Được san lấp, nén ép liên tục nhưng bãi thải của DAP - VINACHEM vẫn gây ô nhiễm nặng nề. Ảnh: Lê Tân. |
Chiều 17/8, bên lề kỳ họp HĐND TP.Hải Phòng, ông Phạm Chí Bắc, Chủ tịch UBND Q.Hải An, cho biết tình trạng ô nhiễm mà nhà máy phân bón này gây ra đã nhiều năm và ảnh hưởng nhiều đến khu công nghiệp Đình Vũ, một số hộ dân làm nghề nuôi trồng thủy sản gần đây cũng bị ảnh hưởng vì nước thải làm chết tôm cá.
Mùi a xít
Ghi nhận của PV cho thấy, vào các ngày có gió đông nam, nhiều khu dân cư của các phường Đông Hải 1, Đông Hải 2, Nam Hải, Tràng Cát, Đằng Hải (Q.Hải An) có mùi a xít từ nhà máy này.
Trong nhiều kỳ tiếp xúc cử tri, người dân các phường kể trên đã nêu vấn đề và UBND Q.Hải An ít nhất đã 2 lần có kiến nghị khắc phục. Ngành du lịch của TP.Hải Phòng cũng bị ảnh hưởng khi các phương tiện đến khu du lịch Cát Bà đều phải đi qua đoạn đường khoảng 3 km trong khói bụi từ nhà máy. Tình trạng gây ô nhiễm của DAP - VINACHEM cũng được phản ánh lên Bộ TN-MT và ngày 4/8 cơ quan này đã có văn bản yêu cầu kiểm tra thông tin “đây là bãi thải chứa chất cực độc với khối lượng lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân”.
Đáng chú ý, ngay từ khi DAP-VINACHEM manh nha, dự án đã bị cảnh báo gây ô nhiễm môi trường, thậm chí nhiều người phản đối vì “không ai đi làm nhà máy phân ở đầu nguồn gió của TP”, nhưng nhà máy vẫn được xây dựng với số vốn 172,3 triệu USD. Dự án có 100% vốn nhà nước, thuộc Tập đoàn công nghiệp hóa chất VN, khởi công từ tháng 7/2003 đến tháng 4/2009 thì hoàn thành.
“Trọng điểm ô nhiễm”
Từ nội thành Hải Phòng đến khu du lịch Cát Bà, du khách sẽ thấy một nhà máy liên tục xả ra khói bụi. Từ đây, chất thải theo một băng chuyền chạy qua đường đổ thành một bãi cao ngất màu xám. Vào những ngày nắng, bụi bốc mù mịt, ngày mưa thì bùn thải chảy ra nhão nhoẹt, mùi a xít bốc lên rất khó chịu.
Đến khảo sát chiều 17/8, PV bị bảo vệ ngăn lại và cho biết nhà máy đã dừng hoạt động mấy hôm nay nên không thể liên lạc được với lãnh đạo.
Theo báo cáo của Sở TN-MT Hải Phòng, trong quá trình sản xuất phân bón, nhà máy tạo ra bã thải (gypsum). Đến thời điểm hiện tại, lượng bã thải đang chứa tại bãi xấp xỉ 2,3 triệu tấn với chiều cao khoảng 25 m, trên diện tích hàng chục ngàn mét vuông. Tại phiên chất vấn của HĐND TP.Hải Phòng, Giám đốc Sở TN-MT Phạm Quốc Ka thừa nhận DAP - VINACHEM là “trọng điểm ô nhiễm”.
Theo đó, bụi và nước từ bãi thải có tính axít cao khi ra môi trường sẽ gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Ông Ka kiến nghị yêu cầu nhà máy giảm công suất, đồng thời có giải pháp xử lý triệt để nước từ bãi thải, thu gom, xử lý triệt để bã thải, gia cố bờ bao, trồng cây xanh. Sở TN-MT sẽ xây dựng trạm quan trắc 24/24 để giám sát bãi thải. “Nếu doanh nghiệp không bảo đảm về môi trường, chúng tôi sẽ đề xuất đóng cửa nhà máy”, ông Ka nói.
Trả lời PV hôm qua, ông Bùi Trung Nghĩa, Bí thư Huyện ủy H.Cát Hải (TP.Hải Phòng), lo lắng về lâu dài, nước rò rỉ từ bãi thải và khói bụi của nhà máy này còn có thể ảnh hưởng tới môi trường nước, không khí của khu du lịch Cát Bà. “Để lâu không khéo lại trở thành Formosa thứ hai. Theo tôi thì cứ đóng cửa nhà máy lại là tốt nhất”, ông Nghĩa nói.
Thực tế, DAP - VINACHEM đã góp vốn để triển khai một nhà máy tái chế bã thải gypsum thành sản phẩm thạch cao. Dự án đã được công bố từ năm 2015 với tổng số vốn đầu tư 245 tỷ đồng, công suất xử lý 750.000 tấn bã thải mỗi năm. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án rất chậm và đến nay hầu như chưa hoạt động. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.