Ảnh minh họa |
Trước đó, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, các địa phương tăng cường quản lý giá cước vận tải, thực hiện kê khai giá tại đơn vị vận tải đường bộ trên địa bàn.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, với mức giá xăng, dầu biến động giảm mạnh như hiện nay, Hiệp hội đã có văn bản gửi đến các doanh nghiệp taxi trong hiệp hội, đề nghị căn cứ các chi phí đầu vào để tính toán thực hiện giảm cước ngay trong những ngày tới.
Mức cước dự kiến sẽ được các doanh nghiệp taxi thực hiện giảm sẽ vào khoảng 500-700 đồng/km.
Ông Minh cũng cho biết, do các doanh nghiệp đang thực hiện các thủ tục kê khai và niêm yết giá; cùng với đó là thời gian chờ phê duyệt, thực hiện thay đổi tính cước đồng hồ... nên sẽ chưa thể giảm ngay. Việc giảm giá của các doanh nghiệp sẽ chính thức được thực hiện sau khoảng 5-7 ngày.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam (VATA) cho biết, ngày 28/8 đã có công văn gửi các Hiệp hội vận tải ôtô tỉnh, thành phố. Theo đó, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đề nghị các Hiệp hội cơ sở phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính địa phương để thực hiện có hiệu quả nhất các văn bản nêu trên của Bộ Tài chính; Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị vận tải ôtô trên địa bàn rà soát lại các khoản mục giá thành, mức độ tăng, giảm… (so sánh mốc thời gian hiện nay với thời điểm kê khai giá lần gần nhất). Sau đó chủ động làm việc với cơ quan quản lý giá tại địa phương để tạo sự đồng thuận.
Thông qua cơ quan truyền thông tại địa phương hoặc thông báo tại bến xe để công khai minh bạch về giá cước với hành khách, tạo sự ủng hộ của dư luận xã hội.
Về phía doanh nghiệp, ông Trần Quốc Hoàn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vận tải Hoàn Cầu (Hải Phòng) cho biết, doanh nghiệp hiện có hơn 20 phương tiện vận tải. Cơ sở tính giá cước vận tải hiện đều căn cứ vào tình hình thực tế thị trường, nếu đầu vào giảm thì đương nhiên giá đầu ra cũng phải giảm.
“Việc giá xăng, dầu giảm thời gian qua thì việc giá cước vận tải phải giảm là điều hợp lý phù hợp với kinh tế thị trường. Doanh nghiệp vận tải sẽ có những thỏa thuận hợp lý với các chủ hàng về giá cước căn cứ vào thời điểm cụ thể,” ông Hoàn nói.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu đối với giá cước vận tải bằng xe ôtô, Sở Tài chính phối hợp với Sở Giao thông vận tải tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh có văn bản yêu cầu doanh nghiệp vận tải bằng xe ôtô kê khai giá cước phù hợp với tác động giảm của chi phí nhiên liệu đến giá cước vận tải so với thời điểm kê khai trước liền kề và thực hiện rà soát theo quy định.
Giám sát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ Nhà nước còn định giá thuộc thẩm quyền của địa phương; trường hợp phải điều chỉnh, phải có đánh giá tác động và cân nhắc mức độ, thời điểm điều chỉnh thích hợp, tránh điều chỉnh cùng một thời điểm, hạn chế tác động đến mặt bằng giá cả thị trường năm 2015.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan về quản lý giá cước vận tải tại địa phương tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai và niêm yết giá cước vận tải theo quy định tại Thông tư số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT của Liên Bộ Tài chính-Bộ Giao thông Vận tải, đồng thời hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ôtô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo quy định.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.