Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong hai năm 2014 - 2015, Hàn Quốc đã chính thức vượt qua Nhật Bản trở thành quán quân đầu tư tại Việt Nam.
Doanh nghiệp Hàn góp 30% xuất khẩu Việt Nam
Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất cả về số lượng dự án và tổng vốn đầu tư trong số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với khoảng 50 tỷ USD, 5.593 dự án.
Tính đến nay, doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đã đầu tư vào 19 lĩnh vực, chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (35 tỷ USD), kinh doanh bất động sản (8,2 tỷ USD), xây dựng (2,7 tỷ USD).
Doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào 52 tỉnh/thành phố của Việt Nam, lớn nhất là Bắc Ninh (gần 6,2 tỷ USD), Hà Nội (5,8 tỷ USD), Đồng Nai (5,5 tỷ USD), Hải Phòng (5,4 tỷ USD),Thái Nguyên (5 tỷ USD).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hàn Quốc ưa chuộng đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, xây dựng, vận tải kho bãi và bán buôn bán lẻ, sửa chữa ôtô xe máy.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã giúp doanh nghiệp Việt nhận thức rõ về ưu và nhược điểm của mình. Chẳng hạn, Samsung - một trong những nhà đầu tư hàng đầu, đã tập trung đầu tư cho điện tử, công nghệ cao và nhiều dự án trọng điểm trong giao thông, điện lực, bất động sản với tổng vốn đăng ký gần 16 tỷ USD.
Việc đầu tư của Hàn Quốc và Samsung nói riêng đã tạo ra sức ép cạnh tranh cho ngành công nghiệp phụ trợ. Trong năm 2015, số lượng doanh nghiệp Việt trở thành nhà cung cấp cho Samsung tăng mạnh lên con số 190. Trong số này có 12 nhà cung ứng ký hợp đồng trực tiếp và 178 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 2.
Lý giải làn sóng đầu tư Hàn, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, có nhiều lý do khiến quyết định của các nhà đầu tư vào Việt Nam như tình hình chính trị ổn định và tăng trưởng kinh tế cao ( 5-6,5%/năm).
Hệ thống cơ sở hạ tầng đang ngày càng hoàn thiện và đang được đầu tư mạnh, với 20 sân bay, 39 cảng biển, hệ thống đường bộ được nâng cấp và xây mới. Nguồn nhân lực dồi dào với khoảng 93 triệu dân, trong đó 60% dân số đang trong độ tuổi lao động.
“Tôi cho rằng, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, những đổi mới về luật pháp chính sách theo hướng minh bạch hoá thủ tục đầu tư và bình đẳng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Việc tham gia các FTA thế hệ mới với cam kết giảm thuế sâu, bảo hộ sở hữu trí tuệ,…đã tạo ra động lực thu hút đầu tư”, Cục trưởng Hoàng khẳng định doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, tạo ra 70 vạn việc làm, góp 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc được đánh giá là các nhà đầu tư làm ăn nghiêm túc, có hiệu quả.
Ông Hoàng cho biết, Việt Nam mong muốn doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục đầu tư vào công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, điện, điện tử, công nghệ thông tin, nông nghiệp chất lượng cao, môi trường, công nghiệp chế tạo, y tế và phát triển hạ tầng…
“Làn sóng” đầu tư thứ ba vào Việt Nam
Các dự án đầu tư tỷ USD của Hàn Quốc trong thời gian gần đây đã góp phần hình thành làn sóng đầu tư thứ ba của Hàn Quốc vào Việt Nam sau những năm 1990 và làn sóng thứ hai vào những năm 2000.
Khác với việc đổ tiền vào các ngành sản xuất, may mặc, điện tử để xuất khẩu, ngày nay các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư phục vụ chính thị trường Việt Nam với dân số đông, trẻ, thu nhập đầu người ngày càng cao.
Đây là động lực khiến các nhà đầu tư Hàn thay đổi tâm thức khi tham gia thị trường. Các nhãn hiệu như Hyundai, Kia Morning, CGV, Lotte, Lotteria hay như sự tham gia của đại gia bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc như E-mart...
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, tất cả các công ty lớn của Hàn Quốc có mặt trong danh sách Fortune 500 đều đã có các dự án đầu tư hoặc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam như Samsung, LG, GS, Posco, Hyundai, Kepco, SK…
Hàn Quốc là đối tác FDI lớn nhất, khoảng cách với Nhật Bản ngày càng lớn do làn sóng tiếp tục tăng cao nhờ Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam giống như một địa bàn chiến lược.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo trong thời gian tới, nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào công nghiệp điện tử đi đầu là Samsung, LG và các doanh nghiệp vệ tinh. Lĩnh vực phân phối bán lẻ (Lotte, Shinseghe, E Mart), tài chính bảo hiểm, bất động sản, dầu khí - hoá chất, may mặc, dịch vụ, du lịch, giải trí, nông nghiệp, thực phẩm…dần hình thành các khu công nghệ chuyên sâu cho doanh nghiệp Hàn Quốc.
Đặc biệt, với các chính sách ưu đãi của Việt Nam đang được định hình, ngành năng lượng được cho là có sức hút với nhà đầu tư Hàn Quốc: nhiệt điện, điện nguyên tử hay năng lượng tái tạo.
Trong dài hạn, tiềm năng thu hút vốn từ Hàn Quốc sẽ có nhiều thuận lợi do Hàn Quốc vẫn coi ASEAN là địa bàn trọng điểm. Về những tồn tại trong công nghiệp hỗ trợ, chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng…Việt Nam sẽ tiếp tục khắc phục để tăng sức hấp dẫn với giới doanh nhân Hàn Quốc.
“Khu công nghiệp Keaseong của Hàn Quốc được đặt ở Triều Tiên đã đóng cửa do quan hệ hai nước căng thẳng. Theo đó, cộng đồng các doanh nghiệp tại đây sẽ phải tìm cơ sở đặt nhà máy mới, trong đó Việt Nam là nơi phù hợp nhất. Việc sớm có kế hoạch sẽ góp phần thu hút thêm làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.