Hà Nội: Dân khốn khổ vì dự án làm đường chậm hơn 10 năm

Tác giả: Nguyễn Phương

saosaosaosaosao
Ý kiến 22/10/2017 07:18

Đường 181 đoạn chạy qua phố Keo, xã Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng, mặt dày đặc “ổ voi”, “ổ gà”, bề mặt đường đã biến mất và thay vào đó là những hố sâu ngập nước.

1

Đường 181 đã xuống cấp từ nhiều năm nay.

Nhận được thông tin phản ánh từ người dân, PV Tạp chí Giao thông vận tải đã trực tiếp có mặt tại tuyến đường. Theo quan sát, tuyến đường bị xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường nhựa bong tróc, lồi lõm, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà sâu khoảng 1m, tập trung chủ yếu từ khu vực cổng chùa Keo dài khoảng 600m. Ảnh hưởng của thời tiết mưa những ngày qua cộng với việc hệ thống cống hư hỏng khiến nước mưa ứ đọng tại các hố này.

2

Bề mặt đường bong tróc, xuất hiện chi chít ổ voi, ổ gà đọng nước.

 

3

Những hố sâu đến nửa bánh xe khiến nhiều phương tiện sa lầy

Được biết, đường 181 là tuyến đường huyết mạch, nối liền thủ đô Hà Nội với huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh nên mỗi ngày có rất nhiều các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến. Có mặt tại tuyến đường gần 30 phút, PV ghi nhận hàng trăm lượt xe tải, xe container, xe ô tô các loại lưu thông qua đây. Nhiều trường hợp phương tiện bị sa lầy, mắc kẹt dưới hố khiến giao thông ùn tắc nghiêm trọng.

5

Hai xe tải sa lầy đang chờ thuê xe cứu hộ từ người dân.

 

6

Giá mỗi lần cứu hộ như thế này khoảng từ 100.000 – 200.000 đồng/lượt khiến người dân có thể thu cả triệu đồng mỗi ngày.

Theo người dân sống trong khu vực cho biết, nguyên nhân là do lưu lượng xe tải trọng lớn từ QL5 đi khu công nghiệp Harpo rất lớn, thêm vào đó, dự án cải tạo và nâng cấp tuyến đường qua khu vực đã chậm tiến độ 10 năm nay. “Đường này hỏng khoảng từ 2 – 3 năm rồi, cứ sửa đi sửa lại vẫn hỏng do là xe to đi vào trong này nhiều. Ngày trước hỏng ở đoạn này và đoạn đầu phố, nhưng đoạn đầu phố còn thoát được nước vào chợ còn dưới này thì cống bé, bùn đất tắc hết, đường cứ thế hỏng.” – anh H. (phố Keo, Kim Sơn) bức xúc.

Cũng theo anh H., cho biết: “Trời mưa thì ngập ngụa bùn đất, nước đọng, ngày nắng thì bụi bặm mù mịt khiến bọn trẻ con ho rất nhiều, chưa kể mỗi ngày đi học qua đây rất nguy hiểm. Tai nạn xảy ra thì nhiều lắm.”

7

Người đi đường phải tràn lên thềm nhà khiến nhiều hộ dân ven đường bức xúc.

Người dân đã nhiều lần khiến nghị lên chính quyền đề nghị sửa chữa. Chính quyền địa phương đã cho trải đất đá cấp phối tạm thời những chỉ một thời gian tuyến đường lại rơi vào trạng thái xuống cấp do thời tiết mưa lớn và lượng xe qua lại rất đông.

“Người ta chỉ san đất đá bình thường thôi, mà sau thì chỉ gạt gạt từ chỗ cao xuống chỗ thấp chứ không bổ sung thêm gì cả. Người dân chúng tôi rất bức xúc, mong Nhà nước sớm sửa lại con đường này để chúng tôi bớt khổ. ” – chị B. (phố Keo, Kim Sơn) cho biết.

9

Trời mưa, đường ngập buộc nhiều gia đình phải xây chắn cửa để chống nước tràn vào nhà.

Tuyến đường xuống cấp không chỉ ảnh hướng đến việc lưu thông của người dân mà còn khiến việc kinh doanh của nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng. Theo ghi nhận, nhiều hộ gia đình ven đường phải đóng cửa hoặc di dời cửa hàng đến nơi khác vì đường xấu, ít người qua lại. “Đường xuống cấp quá buộc tôi phải đóng cửa của hàng vào tháng trước vì làm gì có ai đi qua, mà có đi họ cũng cố gắng vượt qua đoạn đường xuống cấp chứ không dừng lại…” anh S. (chủ một cửa hàng ăn uống tại phố Keo) chia sẻ.

Được biết, đoạn đường này thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường nối Quốc lộ 5 với Khu công nghiệp Hapro, dài hơn 12km, riêng đoạn qua địa bàn phố Keo (xã Kim Sơn) và phố Sủi (xã Phú Thị) dài 6,2km, do Sở Giao thông vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư, khởi công từ giữa năm 2007 và phải hoàn thành sau 24 tháng thi công.

Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn hoàn thành rất lâu, đã có 5,2/6,2km đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng riêng khu vực chùa Keo vẫn chưa được thi công một cách dứt điểm trong khi mức độ xuống cấp ngày càng nghiêm trọng.

Cùng nỗi bức xúc với người dân, ông Nguyễn Huy Việt - Bí thư Huyện ủy huyện Gia Lâm cho biết, vấn đề này ông đã trình bày tại hội nghị Thành ủy ngày 13/10. “Tuyến đường này do Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư, UBND TP. Hà Nội cũng đã bố trí ngân sách rồi nhưng không hiểu sao phía Sở vẫn chưa tiếp tục dự án. Hôm hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng kết luận yêu cầu Sở GTVT Hà Nội giải quyết ngay trong năm nay.”

Tạp chí Giao thông vận tải sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả.

Ý kiến của bạn

Bình luận