Hyundai Grand i10 là một trong những dòng xe giá rẻ từ Ấn Độ được nhập nhiều về Việt Nam trong nửa đầu năm 2017. |
Tại cuộc họp báo chuyên đề về tình hình thu ngân sách Nhà nước 11 tháng năm 2017, ông Lưu Mạnh Tưởng - Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu phủ nhận quan điểm cho rằng ngành hải quan lơ là khâu xác định giá trị hàng nhập khẩu, dẫn tới thực tế vừa qua giá khai báo xe nhập từ Ấn Độ tăng giá bất thường từ 90 triệu đồng lên gần 290 triệu đồng một chiếc.
Cụ thể, mỗi xe nhập nguyên chiếc từ thị trường này hồi tháng 4/2017 ở mức hơn 285 triệu đồng một chiếc, gấp hơn 3 lần so với mức 85 triệu đồng cách đó một tháng. Trong khi đó lượng xe nhập tháng 4/2017 chỉ 176 chiếc, giảm khoảng 3.000 xe so với tháng 3... Diễn biến này dấy lên nhiều nghi ngờ các doanh nghiệp nhập khẩu xe đã khai gian giá, dìm giá khi khai báo hải quan nhằm trốn thuế.
Theo ông Tưởng, giá khai báo hàng nhập khẩu của doanh nghiệp phụ thuộc vào chủng loại xe, cấu tạo xe... nên việc tăng hay giảm giá khai báo chưa thể khẳng định "doanh nghiệp có ý đồ gì, đó chỉ là dấu hiệu". Sáu phương pháp trong xác định trị giá hải quan được ngành tuân thủ chặt chẽ (trị giá giao dịch, trị giá hàng hóa giống hệt, hàng hóa tương tự, trừ lùi, tính toán và suy luận), nên chưa hẳn giá khai báo của doanh nghiệp là mức giá được cơ quan này chấp nhận.
Bổ sung thêm, ông Lê Mạnh Hùng - Phó cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu cho rằng, loại xe nhập khẩu từ Ấn Độ đầu năm nay chủ yếu là Hyundai Grand i10, có giá trị thấp. Nhưng từ quý II dòng xe này đã chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam và xe nhập từ thị trường này ở dòng xe cao cấp, có giá trị cao hơn.
"Cơ cấu nhập khẩu từng loại xe được hải quan đánh giá cụ thể, không có chuyện doanh nghiệp khai man để trốn thuế", ông nói và cho biết hiện, Tổng cục Hải quan không thấy phát sinh trường hợp truy thu thuế liên quan đến khai báo trị giá hải quan như những năm trước.
"Chúng tôi phải phân bổ nguồn lực, quản lý rủi ro và ưu tiên trình tự doanh nghiệp kiểm tra. Không có chuyện do doanh nghiệp lớn quá nên hải quan ngại, không dám vào cuộc kiểm tra trị giá hàng nhập khẩu", Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu khẳng định.
Theo ông, khi kiểm tra trị giá, hải quan chia làm 2 giai đoạn: kiểm tra trị giá trong thông quan (kiểm tra hồ sơ, hàng hóa, tham vấn...); kiểm tra sau thông quan trong vòng 5 năm, nếu phát hiện sai phạm có thể truy thu thuế, xử phạt.
"Chúng tôi chưa kiểm tra doanh nghiệp nào không có nghĩa là không kiểm tra, mà phải theo dõi cả quá trình, chứ vừa thấy dấu hiệu đã kiểm tra ngay thì chưa chắc có hiệu quả", ông nói và nhận định, trách nhiệm của doanh nghiệp là phải khai báo chính xác.
Cũng theo số liệu của ngành hải quan, lũy kế số thu ngân sách đến hết tháng 11/2017 đạt 263.000 tỷ đồng, tương đương trên 89% chỉ tiêu được giao. Ngành hải quan khẳng định sẽ thu vượt dự toán 285.000 tỷ đồng chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, nhưng dự kiến số thu ngân sách tháng 12/2017 là 26.000 tỷ đồng, thấp hơn so với các năm trước. Một trong những nguyên nhân được lãnh đạo Cục Thuế xuất nhập khẩu giải thích, theo cam kết Hiệp định thương mại tự do ASEAN từ 1/1/2018 nhiều thuế suất hàng hóa nhập khẩu sẽ về 0%, trong đó có mặt hàng ôtô vốn chiếm tỷ trọng lớn trong thu thuế nhập khẩu, vì thế số thu thuế từ mặt hàng này sẽ giảm mạnh.
"Từ quý III doanh nghiệp đã có tâm lý chờ sang năm 2018 nhập hàng để hưởng thuế 0%, nên lượng xe nhập khẩu từ thị trường ASEAN giảm mạnh từ vài nghìn chiếc xuống còn vài trăm xe", ông Lưu Mạnh Tưởng chia sẻ.
Nói thêm về ảnh hưởng của thuế suất nhập khẩu mặt hàng ôtô từ ASEAN sẽ về 0% tới thu ngân sách năm 2018, lãnh đạo Cục Thuế xuất nhập khẩu thừa nhận, chưa có chỉ tiêu phân giao thu ngân sách năm tới, nhưng với 90% hàng hóa có thuế suất giảm về 0% chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới số thu của ngành.
"Giảm thuế nhập khẩu nhưng thuế nội địa sẽ tăng, nên số giảm thu sẽ không lớn", Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.