Mặt đường qua xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa) gồ ghề khiến không ít xe ô tô đối diện nguy cơ sạt gầm trong quá trình lưu thông. |
Theo tìm hiểu của PV, dự án nâng cấp, mở rộng TL428 dài gần 14km đi qua 5 xã, thị trấn, huyện Ứng Hòa được chia làm 2 gói thầu. Gói thầu số 1 với 6,5km có tổng mức đầu tư 218 tỷ đồng do Công ty CP Xây dựng cầu đường Hà Nội thi công; gói thầu số 2 kéo dài hơn 7km có tổng mức đầu tư 178 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Hòa Nam cùng Công ty CP Xây dựng Gia Huy thi công từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2021 theo hợp đồng ký kết sẽ phải hoàn thành đưa vào sử dụng.
Thế nhưng, đến nay trên tuyến đường qua địa phận các xã Minh Đức và Trung Tú (huyện Ứng Hòa) vẫn là một đại công trường lộn xộn, ngày nắng bụi mù mịt, ngày mưa ngập ngụa, nhếch nhác.
Dù dự án vừa thi công, vừa khai thác phục vụ các phương tiện lưu thông, song nhà thầu lại phớt lờ các quy định đảm bảo ATGT đã được Bộ GTVT quy định tại Thông tư 50/2015.
Theo Thông tư 50, trong quá trình thi công, tổ chức, cá nhân phải bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.
Thời gian thi công phải có người cảnh giới, hướng dẫn giao thông; khi ngừng thi công phải có báo hiệu an toàn theo quy định như: biển chỉ dẫn, cờ và đèn đỏ vào ban đêm.
Đất đá được đổ tràn lan trên đường khiến lòng đường bị thu hẹp. |
|
Mặt đường được đổ đá mở rộng gây bụi bặm, ô nhiễm cho người tham gia giao thông và người dân sống hai bên đường. |
Tổ chức, cá nhân khi thi công phải có biển hiệu ở hai đầu đoạn đường thi công ghi rõ tên của cơ quan quản lý dự án hoặc chủ quản; tên đơn vị thi công, lý trình thi công, địa chỉ văn phòng công trường, số điện thoại liên hệ và tên của người chỉ huy trưởng công trường.
Quy định là vậy nhưng quan sát của PV, tại công trình dự án, nhất là đoạn qua xã Minh Đức thường xuyên không có rào chắn, không có biển báo, không đèn chiếu sáng vào ban đêm; đồng thời có nhiều khối bê tông to, vật liệu xây dựng nằm giữa đường gây mất ATGT cho người đi đường.
Do đang thi công công trình nên làn đường ở đây bị thu hẹp, tạo thành nút thắt cổ chai ở hai đầu, thường xuyên xảy ra xung đột giao thông, dẫn đến ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm và đã có không ít vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra. Anh Lê Quốc Ngọc, người dân thôn Cầu, xã Minh Đức (huyện Ứng Hòa) cho biết: “Công trình thi công rất chậm, thường xuyên xảy ra TNGT vì thiếu biển báo và đèn cảnh báo. Nhiều đoạn bị thắt cổ chai, ban đêm xe ở xa tới không biết thường đâm vào rất nguy hiểm”.
Xe lu, xe múc tập kết ngược chiều, chiếm gần hết mặt đường. |
Cùng nỗi bức xúc, ông Trần Văn Toàn (xã Trung Tú) cho biết: Ngoài việc thi công mất ATGT, nhiều đoạn đường mới chỉ hoàn thành được một nửa, phần còn lại vẫn đang trong giai đoạn thi công lớp nền. Điều này khiến các phương tiện tham gia giao thông gặp khó khăn khi chuyển làn cũng như gây ra tình trạng bụi mù mịt mỗi khi có xe tải hoặc các xe trọng tải nặng đi qua.
"Việc thi công, tập kết cẩu thả không chỉ làm tăng nguy cơ mất an toàn mà còn khiến người dân nơm nớp lo sợ tai nạn giao thông có thể đến bất cứ lúc nào”, ông Toàn nói.
Liên quan công tác xử lý dự án thi công gây mất ATGT, đại diện Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, đội quản lý địa bàn đã nhiều lần nhắc nhở, chấn chỉnh nhà thầu. Thậm chí, trước đó đơn vị đã lập biên bản vi phạm hành chính, tuy nhiên đến nay nhà thầu vẫn không có chuyển biến.
“Chúng tôi đang yêu cầu đơn vị thi công đến để giải trình những vấn đề mà người dân phản ánh. Nếu phát hiện vi phạm, đơn vị sẽ kiên quyết xử lý nhà thầu vi phạm gây mất ATGT”, vị đại diện này khẳng định.
Tại công trường dự án, có tình trạng xe cơi nới thành thùng, có dấu hiệu chở quá tải ngang nhiên hoạt động trước sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm giám sát từ phía nhà thầu thi công. |
Trước đó, Tạp chí GTVT cũng đã phản ánh, trong quá trình thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 428 (huyện Ứng Hòa, Hà Nội), chủ đầu tư dự án và đơn vị thi công không thực hiện việc giải phóng mặt bằng, di dời cột điện dẫn đến việc hàng chục cột điện "mọc" giữa đường trở thành "cái bẫy" đối với người dân và các phương tiện khi tham gia giao thông.
Theo ghi nhận, cứ cách 30m lại xuất hiện 1 cột điện nằm trên mặt đường. Đoạn đường kéo dài chừng 3km, nhưng có đến hàng chục trụ điện nằm giữa đường.
Mỗi lần đi qua đoạn đường này người tham gia giao thông luôn phải dè chừng, nếu không cẩn thận là dễ húc ngay vào cột điện.
Đáng chú ý, hạn chế rủi ro, người dân ở đây đã dùng giấy phản quang để dán vào các cột điện nhằm cảnh báo cho người vào phương tiện tham gia giao thông qua tuyến đường này. Tuy vậy, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, người dân nhiều lần kiến nghị các cơ quan chủ quản sớm có biện pháp di dời những cây cột điện này, góp phần đảm bảo ATGT và ổn định cuộc sống người dân.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.