Hà Nội đề xuất cơ chế đặc thù để xây cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 |
Theo đó, UBND TP Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ chuyển đổi hình thức đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố sang hình thức PPP (hợp tác công - tư), hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) của dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) với tổng số vốn đầu tư hơn 2.560 tỷ đồng và cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư.
Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 1) gồm một cầu phía thượng lưu với bề rộng mặt cắt ngang 19,2m và đường dẫn hai đầu cầu có tổng mức đầu tư 3.597 tỷ đồng, đã triển khai thi công hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2010.
Giai đoạn 2 của dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy được UBND TP Hà Nội phê duyệt với quy mô hoàn thiện toàn bộ mặt cắt cầu bằng một cây cầu nữa với thiết kế và hình dáng giống như cầu Vĩnh Tuy trước đó với chiều dài cầu khoảng 3.504m, bề rộng 19,2m có tổng mức đầu tư khoảng 2.561 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư ngân sách thành phố, hoàn thành trong giai đoạn 2013-2015.
Tuy nhiên, sau đó, Hà Nội đã đình giãn, hoãn tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công giai đoạn 2013-2015 trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó có dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2).
Hiện nay, Hà Nội đang chỉ đạo triển khai thực hiện đầu tư mở rộng tuyến đường vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy theo quy hoạch (bao gồm cả mở rộng mặt cắt dưới đất và xây dựng đường trên cao), do vậy lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông tập trung về cầu Vĩnh Tuy ngày càng tăng.
Để giải quyết tình trạng trên, Hà Nội xác định dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 thuộc danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020, chấp thuận điều chỉnh hình thức đầu tư dự án theo hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao).
Do dự án thuộc danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2016 -2020, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành cùng với dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 theo hình thức PPP, hợp đồng BT.
Hà Nội cũng đề nghị cho phép được lựa chọn nhà đầu tư theo cơ chế đặc thù để đàm phán, ký kết hợp đồng dự án và chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả lựa chọn; cho phép nhà đầu tư được lựa chọn hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, trình phê duyệt điều chỉnh đồng thời với phê duyệt phương án chuyển đổi hình thức đầu tư dự án.
Khi được Thủ tướng chấp thuận, Hà Nội sẽ chỉ đạo hoàn thiện thủ tục để có thể khởi công dự án trong năm 2017, sớm thực hiện hoàn thành dự án, góp phần giải quyết nhu cầu giao thông trên tuyến, tạo diện mạo văn minh đô thị.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.