Hầm đi bộ là một trong những hạng mục thiết yếu của đô thị. Tuy được đầu tư hiện đại và tốn kém song người dân dường như đã bỏ quên sự tồn tại của những đường hầm này.
Từ năm 2007 – 2008, Hà Nội lần lượt đưa vào sử dụng 23 hầm đi bộ, tập trung chủ yếu tại khu vực đường Nguyễn Xiển (17 hầm), đường QL 32 (4 hầm), Ngã Tư Sở và Giải Phóng – Đại Cồ Việt (2 hầm).
Được biết, chi phí để xây dựng một hầm đi bộ có giá khoảng 3 tỷ đồng, chưa kể chi phí cho hệ thống đèn điện, công tác vệ sinh và bảo trì. Tuy vậy, việc người dân “bơ đẹp” đường hầm, dẫn đến hiệu quả của những đường hầm này không cao.
Đường hầm Ngã Tư Sở với hai làn đường dành cho người đi bộ và người đi xe đạp nhưng vắng lặng, đìu hiu.
Theo quan sát của PV tại Ngã Tư Sở và các đường Nguyễn Xiển các đường hầm đều được vệ sinh sạch sẽ, không gian rộng rãi, tiện nghi và được trang bị camera nhưng người dân vẫn liều mình qua đường theo cách “truyền thống”.
Nhiều tuyến hầm đi bộ đều có nhân viên dọn dẹp vệ sinh thường xuyên.
Nhiều người dân sống gần khu vực hầm thường có thói quen tập thể dục dưới hầm. Ông Hà, sống gần Ngã Tư Sở (Đống Đa) cho biết: “Tôi thường tập thể dục dưới hầm vì không khí dưới này cũng thoáng đãng hơn phía trên, đặc biệt là nó rất rộng rãi.”
Một người vô gia cư tranh thủ chợp mắt tại đường hầm khu vực Đại Cồ Việt – Giải Phóng. Đường hầm dần trở thành nơi trú ngụ của những người vô gia cư trong những ngày Hà Nội trở rét.
Những tai họa rập rình từ những kẻ nghiện ngập, hút chích cũng khiến nhiều người dân “lắc đầu” với hầm đi bộ.
Trong số những đường hầm mà PV ghi nhận tại đường hầm khu vực Đại Cồ Việt – Giải Phóng, không khí bên dưới thoáng mùi hôi hám, ẩm mốc. Nhiều hầm đã bong tróc gạch nền hoặc rò rỉ nước.
Nhiều người vô tư bày hàng quán ngay trên cửa hầm.
Nhiều người “ngại” xuống hầm vì cho hệ thống khá rối với hàng chục cửa lên xuống dù mỗi đoạn đều được trang bị sơ đồ. Bạn Thắng (sinh viên trường ĐH Thủy lợi) chia sẻ: “Em có xuống hầm vài lần thường là khi đi chơi nhưng khi vội em cũng đi qua đường cho tiện. Với cả xuống đó hay bị lạc nên từ sau cũng không đi xuống nữa.”
Nhiều người dân “bơ đẹp” hầm đi bộ, liều mình đi xuống lòng đường, thậm chí băng qua đường dù đã có quy định xử lý hình sự.
Nhiều ý kiến cho rằng, nên cải tạo hệ thống hầm đi bộ thành các khu vực mua sắm hoặc không gian sinh hoạt văn hóa công cộng. Theo chị Lan (Nguyễn Xiển, Thanh Xuân) cho biết: “Mình từng đến Singapore thấy rằng nhiều khu vực tàu điện ngầm hay hầm đi bộ có vài cửa hàng bán hoa hoặc đồ ăn…”.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.