh và không ảnh hưởng đến quá trình điều tiết giao thông giờ cao điểm. 

Tăng cường tuyên truyền xử lý phụ huynh học sinh vi phạm luật giao thông - Ảnh 2.

Nhiều trường hợp người lớn đưa đón học sinh nhưng không chấp hành đội MBH cho các cháu (ảnh chụp trên địa bàn quận Đông Đa, Hà Nội)

Còn theo ghi nhận của PV tại cổng trường Tiểu học Phương Liên và ngã ba Phạm Ngoc Thạch - Xã Đàn (thuộc địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội), từ 6h sáng 2/11, ngoài lực lượng CSGT cắm chốt còn tăng cường thêm 1 tổ tuần tra của Đội CSGT Đường bộ số 3 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) làm nhiệm vụ. Trong khoảng thời gian từ 6h đến 7h15, tổ công tác đã nhắc nhở hàng chục trường hợp vi phạm. Nhiều trường hợp đã được ghi lại tên tuổi để phối hợp cùng nhà trường tiếp tục nhắc nhở, tuyên truyền về trật tự ATGT cũng như công tác xử lý sau này. 

Điển hình là chị Nguyễn Ngọc Diệp (sinh năm 1980 ở 28 Đặng Văn Ngữ, quận Đống Đa, Hà Nội). Chị Diệp cho biết sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc, làm gương, không tạo thói quen tranh thủ hay lý do nhà gần để vi phạm trước mặt con trẻ. 

Còn chị Trần Mai Nguyên (sinh năm 1994, nhà ở 7/378 Lê Duẩn, quận Đống Đa, Hà Nội) kiến nghị, nhà trường nên tạo một nơi để mũ bảo hiểm cho học sinh vì trên thực tế bản thân có 2 con nhỏ, khi đưa con đến trường rồi đi làm lúc nào trên xe cũng 3 mũ bảo hiểm mang theo cũng bất tiện…

Tuy lực lượng CSGT vất vả làm nhiệm vụ nhưng trên thực tế chưa thấy sự phối hợp của đại diện nhà trường tham gia. Mặc dù trước đó, ngày 18/10, Bộ Công an và Bộ Giáo dục - Đào tạo đã cùng ký kết chương trình phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025. 

Theo chương trình phối hợp, sẽ có 4 nội dung trọng tâm được thực hiện là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên. Xây dựng, hình thành thói quen tham giao thông an toàn và văn hóa giao thông cho học sinh các cấp trong đó có việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em.

Thực hiện quy chế phối hợp trên, ngay chiều 18/10, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã ra quân xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông, tập trung vào phụ huynh và cả học sinh vi phạm. 

Qua hơn 10 ngày ra quân, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội nhận định vẫn còn tình trạng vi phạm vì thiếu sự phối hợp giữa nhà trường, các cơ sở giáo dục.  

Ngoài việc xử lý nghiêm, để giảm thiểu tình trạng vi phạm Luật GTĐB ở học sinh, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội khuyến cáo, cha mẹ học sinh cần làm gương, thường xuyên nhắc nhở con em mình nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ để bảo vệ mình và người thân.

Để tăng cường hơn nữa hiệu quả của việc ký kết giữa ngành giáo dục và công an, Phòng Cảnh sát giao thông kiến nghị khi xử lý ở khu vực trường học nào yêu cầu Ban giám hiệu nhà trường ra phối hợp cùng ghi tên học sinh và học sinh có phụ huynh vi phạm xem xét hình thức đánh giá hạnh kiểm. Việc nhà trường tham gia cùng CSGT sẽ tạo tính tự giác cho cả phụ huynh và học sinh. Còn với lực lượng công an, việc xử lý vi phạm sẽ linh hoạt không thông báo trước để tạo yếu tố bất ngờ. 

Để thuận tiện cho việc phụ huynh phải mang theo mũ nhiều mũ bảo hiểm cồng kềnh khi tham gia giao thông trong quá trình đưa đón học sinh, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng kiến nghị nhà trường cũng nên xem xét có nơi để mũ bảo hiểm cho học sinh tại sân trường, trong lớp học tạo điều kiện tối đa cho học sinh, phụ huynh..