Hai phương án đầu tư tuyến đường kết nổi tỉnh Bình Phước và Đồng Nai

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Đường bộ 19/07/2022 16:38

Bộ GTVT vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.


Việc xây cầu Mã Đà gây tác động lớn đến hệ sinh thái, đồng thời tạo áp lực về nguồn vốn rất lớn (Ảnh minh họa)

Việc xây cầu Mã Đà gây tác động lớn đến hệ sinh thái, đồng thời tạo áp lực về nguồn vốn rất lớn (Ảnh minh họa)

Bộ GTVT cho biết, tại cuộc họp với UBND tỉnh Bình Phước, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì, làm việc với các Bộ ngành, địa phương và các cơ quan liên quan để thống nhất phương án đầu tư nâng cấp tuyến đường ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã giao Viện Chiến lược và Phát triển GTVT phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương nghiên cứu đầu tư tuyến kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai qua cầu Mã Đà.

Ngày 22/4/2022, Bộ GTVT đã tổ chức họp với các Bộ ngành liên quan và địa phương; ngày 28/5/2022, Bộ GTVT cùng địa phương đi kiểm tra hiện trường và làm việc với UBND tỉnh Bình Dương.

Bộ GTVT cũng đã có văn gửi các Bộ và các địa phương đề nghị tham gia ý kiến về các phương án đầu tư tuyến kết nối. Đến nay, Bộ GTVT đã nhận được ý kiến tham gia của 5 Bộ, 2 địa phương.

Cần thiết đầu tư tuyến kết nối Bình Phước và Đồng Nai

Bình Phước là địa bàn chiến lược quan trọng, kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với TP. HCM và vùng Đông Nam Bộ, có đường biên giới với Vương quốc Campuchia. Bình Phước đất rộng, người thưa, có nhiều dư địa, tiềm năng phát triển, nhất là phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, năng lượng nhưng còn khó khăn, thách thức trong đó có kết nối hạ tầng giao thông.

Hiện nay, giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai chưa có tuyến giao thông kết nối trực tiếp giữa 02 tỉnh, với cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu và cảng hàng không quốc tế Long Thành. Việc kết nối theo hướng này thông qua các tuyến kết nối giữa tỉnh Bình Phước với tỉnh Bình Dương có cự ly xa hơn. Để đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông thuận lợi, rút ngắn cự ly giữa các tỉnh vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bình Phước, việc nghiên cứu xây dựng tuyến đường kết nối trực tiếp tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai là cần thiết.

Hiện nay, giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai giáp ranh bởi khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới Đồng Nai đã được UNESSCO công nhận năm 2011. 

Khu DTSQ có tổng diện tích là 969.781 ha, trong đó diện tích vùng lõi là 172.223 ha, vùng đệm là 346.844 ha và vùng chuyển tiếp là 450.714 ha, với 80% diện tích vùng lõi nằm trên địa phận tỉnh Đồng Nai.

Theo báo cáo của tỉnh Đồng Nai, khu vực có 03 di tích lịch sử cách mạng, là nơi yên nghỉ của hàng nghìn liệt sỹ trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Trong khu DTSQ có nhiều hệ sinh thái, gồm nhiều loài thực vật và động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm.

Từ năm 1997, tỉnh Đồng Nai đã có chủ trương và triển khai đóng cửa rừng, không cho các phương tiện qua vùng lõi và di dân để bảo vệ nguyên vẹn các diện tích rừng tự nhiên hiện có và thực hiện một số giải pháp lâm sinh để làm giàu rừng, không thực hiện hoạt động vận tải qua khu vực vùng lõi. 

Về hiện trạng tuyến kết nối, hiện nay, hướng kết nối giao thông trực tiếp tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai thông qua đường tỉnh ĐT.753 và các tuyến đi qua vùng lõi khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Đồng Nai. Trong đó, trên địa bàn tỉnh Bình Phước, đường tỉnh 753 có điểm đầu tại Tp. Đồng Xoài, điểm cuối tại cầu Mã Đà (cầu đã bị phá hủy trong chiến chiến tranh hiện chưa được khôi phục lại, do đó không kết nối được ĐT.753 đến Đồng Nai), chiều dài khoảng 30 km, quy mô đường cấp IV, 2 làn xe; 

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tuyến đi qua vùng lõi khu DTSQ Đồng Nai, chiều dài khoảng 31km, gồm đường Bà Hào - Rang Rang, chiều dài khoảng 13 km (khoảng 4,5 km mặt đường sỏi, đất và 8,5 km là đường BTN); đường tỉnh ĐT.761 và ĐT.767, chiều dài khoảng 18 km, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân địa phương.

2 phương án đầu tư tuyến kết nối Bình Phước – Đồng Nai

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ quy hoạch và các quy định pháp luật liên quan, Bộ GTVT đã tập trung nghiên cứu, đánh giá, xem xét phương án tuyến kết nối trực tiếp tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai trên các tiêu chí: đáp ứng nhu cầu vận tải; phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, bảo vệ môi trường, lâm nghiệp, đa dạng sinh học, di sản văn hoá; các công ước quốc tế; hạn chế tác động đến môi trường, di tích lịch sử nhưng bảo đảm đáp ứng nhu cầu vận tải, hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực; bảo đảm tiết kiệm và phát huy hiệu quả đầu tư.

Từ đó, có 2 phương án được đưa ra:

Phương án 1 theo đề xuất của tỉnh Bình Phước có điểm đầu tại ĐT.741, Tp. Đồng Xoài, đi theo ĐT.753 qua cầu Mã Đà, qua địa phận tỉnh Đồng Nai, tuyến tiếp tục đi theo đường Bà Hào - Sân bay Rang Rang đến các đường tỉnh ĐT.761, ĐT.767và kết nối với đường Vành đai 4, tổng chiều dài khoảng 76 km, trong đó có khoảng 31 km đi qua vùng lõi khu DCSQ Đồng Nai.

Ưu điểm phương án này là hướng tuyến kết nối trực tiếp Bình Phước với Đồng Nai, thuận tiện cho vận doanh, giảm tải cho các tuyến hiện hữu kết nối từ Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên về cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu, CHKQT Long Thành qua tỉnh Bình Dương. Từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối Bình Phước với các tỉnh lân cận, tạo không gian và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước và các tỉnh vùng Tây Nguyên.

Nhược điểm của phương án này là tuyến đi qua vùng lõi Khu DTSQ Đồng Nai với chiều dài khoảng 31km, gây ra các tác động lớn, chia cắt vùng lõi, phân mảnh hệ sinh thái, ảnh hưởng đến hành lang liên kết đa dạng sinh học do các phương tiện lưu thông. Phương án này chưa phù hợp với chủ trương của Đảng và Chính phủ cũng như quy định của các Luật Lâm nghiệp, Di sản văn hóa, Bảo vệ môi trường, Đa dạng sinh học và các điều ước quốc tế, dẫn đến khả năng bị thu hồi chứng nhận Khu DTSQ thế giới.

Chưa kể, phương án này gây khó khăn về nguồn lực khi tỉnh Bình Phước phải bố trí khoảng 500 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp ĐT.753 đảm bảo đồng bộ về quy mô, đáp ứng nhu cầu vận tải tuyến kết nối, đồng thời, để giảm thiểu tác động đến môi trường nên chi phí đầu tư xây dựng rất lớn, dự kiến khoảng 18.100 tỷ đồng.

Như vậy, việc đầu tư xây dựng tuyến kết nối Bình Phước – Đồng Nai qua vùng lõi khu DTSQ Đồng Nai khó khả thi.

Từ những khó khăn, vướng mắc trên, Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung phương án 2 kết nối tỉnh Bình Phước với đường Vành đai 4 – Tp. Hồ Chí Minh, không qua cầu Mã Đà để đánh giá, lấy ý kiến của các Bộ.

Về hướng tuyến, điểm đầu tuyến tại ĐT.741 Tp. Đồng Xoài đi theo ĐT.753, kết nối ĐT.753 với đường Đồng Phú – Bình Dương và đường Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, kết nối về đường Vành đai 4 – thành phố Hồ Chí Minh, tổng chiều dài khoảng 71 km, tổng kinh phí đầu tư bổ sung thêm khoảng 530 tỷ đồng.

Ưu điểm của phương án này là hướng tuyến kết nối từ Tp. Đồng Xoài đến đường Vành đai 4 thuận tiện, đây là tuyến đường ngắn nhất, kinh phí đầu tư ít nhất; về lâu dài, thời gian di chuyển nhanh do tận dụng đường Vành đai 4 – thành phố Hồ Chí Minh, giảm tải cho các tuyến hiện hữu kết nối từ Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên về cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu; tận dụng được ĐT.753, ĐH.416 và ĐT.746 đã được đầu tư, các tuyến đường Đồng Phú – Bình Dương, Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng hiện đang được đầu tư xây dựng; ảnh hưởng thấp nhất đến khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. 

Khó khăn là tỉnh Bình Dương phải quy hoạch, bố trí thêm quỹ đất và cân đối nguồn lực địa phương để đầu tư nâng cấp các tuyến đường hiện hữu. Tỉnh Bình Phước phải bố trí kinh phí khoảng 230 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp ĐT.753 (tương đương 1/2 kinh phí của phương án kết nối qua cầu Mã Đà).

Trên cơ sở phân tích, đánh giá về thuận lợi, khó khăn, ý kiến của các địa phương, các Bộ ngành và quy định của các luật liên quan cho thấy phương án này có tính khả thi cao xét về các mặt tác động đến môi trường; phù hợp với chủ trương của Đảng, không vi phạm các quy định của pháp luật và các công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết; hướng tuyến kết nối thuận tiện, về lâu dài thời gian di chuyển nhanh do tận dụng đường Vành đai 4, giảm tải cho các tuyến hiện hữu kết nối từ Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên về cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu và CHKQT Long Thành; tận dụng được các tuyến đường đã và đang được đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, mạng lưới giao thông kết nối giữa tỉnh Bình Phước và các tỉnh vùng Tây Nguyên với Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam bộ đã được quy hoạch và sẽ được nghiên cứu đầu tư xây dựng trong thời gian tới, bao gồm: đường Vành đai 4 – Tp. Hồ Chí Minh, cao tốc Đắk Nông – Chơn Thành, cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Chơn Thành, đường sắt TP. Hồ Chí Minh – Dĩ An – Lộc Ninh. Sau khi các tuyến đường cao tốc được đầu tư cùng với hệ thống các tuyến đường quốc lộ, đường địa phương đã và đang được đầu tư, khai thác sẽ đáp ứng được nhu cầu vận tải khu vực.

Kiến nghị Thủ tướng đốc thúc các địa phương

Đến nay, Bộ GTVT đã nhận được ý kiến bằng văn bản của 5/6 Bộ, trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Đồng Nai không ủng hộ phương án tuyến đi qua vùng lõi khu DTSQ Đồng Nai.

Do đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Phước chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh Đồng Nai nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án kết nối tỉnh Bình Phước với đường Vành đai 4 – Tp. Hồ Chí Minh (không qua cầu Mã Đà); tỉnh Bình Phước chủ động cân đối nguồn vốn đầu tư mở rộng tuyến ĐT.753 theo kế hoạch của địa phương. 

Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chỉ đạo UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến đường Vành đai 4 – Tp. Hồ Chí Minh theo yêu cầu tại văn bản số 1263/TTgCN ngày 29/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, giao Bộ GTVT cập nhật hướng tuyến kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai trong quá trình triển khai lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để triển khai quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ý kiến của bạn

Bình luận