Hàn Quốc thiếu trẻ em trầm trọng

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Xã hội 06/08/2018 10:03

Hàn Quốc thiếu trẻ em trầm trọng tới mức có trường tiểu học chỉ có 3 học sinh

 

photo1533519006516-153351900651623828793

 Dân số Hàn Quốc đang có tốc độ già hóa nhanh hơn cả Nhật Bản.

    Ở một ngọn đồi trồng anh đào cách Seoul một vài giờ về phía đông nam là một ngôi trường xây dựng theo kiểu bungalow từ những viên gạch tối màu. Ngôi trường này đầy đủ về vật chất từ sàn gỗ được đánh bóng, các bức tường được sơn sặc sỡ, và được trang bị nhiều sách và đồ chơi. Điều duy nhất thiếu thốn là những đứa trẻ.

    40 năm trước, vào thời hoàng kim của khu vực khai thác mỏ này, trường tiểu học Bobal có hơn 300 học sinh. Hiện tại, con số này chỉ là 3: một bé gái và hai bé trai, lọt thỏm giữa những hàng ghế trống. Ngôi trường vẫn mở cửa vì một số dân làng mở một chiến dịch phản đối kế hoạch của Bộ Giáo Dục để hợp nhất nó với một ngôi trường khác ở thị trấn bên cạnh, cách ngôi làng 10 km.

    Kim Jung-hoon, phụ huynh của một trong 3 học sinh còn lại, cho biết: “Giữ lại ngôi trường cực kỳ quan trọng với ngôi làng. Làm thế nào chúng tôi có thể thuyết phục các gia đình ở lại nếu không có nơi nào cho con cái của họ đi học?”

    Kế hoạch của Bộ giáo dục Hàn Quốc là dấu hiệu của một xu hướng rộng lớn hơn. Từ đầu những năm 1980, hơn 3500 trường học đã đóng cửa; con số này trong năm 2018 sẽ là 28 trường học. Nguyên nhân là Hàn Quốc đang có quá ít trẻ em.

    Tỷ lệ sinh sản, số trẻ em trung bình một phụ nữ sẽ sinh ra trong suốt cuộc đời, ở quốc gia này chỉ là 1,05 vào năm ngoái. Đây là mức thấp nhất thế giới, thấp hơn rất nhiều so với “tỷ lệ thay thế” (khoảng 2,1) cần thiết để duy trì dân số. Ở thủ đô Seoul, tỷ lệ này chỉ là 0,84. Mặc dù dân số Hàn Quốc không già như người hàng xóm Nhật Bản, tốc độ già đi của họ đang nhanh hơn rất nhiều.

    Hầu hết các nhà nhân khẩu học đổ lỗi cho sự mất cân đối giữa các tục lệ truyền thống và ưu tiên của những người trẻ tuổi.

    Phụ nữ Hàn Quốc hiện nay được giáo dục nhiều hơn nam giới và mong muốn thành công trong công việc, bất chấp những thành kiến về giới tính cực đoan và chênh lệch về lương lớn tại quốc gia Đông Á này. Một phụ nữ ở Hàn Quốc trung bình chỉ kiếm được 63% tiền lương của một người đàn ông.

    Thời gian làm việc dài và hệ thống phân cấp cứng nhắc trong các doanh nghiệp Hàn Quốc đồng nghĩa rằng tìm được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình không hề dễ dàng, ngay cả với nam giới. Nhưng phụ nữ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Theo Lee Do-hoon tới từ trường Đại học Yonsei, nhiều công ty coi phụ nữ là các nhân viên tạm thời, những người sẽ bỏ việc ngay khi có con. Do đó, nhiều phụ nữ lo lắng rằng họ không thể quay lại làm việc sau khi lập gia đình.

    Có khả năng giúp đỡ gia đình về mặt tài chính là rất khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp của những người trẻ tuổi là 10,5%. Những sinh viên tốt nghiệp đại học, chiếm 69% trong số những người từ 25 đến 24 tuổi, không thể mong chờ dễ dàng nhận được một công việc với mức lương hấp dẫn và giữ được nó đến hết đời. Sở hữu một căn hộ ở Seoul, nơi chứa hầu hết các cơ hội kinh tế, nằm ngoài tầm với của hầu hết người dân Hàn Quốc, trừ những người giàu có nhất.

     Đối với nhiều người, hôn nhân cũng không còn là một ý tưởng hấp dẫn. Đàn ông Hàn Quốc lo lắng rằng họ không thể hỗ trợ tài chính cho gia đình. Phụ nữ thì phàn nàn về những kỳ vọng đã lỗi thời của những người theo đuổi tiềm năng.

    Các công ty mai mối trừ điểm của những ứng viên nữ có việc làm nhưng thiếu kỹ năng làm việc nhà. Một phụ nữ làm việc cho một NGO ở Seoul chia sẻ: “Kết hôn chỉ có nghĩa là một người đàn ông hi vọng bạn sẽ ở nhà và nấu cho anh ta. Tại sao tôi lại muốn làm điều đó chứ?” Tuy nhiên, có con ngoài giá thú lại bị coi là một điều đáng xấu hổ ở Hàn Quốc.

    Do đó, số lượng trẻ em được sinh ra đã giảm đi trông thấy. Điều này gây áp lực lên hệ thống hưu trí và đe dọa đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

    Nhằm cải thiện tình hình, tổng thống Moon Jae-in và chính phủ của ông đã công bố các biện pháp cải thiện chăm sóc trẻ em và tăng cường hỗ trợ cho các gia đình cha/mẹ độc thân. Các biện pháp này có thể thành công khi Hàn Quốc ít chi tiêu (tính theo % GDP) cho trợ cấp gia đình so với hầu hết các quốc gia giàu có khác.

    Ông Moon cũng cam kết sẽ tiến tới môi trường bình đẳng giới hơn tại nơi làm việc và ít giờ lao động hơn. Điểm nhấn trong các chính sách của ông là tăng cường tự do để người dân được chọn cách sống, thay vì chỉ chú trọng vào tăng tỷ lệ sinh sản. Ông Lee tin rằng quá trình tái cơ cấu này có thể thành công: “Phụ nữ không muốn chính phủ quyết định việc sinh con của họ. Họ muốn chính phủ tạo ra các điều kiện mà trong đó, họ có thể muốn sinh con.”

    Tuy nhiên, quá trình thay đổi diễn ra chưa đủ nhanh. Để đẩy nhanh tiến độ, chính phủ cũng giúp sắp xếp các cuộc hôn nhân giữa đàn ông nông thôn và các cô dâu “nhập khẩu” từ các nước nghèo châu Á. Về lý thuyết, các cuộc hôn nhân này không chỉ giúp gia tăng số lượng trẻ em mà còn làm tăng số lượng lao động tại Hàn Quốc. Nhưng nhập cư hàng loạt vẫn còn là một chủ đề nhạy cảm ở quốc gia Đông Á này.

    Ý kiến của bạn

    Bình luận