Hà Nội: Trường chất lượng cao kêu khó

07/08/2016 05:37

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện chính sách phát triển giáo dục và đào tạo sau ba năm thi hành Luật Thủ đô. Đa số các hiệu trưởng đã thảo luận tập trung quanh điều 12, Luật thủ đô về xây dựng trường chất lượng cao. Các trường kêu khó khăn khi tự chủ tài chính, mâu thuẩn giữa tuyển sinh ít và học phí thấp dẫn đến đời sống giáo viên không đảm bảo.

ab0eef9ffb61e98e86c586372fb01203
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

40% giáo viên giỏi là khó

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, toàn thành phố hiện có 1.135 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó hệ thống trường công lập đạt chuẩn chiếm 52,7%. Bên cạnh đó, có 11 trường được công nhận trường chất lượng cao gồm: 2 trường mầm non, 5 trường tiểu học, 1 trường THCS và 3 trường THPT. 3 trường chất lượng cao bậc THPT gồm: Nguyễn Tất Thành, Phan Huy Chú và Nguyễn Siêu. 14 trường hiện đang nỗ lực để vươn tới mục tiêu trường chất lượng cao.

Theo ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng Phòng GDPT, Sở GD&ĐT Hà Nội, thì theo Luật Thủ đô, đối với trường phổ thông bình thường muốn phát triển lên thành trường chất lượng cao phải qua ba bước. Trước hết phải qua thẩm định, đảm bảo được là trường chuẩn sau đó mới xây dựng theo tiêu chí chất lượng cao. Vì thế, giữa một trường bình thường và trường chất lượng cao có sự khác biệt rõ ràng. Các trường có quyền tuyển chọn, thu hút giáo viên giỏi; tự xây dựng chương trình học phù hợp.

Bà Trần Thị Hoàng Lâm, Hiệu trưởng Trường mầm non Đô thị Việt Hưng cho rằng, trường chất lượng cao phải đầu tư đồng bộ từ đồ dùng dạy học, thiết bị điện tử, phòng học chức năng, camera, bảng tương tác, khuôn viên, cây xanh, vườn hoa… đều đạt chuẩn. 

Học ở trường chất lượng cao, trẻ học theo chương trình của bộ và chương trình nâng cao, đi sâu vào lèn luyện, phát triển các kỹ năng sống, kỹ năng xã hội. Tuy nhiên, bà Lâm cũng cho rằng, khi vào hoạt động trường không đủ kinh phí chi trả cho giáo viên, đề nghị TP tiếp tục hỗ trợ ngân sách hàng năm để đảm bảo chi trả 100% lương cho giáo viên.

Nhiều hiệu trưởng đề xuất điều chỉnh một số tiêu chí trong Luật thủ đô. Bà Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành cho rằng, việc xây dựng trường chất lượng cao không phải theo tiêu chí của thành phố mà thực sự có ý nghĩa trong lòng dân. Rất khó có trường phổ thông nào đạt tiêu chí 40% GV dạy giỏi. Theo bà Anh, tình trạng chung hiện nay là mỗi năm trường chỉ cử được 3 GV đi thi, mà ko phải ai cũng đoạt giải. Vì vậy, bà Thu Anh kiến nghị, trong 5 năm nữa, các trường chất lượng cao sẽ có tỉ lệ 20% giáo viên giỏi. Ngoài ra, bà Thu Anh đề xuất, các trường chất lượng cao phải tổ chức giảng dạy 1 số môn song ngữ, đặc biệt về các môn khoa học cơ bản.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Thu Phương, Hiệu phó Trường tiểu học Ban Mai (Hà Đông) đề xuất UBND TP điều chỉnh tiêu chí về đảm bảo chất lượng trường chất lượng cao. Theo bà Phương, tiêu chuẩn d/20/2013/QĐ-UBND yêu cầu: “80% trở lên học sinh xếp loại đạt giỏi, không quá 5% học sinh xếp loại trung bình”. Tuy nhiên, học sinh tiểu học hiện nay đang được đánh giá theo thông tư 30, không có quy định đánh giá chất lượng học sinh trung bình.

Không chi trả đủ cho giáo viên

Một số hiệu trưởng khác lại kêu khó khăn khi tự chủ tài chính trường chất lượng cao. Hiệu trưởng một trường cho rằng, trên thực tế, tường chỉ được thu từ 1.600.000 đồng học sinh/ tháng đối với học sinh lớp 6,7 / và 1.900.000 đồng/ học sinh/ tháng đối với học sinh lớp 8,9. Trong khi quy định tối đa được phép thu 3.400.000 đồng/ học sinh/ tháng. 

Điều này dẫn đến thu nhập giáo viên không đảm bảo, khó khích lệ tinh thần cho giáo viên làm việc. Trường không dám tuyển dụng đủ giáo viên theo quy định (1,9 giáo viên/ lớp), hiện nay chỉ đáp ứng được 1,6 giáo viên/ lớp. Vì vậy, hiệu trường này thừa nhận tất cả các giáo viên đều dạy vượt giờ, trong khi vẫn “ôm” nhiều việc khác nên chất lượng khó có thời gian để soạn bài nâng cao chất lượng bài soạn.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội ông Nguyễn Hữu Độ cho rằng, sau 3 năm thực hiện Luật Thủ đô (2013), Hà Nội đã phát đạt một số thành tựu khi triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đạt chuẩn quốc gia, xây dựng mô hình chất lượng cao đáp ứng nguyện vọng học tập của phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, theo ông Độ mô hình trường chất lượng cao là mô hình mới, đặc biệt khi các trường tự chủ nên gặp không ít khó khăn trong chỉ đạo, quản lý, tài chính…

Theo ông Độ, để xây dựng uy tín của một ngôi trường cần một hành trình dài. Trường chất lượng cao phải có uy tín, nên đi chậm mà chắc để đảm bảo các tiêu chí: cơ sở vật chất, dịch vụ, đội ngũ, chất lượng khác biệt. Vì vậy, lãnh đạo sở này đề nghị các trường tháo gỡ khó khăn để tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng trường chất lượng cao.

Ý kiến của bạn

Bình luận