Dự án nút giao trung tâm quận Long Biên với công trình cầu vượt cạn khởi công từ tháng 5/2014, thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao), chuẩn bị thông xe kỹ thuật vào ngày 18/1. Hạng mục chính gồm xây cầu vượt 6 làn xe cơ giới theo hướng đường Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 5). Tổng chiều dài cầu vượt gần 810 m, trong đó cầu chính dài 310 m, cầu dẫn dài gần 500 m, có dải phân cách cứng ở giữa.
Cầu vượt qua khu vực đảo xuyến, tuyến đường sắt Gia Lâm - Yên Viên và tuyến đường sắt vào kho xăng Đức Giang.
Dự án gồm đường nội đô dọc hai bên cầu vượt, hai hầm chui qua cầu đường sắt (tuyến Hà Nội - Đồng Đăng) cho phương tiện giao thông chạy trong nội đô và người đi bộ... Để thực hiện dự án, trước đó chủ đầu tư phải thu hồi khoảng 16 ha đất.
Công trình được xây dựng với hơn 4.000 tấn kết cấu thép ở đoạn giữa nút giao. Kết cấu nhịp cầu chính gồm 5 nhịp dầm hộp thép bê tông liên hợp sơ đồ nhịp. Khổ cầu chia làm hai đơn nguyên, mỗi đơn nguyên rộng 13 m. Giữa hai đơn nguyên để khe hở tại bản mặt cầu là 20 mm. Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC) là đơn vị thực hiện tư vấn giám sát.
Dự án kết nối các trục quốc lộ 1 và 5 vào hệ thống đường cửa ngõ phía bắc Hà Nội, góp phần giảm tải cho giao thông khu vực nội đô.
Với 6 làn xe chạy, tốc độ thiết kế của cầu vượt hướng Đông Trù - Nguyễn Văn Linh và đường nội đô hai bên cầu vượt khác nhau. Trên cầu vượt là 80 km/h, còn đường nội đô phía dưới là 50 km/h.
Để hoàn thành dự án, nhà đầu tư được UBND TP Hà Nội cho phép khai thác quỹ đất đối ứng gồm 20 ha tại xã Dương Xá (huyện Gia Lâm), 320 ha tại các phường Long Biên, Cự Khối (quận Long Biên) và bổ sung thêm 135 ha ngoài bãi sông Hồng có khả năng khai thác.
Đây là một trong 13 công trình trọng điểm của Hà Nội trong năm 2015, từng dự kiến hoàn thành cách đây một tháng nhưng không thành do quá trình giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Nút giao trung tâm quận Long Biên khi hoàn thành sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống tuyến vành đai 2 phía đông bắc Hà Nội, từ đường Nguyễn Văn Linh đến nút giao Vĩnh Ngọc (thuộc dự án xây dựng cầu Nhật Tân) đi sân bay quốc tế Nội Bài.
Công trình cũng đồng thời đáp ứng việc đi lại của các phương tiện vận tải hàng hóa từ các khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh lên các tỉnh phía tây và tây bắc, tạo nên hướng giao thông ngoại vi phía bắc.
Tại đường nội đô chạy ven cầu vượt, đoạn gần quốc lộ 5 kéo dài, do công trình đang thi công nên bị bó hẹp, thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài thời điểm này.
Đại diện Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn cho biết, sau khi thông xe kỹ thuật cầu vượt, đơn vị thi công sẽ bắt tay vào làm hầm chui. Trong tương lai, khi tuyến đường sắt này không được khai thác, đường ngang sẽ được xóa bỏ.
Hình ảnh đồ sộ của cầu vượt nhìn từ hướng Nguyễn Văn Cừ. Sau khi hoàn thành, quốc lộ 5 sẽ giảm thiểu ùn tắc, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế của Hà Nội và các vùng lân cận.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.