Hạ tầng giao thông Thủ đô chưa theo kịp tốc độ phát triển

Tác giả: Lê Minh

saosaosaosaosao
03/11/2019 08:54

Tình trạng thiếu đồng bộ và kém phát triển của giao thông đô thị là một trong những yếu tố kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.

 

do xe

Mô hình IPARKING được thực hiện thí điểm trên tuyến phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội

Còn nhiều bất cập

Tại Hội thảo “Thúc đẩy vận hành và Quản lý giao thông công cộng hiệu quả - Chia sẻ kinh nghiệm thành công của Thụy Điển tại các nước đang phát triển” do Đại sứ quán Thụy Điển và UBND TP. Hà Nội tổ chức năm 2018, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Hà Nội được chú trọng đầu tư nhiều loại hình vận tải công cộng như đường sắt trên cao, xe buýt. Sản lượng hành khách đi xe buýt năm 2018 đạt trên 450 triệu/lượt, tăng 3,2% so với năm 2017, đáp ứng được 14,1% nhu cầu của nhân dân... “Đây là những con số ấn tượng trong vận tải hành khách công cộng”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Tuy nhiên, cùng với việc đầu tư các phương tiện giao thông công cộng,  Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng chỉ ra thực tế giao thông đô thị Việt Nam đang thiếu sự gắn kết quy hoạch, quỹ đất dành cho giao thông chưa đáp ứng nhu cầu, sự gia tăng nhanh phương tiện từ 10 - 15% ảnh hưởng lớn đến thói quen dùng phương tiện cá nhân, kìm nén sự phát triển GTVT công cộng.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ ra nguyên nhân là do kinh tế tăng trưởng tốt, mức sống của người dân được cải thiện, nhu cầu mua xe cá nhân tăng lên. Ước tính Thủ đô hiện có 5,48 triệu xe máy, tăng hàng năm là 6,7%. Ô tô cũng có mức tăng khoảng 12%/năm. Trong khi đó, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông đô thị chỉ khoảng 3,9%/năm, cùng với đó là ý thức tham gia giao thông của một số người chưa cao dẫn đến UTGT nghiêm trọng ở Hà Nội.

Lãnh đạo TP. Hà Nội cho biết thêm, số người nhập cư vào Thủ đô ngày càng  gia tăng. Dân số Hà Nội hiện nay khoảng 7,5 triệu người dẫn đến áp lực giao thông ngày càng nặng. Việc dân số Thủ đô tăng nhanh còn khiến quỹ đất và không gian đô thị ngày càng bị thu hẹp. Đất chật, người đông khiến chi phí xây dựng bị đẩy lên cao, nhất là chi phí giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng chỉ ra nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thực trạng này là quy hoạch giao thông không đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất. TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng giữa giao thông và quy hoạch luôn có sự kết hợp chặt chẽ. Hà Nội có Đồ án Quy hoạch chung xây dựng từ tháng 4/2011 nhưng phải đến tháng 3/2016 mới phê duyệt Quy hoạch GTVT. Ngay từ khâu làm quy hoạch đã bất cập như vậy nên đương nhiên quá trình phát triển đô thị của Hà Nội sinh ra nhiều hệ lụy.

Hướng tới giao thông thông minh

PGS. TS. Hồ Ngọc Hùng - Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng) cho rằng, các giải pháp quy hoạch giao thông thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông thực tế đang ngày một tăng nhanh. Để giải quyết vấn đề này, theo kinh nghiệm các nước, việc lập quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng hay tích hợp quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch phát triển giao thông là điều bắt buộc. Để có dự báo tương đối chính xác về phát triển dân số và nhu cầu giao thông đô thị phục vụ cho công tác lập quy hoạch, Hà Nội cần xây dựng và định kỳ cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu cần thiết để tiếp tục phục vụ cho giai đoạn lập quy hoạch các phân khu và quy hoạch chi tiết theo định hướng giao thông công cộng.

Đồng quan điểm trên, PGS. TS. Vũ Hoài Nam - Trưởng Bộ môn Đường ô tô, Đường đô thị (Trường Đại học Xây dựng) cho rằng, ưu tiên cho giao thông công cộng là giải pháp sống còn cho Hà Nội. Để đạt tỷ lệ giao thông công cộng “gánh” 50 - 60% thị phần vận tải hành khách như mục tiêu đề ra, giao thông công cộng cần được ưu tiên nguồn vốn tương xứng, bố trí quỹ đất phát triển sẵn hạ tầng như đường, làn dành riêng hoặc trục vận tải hành khách chính… Thay vì đầu tư mở nhiều tuyến đường mới, Hà Nội nên đầu tư mở đường dành riêng cho giao thông công cộng, đặc biệt là những hành lang kết nối đầu mối giao thông lớn như khu công nghiệp, khu đô thị, trung tâm dịch vụ, các trường đại học… “Chúng ta không cần những con đường nhiều làn xe hoành tráng đầy ắp xe con và xe máy mà chỉ cần hai làn xe cho xe buýt tốc độ cao vận chuyển với số lượng lớn hành khách. Chi phí đầu tư chắc chắn sẽ nhỏ hơn rất nhiều”, ông Nam nhấn mạnh.

Các chuyên gia đều cho rằng, trong tương lai Hà Nội sẽ phát triển trên cơ sở cấu trúc đa trung tâm, vì vậy cần được hỗ trợ hiệu quả bởi hệ thống vận tải công cộng sức chở lớn. Bên cạnh đó, phương tiện giao thông cá nhân hiện có phải được nghiên cứu sử dụng hiệu quả, xem như loại hình trung chuyển, kết nối với phương tiện công cộng trong điều kiện hạ tầng đô thị đang quá tải.

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có diện tích lên tới 3.300km2 với hơn 7 triệu dân sinh sống. Theo đó, những vấn đề về quy hoạch và an sinh xã hội trở thành những thách thức không nhỏ đối với Thủ đô. Xây dựng mô hình thành phố thông minh ứng dụng công nghệ mới thời kỳ 4.0 là xu thế tất yếu, trong đó giao thông là một trong những lĩnh vực sẽ được Thành phố tập trung triển khai.

Được biết, hiện Hà Nội đang triển khai một số thành phần cơ bản của hệ thống giao thông thông minh. Cụ thể, Sở GTVT đã phối hợp với Công ty Hệ thống thông tin FPT xây dựng dự toán thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với một số hạng mục; triển khai hai hạng mục công nghệ thông tin: “Số hóa cơ sở dữ liệu hạ tầng và phương tiện giao thông” và “Xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến phục vụ công tác quản lý, điều hành giao thông”; đã hoàn thành việc lập đề cương dự toán chi tiết, thu thập dữ liệu đối với 362 nút đèn tín hiệu giao thông và 62.172 điểm GPS quanh nút đèn trên địa bàn thành phố, 930 tuyến đường trên địa bàn 12 quận, 1.562 điểm dữ liệu GPS và hình ảnh về hạ tầng vận tải hành khách công cộng (điểm dừng, nhà chờ, điểm trung chuyển, điểm đầu cuối), 1.608 xe buýt (mã tuyến, biển kiểm soát, nhãn hiệu, năm sản xuất, năm sử dụng, sức chứa, thời gian hoạt động, đơn vị quản lý), 320/800 nút giao ngã tư và 5 điểm tiếp cận quanh nút giao (1.600 điểm).

Ngoài ra, Sở GTVT đã phối hợp triển khai dự án thẻ vé do Cơ quan Hợp tác Quốc tế JICA tài trợ; thí điểm triển khai hệ thống vé điện tử trên tuyến buýt nhanh BRT 01; triển khai ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động IPARKING. Hiện Sở đã có văn bản báo cáo Thành phố chấp thuận chủ trương triển khai chính thức phần mềm GovOne phục vụ công tác quản lý duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn và mở rộng phạm vi ứng dụng đối với lực lượng TTGT.

Sở cũng thí điểm lắp đặt hệ thống camera xử lý vi phạm tại Bến xe Giáp Bát, nghiên cứu đề xuất lắp đặt camera hỗ trợ xử lý vi phạm trên xe tuần tra của TTGT và camera giám sát hỗ trợ công tác quản lý tại các điểm trông giữ phương tiện áp dụng công nghệ IPARKING; phối hợp với Siemens thí điểm lắp đặt ứng dụng công nghệ mới cho hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại nút Dương Đình Nghệ - Phạm Hùng - Mễ Trì và đã trình UBND Thành phố đề nghị thành lập đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm tại Trung tâm Giám sát và Điều hành giao thông Thủ đô Moscow (Nga).

Nói về giải pháp phát triển giao thông đô thị ở Hà Nội, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết thời gian tới Hà Nội sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng nhiều dự án như cải tạo trục hướng tâm; xây mới trục chính đô thị, nút giao thông, xây đường và đưa vào sử dụng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội…

Ngoài ra, Hà Nội đang thực hiện đồng bộ 6 gói giải pháp gồm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo đúng quy hoạch của Chính phủ; tổ chức giao thông hợp lý; phát triển đồng bộ hệ thống giao thông công cộng, trong đó phát triển xe buýt và hai dự án đường sắt đô thị là rất quan trọng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thành phố thông minh...

Ý kiến của bạn

Bình luận