Một bể chứa có chứa nước nhiễm phóng xạ tại nhà máy Fukushima. (Nguồn: Greenpeace) |
Hồi tuần trước, tổ chức môi trường quốc tế "Hòa bình xanh" (Greenpeace) đã đưa ra phân tích về việc Tokyo dự định xả tới 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ ra biển. Nếu kịch bản này được thực hiện, Hàn Quốc sẽ là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự ô nhiễm môi trường. Mặc dù vậy, Chính phủ Nhật Bản vẫn im lặng, không đưa ra bất cứ phản hồi nào từ thông tin này.
Do đây là một vấn đề thu hút sự quan tâm lớn của các tổ chức môi trường cũng như các nước khu vực Thái Bình Dương, Hàn Quốc nhấn mạnh sẽ xúc tiến hợp tác với cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn đề.
Sau biện pháp trả đũa kinh tế của Nhật Bản, đây là lần đầu tiên Chính phủ Hàn Quốc công khai đề cập đến vấn đề ô nhiễm phóng xạ. Mặc dù đây không được xem là nguyên nhân trực tiếp gây căng thẳng Hàn - Nhật, song có vẻ như Seoul đang gia tăng sức ép đối với Tokyo sang cả vấn đề môi trường.
Liên quan đến tranh cãi thương mại giữa hai nước, Thứ trưởng Ngoại giao về vấn đề chính trị Yoon Soon-gu và Thứ trưởng Ngoại giao về vấn đề kinh tế Yun Kang-hyeon của Hàn Quốc đã lên đường tới châu Âu để nêu bật bản chất vô lý của biện pháp hạn chế xuất khẩu gần đây của Tokyo đối với Seoul.
Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ông Yoon Soon-gu có kế hoạch thăm Italy và Đức để hội đàm với các đối tác của mình, trong khi ông Yun Kang-hyeon sẽ tới Pháp và Anh.
Các chuyến đi của hai quan chức ngoại giao Hàn Quốc diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra từ ngày 24-26/8, sự kiện mà Nhật Bản có thể sẽ tận dụng để biện minh cho các biện pháp kiểm soát xuất khẩu gần đây của mình. Trong khi đó, Hàn Quốc không nằm trong nhóm G7 này.
Trước đó trong tháng Bảy, Nhật Bản đã loại Hàn Quốc khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy trong một động thái mà Seoul cho là sự trả đũa chính trị liên quan tới phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc hồi năm ngoái đối với các công ty Nhật Bản về vấn đề lao động bị cưỡng ép thời chiến.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.