Hà Nội làm gì để giành lại vỉa hè cho người đi bộ?

Tác giả: Cẩm Phú

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 20/05/2023 10:10

Mới đây, Ban Chỉ đạo 197 TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, ATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2023, trong đó “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” là nội dung rất được quan tâm.


Nhiều giải pháp đã được đưa ra và thực hiện, song làm thế nào để đạt được hiệu quả lâu dài, bền vững, thuận tình đạt lý thì cần phải nhìn nhận một cách tổng thể, xem xét tới nhiều đối tượng, đồng thời mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ để quản lý trật tự vỉa hè, trật tự giao thông đô thị.

Hà Nội làm gì để giành lại vỉa hè cho người đi bộ? - Ảnh 1.

Người đi bộ phải lách qua phần đường hẹp khi vỉa hè bị chiếm dụng. Ảnh: Tố Linh

Chậm còn hơn không

Vi phạm về trật tự ATGT, lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện sai quy định, tập kết vật tư, vật liệu xây dựng, dựng lều lán, mái che, họp chợ, xây bục bệ cầu dẫn xe, treo đặt biển quảng cáo, băng-rôn sai quy định, che khuất tầm nhìn cản trở giao thông, gây mất ATGT, ảnh hưởng đến sự thông thoáng của hè phố, gây mất mỹ quan đô thị... là thực trạng đang diễn ra phổ biến ở hầu hết trên các tuyến đường ở Hà Nội. Việc chính quyền quyết tâm trả lại vỉa hè cho người đi bộ ở thời điểm này tuy muộn nhưng được dư luận đồng thuận. Định hướng của TP. Hà Nội là hợp lòng dân, bảo đảm quyền lợi của nhân dân, giúp hạn chế UTGT, ngăn chặn TNGT và rủi ro tiềm ẩn cho người đi bộ.

Theo ghi nhận, nhiều biện pháp "mạnh tay", đồng bộ đã được các lực lượng chức năng áp dụng, nhiều tuyến phố tại Thủ đô đã được trả lại không gian thông thoáng cho người đi bộ, cảnh quan đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác duy trì chống tái lấn chiếm tại một số khu vực còn lỏng lẻo, trong khi ý thức chấp hành của nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn còn thấp, chưa thật sự nghiêm túc; việc ký cam kết còn mang tính chất đối phó... và nhiều khó khăn, vướng mắc hiện hữu khác.

Các nước phạt nặng chiếm dụng vỉa hè

Trong Luật Giao thông đường bộ, Pháp cũng đặt ra quy định về kích thước vỉa hè, cụ thể chiều rộng tối thiểu của lối đi và vỉa hè phải là 1,40 m. Tuy nhiên, vỉa hè vẫn thường được khuyến nghị với kích thước chiều rộng 1,80 m. Điều R.412-34 của Luật Đường bộ quy định, vỉa hè chỉ dành quyền sử dụng cho người đi bộ. Tuy nhiên, quy định cũng đã được mở rộng cho "phương tiện xe đạp chở trẻ em, xe chở người bệnh hoặc xe của người khuyết tật hoặc bất kỳ loại xe cỡ nhỏ nào khác không có động cơ" và người ngồi xe lăn (có động cơ hoặc không có động cơ). Người điều khiển phương tiện cơ giới (xe mô tô điện, xe thăng bằng loại hoverboard, loại segway hoặc một bánh) cũng như người đi xe đạp (có động cơ hoặc không) không được phép điều khiển phương tiện trên vỉa hè, trừ phần đường được quy định cho phép.

Ngoại trừ các vạch kẻ trên mặt đất quy định bởi chính quyền từng thành phố, việc đỗ xe cơ giới (ô tô, xe mô tô, xe ba bánh, xe gắn máy...) trên vỉa hè đều không được phép. Trong lần vi phạm đầu tiên, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt 35 euro, hoặc thậm chí 75 euro nếu người vi phạm không thanh toán trong thời gian quy định. Trong trường hợp vi phạm lần hai, mức phạt sẽ tăng lên 135 euro, thậm chí 375 euro nếu không thanh toán theo yêu cầu. Ở Pháp, việc kinh doanh trên vỉa hè phải có sự đồng ý của chính quyền địa phương và phải có giấy phép kinh doanh theo quy định.

Tại Thủ đô Bangkok của Thái Lan, từ năm 2005, chính quyền thành phố đã có quy định cụ thể về quản lý hàng rong trên vỉa hè. Ngoài việc phải đăng ký hoạt động và có giấy phép kinh doanh thì các tiểu thương phải nộp mức phí khoảng 300 bạt/năm, trong đó 200 bạt là tiền giấy phép và 100 bạt là phí vệ sinh. Ngoài ra, những người kinh doanh trên vỉa hè ở Bangkok còn bắt buộc thực hiện các quy định khác theo từng thời điểm.

Tuy nhiên, bất chấp những quy định, nhiều khu vực vẫn xảy ra tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng. Sau một thời gian nghiên cứu, tháng 02/2023, Chính quyền TP. Bangkok đã triển khai thí điểm Dự án "Hello Hab-Re" (Xin chào những người bán hàng rong) tại khu vực bên ngoài khu mua sắm phức hợp Samyan Mitrtown trên đường Rama IV. Chủ sở hữu khu phức hợp Samyan Mitrtown đã đồng ý dành một khu vực để chính quyền đưa hàng chục quán hàng rong khu vực quanh đó về hoạt động tập trung trong một khu vực để bán hàng và trả lại không gian đường phố.

Đưa công nghệ vào quản lý vỉa hè

Cứ sau mỗi đợt ra quân, triển khai kế hoạch rầm rộ của lực lượng chức năng thì việc chiếm dụng vỉa hè đâu lại vào đấy. Đây quả thực là bài toán vô cùng nan giải.

Ở đây, chúng ta cần nhìn nhận vào thực tế của đô thị Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa công việc kinh doanh trên hè phố và quyền lợi của người bộ hành. Trước hết, cần phải xây dựng quy hoạch khoa học, sau đó việc xử lý vi phạm sẽ sử dụng máy móc thiết bị để hỗ trợ.

Một chuyên gia đang công tác tại Đại học James Cook (Australia) đề xuất, để quản lý tốt vỉa hè ở các thành phố lớn tại Việt Nam, chúng ta có thể sử dụng một phần mềm học thuật để quan sát từng khu vực, từng góc phố. Chương trình sẽ tự động nhận diện biển số xe và đếm người qua lại một cách dễ dàng thông qua việc lắp camera và các thiết bị nhận diện thông minh. Chương trình sử dụng AI đơn giản để tự động phân loại xe máy và ô tô, sau đó tự động gửi email thông báo (kèm ảnh chụp minh chứng) là vùng nào đang có xe đỗ lâu hơn 5 phút hoặc bị vật thể không xác định chiếm dụng. Việc sử dụng công nghệ sẽ giúp thay thế nhiều nhân lực trong công cuộc giành lại vỉa hè. Chương trình được vận hành tự động nên kết quả thu được là rất khách quan, bền bỉ. Đã đến lúc công nghệ 4.0 vào cuộc để giúp quản lý trật tự giao thông đô thị, ATGT vỉa hè, tuyến phố, giảm thiểu TNGT và nâng tầm mỹ quan thành phố.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý trật tự vỉa hè là cần thiết, song trước tiên cần có sự quyết liệt, quyết tâm, đồng bộ của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng thành phố, không thể "đầu voi, đuôi chuột" như thời gian vừa qua.

Cần có cách "tiếp cận" mới về không gian vỉa hè

Nhìn lại các quy định về sử dụng vỉa hè thấy rằng hiện tồn tại một số bất cập, thiếu hợp lý như việc chính quyền một số địa bàn vẫn tiến hành sơn kẻ vạch, tổ chức sắp xếp phương tiện theo đúng quy định tại Điều 10, Quyết định 09/2018/QĐ-UBND quy định về quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội, trong khi diện tích vỉa hè các tuyến đường ở Hà Nội không đồng nhất, chỗ nhỏ, chỗ rộng, nhiều đoạn còn không đủ chiều rộng để người dân để xe máy, chưa nói đến 1,5 m tối thiểu dành cho người đi bộ - tức là không đủ diện tích sắp xếp phương tiện.

Đó là bất cập trong quy định, còn trên phương diện thực tế thì nhiều nhà hàng, cơ sở kinh doanh, trông giữ phương tiện bám mặt đường đua nhau lấn chiếm hè, đường, chấp nhận bị xử phạt vì nguồn lợi thu về rất lớn. Không ít trường hợp còn tận dụng các mối quan hệ xã hội để xin xỏ, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Nên chăng, Hà Nội cần một cách tiếp cận khác, coi vỉa hè là một khu vực kinh doanh, nếu sắp xếp, quản lý tốt vừa có thể thu lợi cho Nhà nước, người dân, vừa tạo nên một trật tự rõ rệt, lâu dài.

Vỉa hè Hà Nội được ví như "mỏ vàng", vì vậy càng cấm càng sinh ra tâm lý chiếm đoạt, tiêu cực. Do đó, có thể đã đến lúc cần tiếp cận vấn đề theo một cách "mềm" hơn trong tổng hòa mối quan hệ xung quanh như có thể cân nhắc việc cho thuê vỉa hè để kinh doanh đối với những khu vực có diện tích rộng hoặc khoán cho từng phường, quận để quản lý. Ở đây, vỉa hè được nhìn nhận như một khu vực đa chức năng, có tiềm năng để khai thác và sinh lời. Vấn đề đặt ra là làm sao đảm bảo hài hòa giữa quyền lợi của người đi bộ, không gian văn hóa đô thị và nhu cầu kinh doanh vỉa hè.

Ngoài các giải pháp mang tính căn cơ như trên thì công tác tuyên truyền cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục, sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô. Đặc biệt, để một bộ phận người dân không còn lấn chiếm hè đường nữa thì cần mở ra cho họ một con đường sống mới, không còn phụ thuộc vào vỉa hè như bấy lâu nay.