Hai hạm đội Mỹ hợp lực thiết lập “địa ngục” trước “cửa nhà” Trung Quốc

Chính trị 28/10/2016 15:52

Hạm đội 3 tới Biển Đông phối hợp với Hạm đội 7 khiến Trung Quốc tức giận.

2810us-navy-1477623677937-10-2-315-600-crop-147762
 


Việc Mỹ tăng cường binh lực của Hạm đội 3 tới Biển Đông phối hợp với Hạm đội 7 là bước đi quan trọng trong thực hiện chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, khiến Trung Quốc tức giận.

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 27/10 dẫn phân tích của truyền thông Mỹ cho hay ngoài Trung Quốc, căng thẳng giữa Nga và phương Tây khiến Hải quân Mỹ không thể không xem xét khả năng đối mặt với Nga một khi xung đột tiềm tàng trên biển xảy ra.

Nếu hai hạm đội Mỹ hợp lực với nhau sẽ buộc Trung Quốc và Nga phải đánh giá lại kế hoạch bố trí binh lực của hai nước này ở Thái Bình Dương.

Đáng chú ý, theo Thời báo Hoàn cầu, có cơ quan truyền thông Mỹ còn nói hành động phối hợp giữa Hạm đội 3 và Hạm đội 7 của hải quân Mỹ chẳng khác nào việc thiết lập "địa ngục" trước "cửa nhà" Trung Quốc.

Trên phiên bản điện tử, tờ báo này cũng lấy đây là tiêu đề cho bài viết liên quan và cho rằng hành động của Mỹ buộc hải quân Trung Quốc phải sử dụng thêm nhiều tài nguyên nhằm theo dõi hoạt động của hải quân Mỹ.

Đồng thời, sự xuất hiện của hai hạm đội Mỹ sẽ kiềm chế hoạt động bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo (phi pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như yêu cầu về (cái gọi là) "lãnh thổ" đối với các nước đồng minh, đối tác của Mỹ, làm đòn bẩy để Mỹ duy trì tái cân bằng sức mạnh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trước đó hai ngày, trong một bản tin phát đi từ Tokyo, hãng tin Reuters dẫn hai nguồn tin giấu tên khẳng định tàu khu trục USS Decatur (DDG 73) mà Hải quân Mỹ cử tới tuần tra ở Biển Đông vào hôm 21/10 không thuộc Hạm đội 7 mà nằm trong biên chế Hạm đội 3 có tổng hành dinh ở San Diego, vốn không hề can thiệp vào châu Á kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Động thái này cho thấy Washington đang thử nghiệm sự thay đổi mới, cho phép Hải quân Mỹ hoạt động cùng một lúc trên hai mặt trận ở châu Á, vừa ở xung quanh bán đảo Triều Tiên, vừa ở khu vực Philippines.

Trong số ra ngày 25/10, tờ International Business Times dẫn lời người phát ngôn Hạm đội 3 Ryan Perry xác nhận vai trò chỉ huy của Hạm đội 3 đối với tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Decatur.

Theo ông Perry, USS Decatur là một trong ba chiếc thuộc Nhóm Hành động trên biển (SAG) được cử tới vùng biển tranh chấp ở Biển Đông vào 6 tháng trước. SAG được triển khai sau khi Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift ám chỉ về việc sẽ mở rộng vai trò của Hạm đội 3 và sau đó trong bối cảnh những mối căng thẳng với Trung Quốc gia tăng, Hạm đội 3 tuyên bố sẽ cử thêm tàu tới Đông Á, ngoài USS Decatur còn có một tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường khác là USS Momsen (DDG 92).

Liên quan tới vấn đề nêu trên, tờ Thời báo Hoàn cầu phỏng vấn chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Quân Xã cho biết thêm về tổng thể, Hạm đội 3 là lực lượng dự bị của Hạm đội Thái Bình Dương, đảm nhiệm các hành động phản ứng nhanh đối với các sự kiện lớn tại các nơi trên thế giới, nhất là Thái Bình Dương, và tiến hành chi viện cho Hạm đội 7.

Tây Thái Bình Dương về truyền thống nằm trong phạm vi của Hạm đội 7 còn Hạm đội 3 chủ yếu phụ trách khu vực Đông Thái Bình Dương. Việc tàu chiến của Hạm đội 3 tiến vào khu vực Tây Thái Bình Dương cho thấy thể chế chỉ huy tác chiến của Hải quân Mỹ đã có sự thay đổi quan trọng.

Hành động của Mỹ đã khiến Trung Quốc tức giận.

Ngày 21/10, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho rằng việc chiến hạm Mỹ tự ý vào (cái gọi là) "lãnh hải của Trung Quốc" là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cũng là hành vi cố ý thách thức, gây tổn hại nghiêm trọng tới sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên. Bộ Quốc phòng Trung Quốc kiên quyết phản đối và có giao thiệp nghiêm chính với phía Mỹ.

Về phía Việt Nam, ngày 24/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Là quốc gia ven Biển Đông và quốc gia thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng việc các quốc gia thực hiện các quyền tại Biển Đông phù hợp với quy định của Công ước, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không.

Những yêu sách biển và hành động liên quan của các quốc gia cần phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Việt Nam nhấn mạnh tất cả các quốc gia cần có đóng góp mang tính xây dựng và tích cực, phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương".

Ý kiến của bạn

Bình luận