Để giảm thiểu tình trạng gia tăng đột biến xe tải, xe container lưu thông trên đường tỉnh lộ 391 muốn “né” trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Sở GTVT Hải Dương mới ra thông báo sẽ thiết lập biển báo hạn chế đối với xe ô tô tải từ 4 trục trở lên trên đường tỉnh lộ 391 vào các giờ cao điểm, từ 6 – 8h sáng và 16 – 20h chiều.
Sau ngày 20/4, xe tải đi vào tỉnh lộ 391 (Hải Dương) trong giờ cấm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. (Ảnh: Dân trí) |
Sở này cho biết, sau khi hệ thống biển báo được thiết lập, kể từ ngày 15 – 20/4, các lực lượng chức năng của tỉnh Hải Dương sẽ tiến hành kiểm tra, nhắc nhở các xe đi vào đường tỉnh lộ 391 trong thời gian hạn chế.
Thông báo còn nêu rõ: “Sau ngày 20/4, các lực lượng chức năng sẽ xử lý các phương tiện vi phạm theo quy định của pháp luật”.
Hiện tượng gia tăng đột biến xe tải, xe container lưu thông trên đường tỉnh lộ 391 được hiểu là do từ ngày 1/4 vừa qua, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đã tiến hành điều chỉnh mức phí đường ô tô trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tăng trung bình thêm 25%. Đồng thời, VIDIFI cũng đã triển khai tăng phí lưu thông trên Quốc lộ 5 lần 2 theo biểu mức phí được Bộ Tài chính phê duyệt.
Theo phương án điều chỉnh của VIDIFI, nếu trước đây phương tiện lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có mức thu phí 1.500 đồng/km/PCU - xe tiêu chuẩn, thì từ ngày 1/4 đã tăng lên 2.000 đồng/km/PCU. Mức phí lưu thông đối với phương tiện tiêu chuẩn trên Quốc lộ 5 được điều chỉnh tăng từ 15.000 - 40.000 đồng/lượt, đưa mức phí lưu thông toàn tuyến dao động từ 45.000 đồng/lượt đến 200.000 đồng/lượt.
Còn tại tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, phí lưu thông cho các phương tiện tiêu chuẩn tăng trung bình 25% so với mức áp từ đầu tháng 12/2015. Phí áp cho ô tô dưới 12 chỗ tăng từ mức 160.000 đồng/lượt lên 210.000 đồng/lượt.
Cũng với tuyến này, mức phí cao nhất là 840.000 đồng/lượt áp cho xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe container 40 feet cho tuyến từ đường Vành đai 3 đến nút giao đường tỉnh lộ 356 (Đình Vũ, Hải Phòng) và ngược lại.
Một điều đáng chú ý là, sau khi phí đường bộ được điều chỉnh tăng ở cả 2 tuyến đường trục chính lưu thông giữa Hà Nội với Hải Phòng, mật độ phương tiện xe tải nặng lưu thông trên các tuyến này lại có xu hướng giảm, trong khi mật độ phương tiện loại này lại có xu hướng tăng tại các tuyến tỉnh lộ.
Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương - ông Lê Đình Long cho biết, các phương tiện xe tải nặng, xe container lưu thông trên tuyến tỉnh lộ 391 đã tăng gấp 3 lần so với lưu lượng thiết kế của đường, tăng gấp hơn 10 lần so với lưu lượng trung bình năm 2015.
Trong khi đó, vào các giờ cao điểm, tuyến đường 391 thường có hơn 30.000 công nhân, học sinh đi lại, với sự tham gia quá lớn của các phương tiện xe tải sẽ tiềm ẩn gây nguy cơ mất trật tự, an toàn giao thông.
Chính chủ đầu tư là VIDIFI cũng nhận thấy điều này, bởi theo thống kê của VIDIFI, kể từ khi đưa toàn tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vào khai thác đến nay, lưu lượng xe từ 18 tấn trở lên, xe chở container 40 feet (xe loại 5) lưu thông trên tuyến này khá thấp, chỉ đạt 102.000 lượt xe trong tổng số 1,3 triệu lượt xe (tương đương 7,65%) và bằng 15% so với lượng xe loại này lưu thông trên Quốc lộ 5.
Nguyên nhân được VIDIFI lý giải cho xe loại 5 ít lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là do hầu hết các khu công nghiệp, các nhà máy lớn đều nằm hai bên Quốc lộ 5; việc kiểm soát tải trọng xe trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được thực hiện chặt chẽ hơn so với Quốc lộ 5. Trong khi đó, mức phí đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đối với xe loại 5 cao gấp 2,62 lần phí lưu thông trên Quốc lộ 5. Vì thế, nhiều lái xe loại 5 thường cho xe đi theo đường vòng, đi vào các đường địa phương, đường tỉnh lộ để tránh trạm thu phí.
Trước thực tế trên, sau khi xem xét và cân đối cũng như tính toán lưu lượng phương tiện, ngày 22/3, VIDIFI đã có tờ trình gửi Hội đồng Quản trị, Bộ GTVT đề xuất tạm thời giảm 35% mức phí đối với xe từ 18 tấn trở lên, xe chở container 40 feet (xe loại 5) trong năm 2016.
Nếu được chấp thuận, phí đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với xe loại 5 chỉ còn 1.300 đồng/km/PCU (tương đương 6.929 đồng/km). Sau năm 2016, căn cứ lưu lượng xe lưu thông VIDIFI sẽ điều chỉnh mức phí xe loại 5 cho phù hợp.
Như vậy, với đề xuất giảm phí này, xe loại 5 lưu thông từ nút giao đường tỉnh 353 đến nút giao đường tỉnh 356 (Đình Vũ) và ngược lại sẽ có mức phí ít nhất là 70.000 đồng/lượt; Xe loại 5 từ nút giao vành đai III đến nút giao đường tỉnh 356 (Đình Vũ) và ngược lại sẽ có mức phí cao nhất là 760.000 đồng/lượt.
Theo chủ đầu tư VIDIFI, việc đề nghị giảm phí nói trên nhằm thu hút nhóm xe loại 5 đi trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nhiều hơn, góp phần giảm tải cho Quốc lộ 5. Tuy nhiên cho đến nay, đề xuất giảm phí cho loại phương tiện này vẫn chưa được chấp thuận từ phía Bộ GTVT.
Để đến nỗi gần đây nhất, UBND tỉnh Hải Dương cũng đã phải đề nghị Bộ Tài chính, Bộ GTVT và VIDIFI xem xét điều chỉnh giảm mức phí xe 4 trục trở lên tại các trạm trên Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nhằm tăng lưu lượng xe, nâng cao hiệu quả khai thác Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, giảm thiểu các phương tiện đi vào hệ thống đường địa phương, gây mất an toàn giao thông và hư hỏng kết cấu công trình giao thông của địa phương…
Như vậy, sau khi phí đường bộ trên Quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đồng loạt tăng lên, cùng với thông báo của Sở GTVT Hải Dương sẽ xử phạt trong giờ cao điểm, chắc hẳn các loại xe vận tải sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải trả phí cao để sử dụng đường dự án BOT, đường Quốc lộ nếu không muốn bị phạt.
Câu chuyện tăng phí đường bộ gắn liền với cước phí, giá dịch vụ vận tải, giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng… sẽ tăng luôn là điều dễ hiểu. Việc tăng phí đường bộ, đặc biệt là tại các dự án giao thông được đầu tư theo hình thức BOT theo lộ trình nhằm đẩy nhanh khả năng thu hồi vốn cũng là việc phải làm.
Tuy nhiên, mức phí và lộ trình tăng phí ra sao cần phải được xem xét, cân đối cho phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế, của người dân ở những thời điểm nhất định, đặc biệt đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Trong khi Hà Nội và Hải Phòng hiện đang là hai đầu mối trọng điểm cho phát triển kinh tế, công nghiệp và thương mại, nếu không giải quyết được ổn thỏa bài toán giao thương, cước phí vận tải như hiện nay, giao thông - vận tải sẽ không có cách nào khác để giảm chi phí, tăng năng lực lưu thông, từ đó rất khó đẩy mạnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo các mục tiêu đã được đề ra./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.