Hà Nội xác định phương tiện nào thay thế xe máy?

22/03/2019 08:55

Để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực hạn chế hoạt động xe máy, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cũng đề ra lộ trình các phương tiện thay thế xe máy.


 

Brt2_Opt
Hoạt động của tuyến buýt BRT qua trạm Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Sở GTVT Hà Nội báo cáo về việc nghiên cứu, xây dựng đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”.

Theo đó, Hà Nội xác định cần phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, minibus, BRT, đường sắt đô thị và các loại phương tiện vận tải hành khách hỗ trợ khác như taxi, xe hợp đồng đến 9 chỗ, xe đạp công cộng.

Đề án này nêu rõ, xe buýt đóng vai trò chủ đạo đến khi hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn là đường sắt đô thị và BRT hoàn thiện mạng lưới theo quy hoạch (dự kiến sau năm 2030).

Phương tiện này có nhiệm vụ bao phủ, đảm bảo tiếp cận của người dân đến hệ thống vận tải hành khách công cộng. Bên cạnh đó, chúng còn giải quyết các chuyến đi liên vùng, các chuyến đi nội bộ trong khu vực; hỗ trợ gom khách cho các tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn khi hình thành. Quy mô đến năm 2030 phát triển 180 tuyến, 2.700 phương tiện.

Mặt khác, Sở GTVT cũng nêu rõ, minibus hoạt động trong khu vực hạn chế về điều kiện hạ tầng (mặt cắt ngang các đường nhỏ hẹp), gom khách cho các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tăng cường khả năng tiếp cận hệ thống giao thông công cộng tới người dân.

Theo đề án, xe buýt nhanh BRT sẽ kết nối khu vực trung tâm với các khu đô thị vệ tinh trên các hàng lang vận tải lớn. Quy mô đến năm 2030 phát triển 8 tuyến.

Mặt khác, phương tiện công cộng thay thế xe máy còn được kể đến là đường sắt đô thị với khả năng chuyên chở lớn (>30.000 KH/giờ/hướng). Phương tiện này là xương sống chủ yếu của hệ thống vận tải hành khách công cộng, đảm nhiệm vận tải hành khác trên các trục chính có nhu cầu đi lại lớn.

Để giải quyết một phần nhu cầu đi lại của người dân, xe taxi, xe hợp đồng cũng được xác định là phương tiện thay thế xe máy.

Ngoài ra, xe đạp công cộng được đề xuất sẽ giải quyết các chuyến đi ngắn, hỗ trợ mạng lưới vận tải hành khách công cộng, góp phần tạo thói quen sử dụng vận tải hành khách công cộng của người dân.

Đề án trên nhằm cụ thể hóa lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP đã được HĐND TP.Hà Nội thông qua tại kỳ họp tháng 7.2017.

Theo đó, Sở GTVT Hà Nội đề xuất xây dựng phương án cấm xe máy theo ba giai đoạn: 2019-2025, 2026-2030 và sau năm 2030.

Ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - cũng khẳng định, không phải đến năm 2020 Hà Nội cấm xe máy mà đến năm 2020 xây dựng lộ trình đề án, sau đó trình lên các cấp có thẩm quyền, khi được duyệt thì các vấn đề liên quan đã phải được tính toán cụ thể. Về nguyên tắc, tất cả nội dung này Sở GTVT, các cơ quan khác không tùy tiện đưa ra mà trên cơ sở có chủ trương, có định hướng... 

Ý kiến của bạn

Bình luận